Phim truyền hình Việt đang chuyển đề tài nông thôn, sau khi đã làm khán giả chán ngán với những chuyện chân dài, đại gia sống ở nhà lầu, đi xe hơi.

Nông thôn Nam bộ một lần nữa trở lại với màn ảnh nhỏ vào ngày 10.10 tới đây qua bộ phim dài 30 tập “Bìm bịp kêu chiều” của tác giả & đạo diễn Trung Dân. Bộ phim nằm trong dòng chảy đánh dấu sự trở lại của mảng đề tài vốn gắn với cuộc sống của hơn 20 triệu dân cư đồng bằng Nam bộ. Mà bấy lâu những người làm phim thường bỏ qua để chạy theo những câu chuyện xoay quanh đời sống của thị dân, phần nhiều là xa lạ với số đông công chúng với biệt thự, xe hơi, chân dài, đại gia… 


“Bìm bịp kêu chiều”, phim mới nhất về đề tài nông thôn Nam bộ.

Nếu chân dung nông thôn miền Bắc đương đại được lột tả xuất sắc trong nhiều bộ phim truyền hình trên đài truyền hình quốc gia, thì chân dung nông thôn miền Nam đến nay vẫn chưa nhiều và chưa để lại nhiều dấu ấn, trừ vài cái tên nổi bật như Đất phương nam, Người đẹp Tây Đô, Hương phù sa…

Nhưng những chuyển động gần đây cho thấy các nhà làm phim đang cố gắng lấp đầy khoảng trống phim về “tam nông” (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) như Lúa trổ bông, Về quê cưới vợ, Đồng quê, Đất Mặn, Chân trời cỏ biếc, Cá lên bờ, Hương bưởi…

“Việc chuyển sang khai thác đề tài nông thôn có nghĩa là các đoàn làm phim phải đi xa hơn, kinh phí cho việc ăn nghỉ của đoàn cũng vì thế mà tăng hơn”, bà Việt Hà – giám đốc hãng phim Thiên Nam An, nơi sản xuất “Bìm bịp kêu chiều” nói.

Sự thay đổi kéo theo một diện mạo mới, mà có lẽ là gần gũi hơn, cho phim Việt. Về mặt bối cảnh, loạt phim kể trên đã thu vào khung hình rất nhiều cảnh đẹp của thôn quê Nam bộ như An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bình Dương, Long An, Củ Chi…


Cảnh trong phim Đồng quê của đạo diễn Lê Phương Nam.

Những chuyện tình éo le và các giềng mối quan hệ, tuy vẫn tiếp tục là trục chính dẫn câu chuyện đi từ phát sinh tới kết thúc, nhưng nay đã nằm trong một câu chuyện nhân sinh rộng lớn, gần gũi và thời sự hơn. Qua đó, người xem thấy được bức tranh đời sống của những người nông dân trồng bưởi, nuôi cá, trồng lúa cao sản, trồng rau sạch hay buôn bán tiểu ngạch qua biên giới…

Nhân vật chính của những bộ phim này, do vậy, cũng là những con người lao động chân chất và thân quen. Có thể nói, những đoàn làm phim về nông thôn đã gần như sạch bóng các người đẹp “ngực khủng” hay “lộ hàng”. Không chỉ bởi hình ảnh của họ không phù hợp với hình ảnh của người nông thôn, mà còn do họ không thể lội ruộng, chèo xuồng hay bơi sông giống như các diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và sống hết mình với nghề.

Những bộ phim về nông thôn thường được các đài truyền hình ưu ái mua lại và phát sóng, nên có thể không gây khó khăn về đầu ra cho các nhà sản xuất, trừ khi phim quá dở hoặc có nội dung bị cho là xúc phạm (như phim Hãy cùng em điệu Sarakakeo). Đứng trước một mảng đề tài rộng lớn và đa dạng như vậy, khó khăn lớn nhất cho các nhà làm phim hiện nay thiếu đội ngũ biên kịch giỏi và am hiểu đời sống nông thôn để có thể xây dựng những bộ phim hấp dẫn.

Khải Trí