- Các Ban Quản lý dự án cần phải thông tin cho mọi người biết rằng tại sao lại phải xây dựng BTLSQG và lộ trình xây dựng đó đòi hỏi những gì? Bước đi ra sao? Để cùng "thẩm định".

Mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới.

Tiếp tục mạch bài liên quan đến dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) sắp được triển khai với số tiền đầu tư dự kiến lên tới trên 11.000 tỉ đồng, VietNamNet đã phỏng vấn TS Lê Thị Minh Lý, Nguyên Cục phó Cục Di sản Văn hóa, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia.

- Bà thấy sao trước phản ứng của dư luận về dự án xây dựng BTLSQG vừa qua mà phần lớn cho rằng quá tốn kém và không phải lúc trong khi việc cần làm trước hết là quy hoạch những bảo tàng hiện có?

- Tôi biết việc này và hiểu sự quan tâm và băn khoăn của dư luận. Năm 1998, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ VHTT triển khai việc xây dựng Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam (BTVN). Việc khảo sát, đánh giá các bảo tàng ở VN được làm từ đó. Khi đánh giá, chúng tôi thấy rõ mặt mạnh mặt yếu của hệ thống BTVN.

Sau đó nội dung qui hoạch đã đề xuất việc sáp nhập hoặc phát triển các bảo tàng; việc chỉnh lý nâng cấp hoặc đầu tư xây mới một số bảo tàng. Quy hoạch nói rõ, với các bảo tàng tỉnh thì phải quy hoạch thế nào, với bảo tàng chuyên đề thì phải phát triển ra sao, trong đó có cả dự án xây dựng bảo tàng Thiên nhiên VN cùng 1 số bảo tàng về khoa học kỹ thuật nữa chứ không chỉ riêng BTLSQG.

BTLSQG của mỗi quốc gia là hiện thân sâu sắc nhất bản sắc văn hóa của dân tộc, quốc gia đó. BTLSQG của mỗi quốc gia là hiện thân sâu sắc nhất bản sắc văn hóa của dân tộc, quốc gia đó. Việc sáp nhập hai bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Cách mạng Việt Nam thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đặt nội dung và phương thức hoạt động của bảo tàng này trong một bối cảnh nhiệm vụ mới đó là chủ trương của quốc gia, là chiến lược phát triển văn hoá của đất nước.

Do vậy việc đó là việc tất nhiên và mọi việc đang trong lộ trình của nó, theo quy hoạch, Ngoài ra còn có cả những dự án của các bảo tàng khác đang được đầu tư chỉnh lý, nâng cấp hoặc xây mới.

Dự án BTLSQG không phải bây giờ mới bắt đầu, đã khởi động từ năm 2009. Vấn đề là làm gì trước, làm gì sau và cái nào thì làm thế nào? Số tiền xây nhà bao nhiêu phải căn cứ vào phương án thiết kế. Phương án thiết kế phải căn cứ vào nội dung bảo tàng. Hạng mục nào cần, thiết thực thì nên đầu tư. Ngược lại, thì không nên. Tôi nghĩ rằng các Ban Quản lý dự án nhân đây cần phải thông tin cho mọi người biết rằng tại sao lại phải xây dựng BTLSQG và lộ trình xây dựng đó đòi hỏi những gì? Bước đi ra sao? Để cùng “thẩm định”.
 
Bảo tàng Hà Nội cũng có lộ trình nhưng vấn đề của nó là việc nghiên cứu chuẩn bị nội dung, thông tin và cách thức trưng bày giới thiệu làm quá chậm vì vậy dẫn đến tình trạng hiện nay. Làm thế nào cho hiệu quả? Đó là câu chuyện của từng bảo tàng và là trách nhiệm của người đứng đầu - lãnh đạo bảo tàng.

- Theo bà thì xây BTLSQG vào thời diểm này có hợp lý không?

- Việc xây một bảo tàng mới có hai phần công việc: chuẩn bị nội dung, hình thức trưng bày và xây dựng ngôi nhà. Nghiên cứu nội dung phải đi trước một bước, thậm chí là bước khá lâu. Rất quan trọng vì đó là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu công chúng và đào tạo nguồn nhân lực để vận hành bảo tàng. Nội dung sẽ quyết định việc tổ chức không gian và hoạt động của bảo tàng.

Việc quyết xây dựng ngôi nhà BTLSQG vào thời điểm nào phải căn cứ nội dung đã được xác định một cách cơ bản. Một công trình xây dựng bảo tầng ít nhất là 5 năm. Bảo tàng Hồ Chí Minh khởi công từ 1985, đến 1990 mới hoàn thành. Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khởi công vào 2001 cũng phải mất hơn 5 năm để hoàn thành.

Còn Bảo tàng quốc gia Văn minh Ai Cập khởi công năm 2002 cũng lùi thời gian khánh thành sang 2013 dù dự kiến trước đó là 2009. Dự án BTLSQG cần phải khởi động song phải giải được bài toán mối quan hệ giữa “ruột” và “vỏ” một cách hợp lý.

- Là một trong những người tham gia xây dựng quy hoạch hệ thống BTVN, trong đó có BTLSQG, bà nghĩ gì về việc xây BTLSQG vào thời điểm này? Bà có lý lẽ thuyết phục gì để công luận thấy việc triển khai dự án này là cần thiết?

- Cần thiết là vì lâu nay chúng ta chưa có một bảo tàng giới thiệu đầy đủ lịch sử dân tộc dù rằng chúng ta có một phần ở BTLSVN, 1 phần ở Bảo tàng Cách mạng. Chúng ta cần có 1 cái nhìn xuyên suốt, liên tục về lịch sử nước ta, giống như tất cả các quốc gia khác. Có thể có nhiều bảo tàng khác nhau nhưng về lịch sử VN thì nên có 1 bảo tàng thống nhất về diễn trình, về ngôn ngữ trưng bày về cách tiếp cận giới thiệu và tổ chức hoạt động. Đây là vấn đề cấp thiết nhưng lại là một chiến lược. Điều này phải thực hiện lâu dài chứ không phải trong vòng vài năm.

- Từ hiện trạng các bảo tàng hiện tại, nhiều người quan ngại BTLSQG mới khi hoàn thành có đủ hiện vật trưng bày không và sẽ vận hành thế nào?

- BTLSVN và Bảo tàng Cách mạng đã có một số sưu tập khá là tốt. Nhưng để có 1 bảo tàng xứng đáng là BTLSQG, và đặc biệt nữa là có ý nghĩa với giáo dục thế hệ trẻ, thu hút công chúng thì bảo tàng đó phải gắn với con người, cuộc sống ngày hôm nay. Phải nghiên cứu nhiều và sưu tầm thêm hiện vật, tài liệu và làm tư liệu, thông tin cho tốt.

Mặt khác, từ bộ sưu tập cổ vật, bảo vật quố gia đó phải nghiên cứu để giới thiệu làm sao cho hay, cho có mối liên hệ với cuộc sống hôm nay. Bảo tàng rất cần những hiện vật đương đại và phải sưu tầm ngay từ bây giờ. Những ký ức, tư liệu từ thời chiến tranh và ngay cả những câu chuyện của thời bây giờ phải được nói đến trong BTLSQG. 

- Vậy sau khi BTLSQG ra đời thì 2 bảo tàng kia sẽ được quy hoạch thế nào, thưa bà?

- Chúng tôi đã đề xuất công trình BTLSVN cũ trở lại là bảo tàng cổ vật phương Đông như ban đầu người Pháp đã sáng lập ra nó. Nhiều hiện vật của bảo tàng Louis Finot còn được lưu giữ ở BTLSVN trước đây. Còn ngôi nhà Bảo tàng Cách mạng sẽ là “sân chơi” của mỹ thuật đương đại và nghệ thuật ứng dụng vì hiện nay công chúng cần có 1 bảo tàng như thế.

Hạnh Phương