- Thắng cuộc thi hôn liệu có tránh khỏi kết cục “đường ai nấy đi” vì đôi trẻ chỉ là “bạn chơi” được “tuyển” gấp trong những ngày lễ hội?

Săn thuốc chống nhàm cho ngày tình nhân

Càng ngày, những hình thức kỷ niệm (ăn, chơi, hưởng thụ) Valentine càng trở nên phong phú, đa dạng. Lao ầm ầm suốt ngày trên các trang mạng để săn quà độc cho nửa kia, thế nhưng vẫn rất bí khi mà tặng sô-cô-la, nữ trang, thẻ spa, rủ nhau đi du lịch Nha Trang, Đà Lạt, Sa Pa, chọn khách sạn năm sao để mời tình nhân bữa tối… tất cả đều đã không còn là “phương thuốc” chống… nhàm.

Hoa tươi dù đẹp và đắt cỡ mấy cũng hết thời “đỉnh”. Nuôi tình yêu bằng các dịch vụ cao cấp, các “đại gia” chuyển sang đặt nhà sản xuất những bông hồng dát vàng giá khá chát, các loại nhẫn kim cương siêu sang trọng, thậm chí đặt riêng những mẫu xe “không đụng hàng” dành cho người yêu.

Hôn trước sự chứng kiến của công chúng Đà Lạt

Ngày tình nhân, teen Việt mừng hú, râm ran “tuyển” nửa kia đi lễ hội hôn. Tôn vinh tình yêu, còn có quà tặng đắt giá đi kèm, và sẽ được các nhiếp ảnh gia ghi lại khoảnh khắc siêu lãng mạn, siêu ấn tượng.

Hôn tập thể - màn trình diễn vui vẻ?

Nhưng, hôn tập thể liệu có thể trở thành kỷ niệm độc đáo, thi vị cho ngày tình nhân khi mà tâm lý e ngại đám đông khiến cho các cuộc thi hôn bao giờ cũng chỉ đông ở khâu đăng ký? Xôn xao mừng rỡ trên các diễn đàn nhưng khi hỏi chuyện thực tế, đa phần các  bạn trẻ Việt thích tham gia lễ hội (tức là đến xem người khác hôn) chứ không phải trực tiếp nhảy vào thi đấu.

Và, kể cả khi lễ hội hôn có diễn ra thành công rực rỡ, thì liệu những người thắng cuộc có thực sự là các đôi tình nhân vàng? Có gì lạ đâu khi mà nhan nhản trên các trang mạng, diễn đàn là clip học sinh thản nhiên hôn nhau giữa… lớp học? Nhân tình lợi dụng lúc chập choạng chốn vườn hoa công viên thoải mái ôm ấp nhau?

Tình yêu là thứ cảm xúc sâu lắng ở trong tim, rất khó thể hiện bằng lời nói hay hành động. Thêm nữa, tình yêu như con chim có cánh dễ bay, khó nắm bắt và níu giữ. Thắng cuộc thi hôn, ảnh đăng đầy bìa báo liệu có tránh khỏi kết cục “đường ai nấy đi” vì đôi trẻ chỉ là “bạn chơi” được “tuyển” gấp trong những ngày lễ hội?

Những nụ hôn này đã thật sự đẹp?
Ngoài sự hiếu kỳ, thật khó có thể tìm thấy tầm cỡ và ý nghĩa lớn lao của các cuộc thi hôn do các công ty đứng ra tổ chức. Còn nhớ hồi năm 2008, kỷ lục hôn lâu nhất tại Việt Nam (10 phút 20 giây) đã thuộc về đôi tình nhân Nguyễn Mạnh Hùng - Nguyễn Thị Nga, tham gia cuộc thi hôn tập thể tại Thung lũng Tình yêu - Đà Lạt. Trong sự tò mò háo hức chứng kiến của rất đông người, các cặp thi hôn trở nên bẽn lẽn, ngượng ngùng ghê gớm.

Đâu phải cứ thấy thế giới thi khóa môi tập thể là mình cũng có thể ăn theo. Venice tổ chức được hoạt động mừng năm mới 2008 ấn tượng nhất thế giới với 60.000 người tham gia lễ hội hôn là vì thương hiệu từ nhiều thế kỷ nay đã gắn liền với một thành phố tình yêu nổi tiếng hàng đầu thế giới. Còn người Việt Nam vốn nổi tiếng vì vẻ e lệ, kín đáo trong những bí ẩn phương Đông. Có nên chăng chúng ta cứ bắt chước dập khuôn, không những không thành ra một hoạt động văn hóa mà còn trở nên ồn ào lố bịch?

Nếu như thi hôn chỉ là màn trình diễn tình cảm mang tính vui vẻ của những cặp đôi chuộng lạ, mê sốc, thì nhà tổ chức mất công đến thế để làm gì? Câu trả lời liệu có phải chỉ vì liên quan đến mấy công ty quảng cáo kem đánh răng hoặc muốn PR thật sốc cho tên tuổi của mình?

Mới đây, các cơ quan chức năng ở Hải Phòng đã không cấp phép cho cuộc thi hôn lẽ ra tổ chức ngày 13/2. Theo thông tin từ sở VHTT Hải Phòng thì chính là vì lễ hội hôn không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Sức nặng yêu thương từ những điều giản dị

Thật xúc động khi thấy có những cặp tình nhân 70 năm vẫn chỉ tặng nhau đúng một chiếc thiệp của lần đầu ngỏ lời hẹn ước. Và những nụ hôn lặng thầm kín đáo thay vì phô trương khoe khoang mới chính là biệt dược nuôi sống tình yêu.

Món quà ý nghĩa nhất chính là tình cảm thật sự trong mỗi trái tim
Vào ngày 14/2/1941, ông Harry Ward (Anh) phải lên đường nhập ngũ. Ông gửi cho người yêu của mình một chiếc thiệp Valentine và tin rằng tình cảm của mình sẽ được đáp lại. Cặp đôi hẹn hò tại một quán cafe ở Bristol. Tuy nhiên ông Harry không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng 70 năm sau ông vẫn được hạnh phúc bên bà Doris.

"Harry rất lãng mạn và chúng tôi vẫn sẽ giữ những tình cảm nồng ấm với nhau trong tất cả những năm tháng về sau. Bí quyết để cuộc hôn nhân của chúng tôi luôn hạnh phúc là bao giờ đi ngủ cũng có một nụ hôn chúc ngủ ngon" - bà Doris nói.

Câu chuyện trên có thể chỉ là một ví dụ. Nhưng đón một ngày ý nghĩa như lễ tình nhân, thay vì ồn ào tìm cách thể hiện thật “độc”, “đắt”, “hiếm”, “sốc” tình cảm của mình, liệu có bao nhiêu người tĩnh tâm lắng lại một vài phút; thật sự nghĩ về tình yêu, để hiểu rằng giữa đời sống xô bồ hiện đại, mọi thứ rồi sẽ cùng rủ nhau trượt nhanh xuống hố thẳm của sự trống rỗng? Và điều quan trọng nhất, chính là điều còn ở lại, cho dù mỗi cá thể đang tồn tại hay thậm chí đã tạm biệt cuộc đời, lại là điều vô hình khó nắm bắt, nằm sâu trong mỗi đáy tim.

Hòa Bình