NGƯỜI QUAN SÁT
“Gangnam Style”: Đại sứ, gã hề hay nghệ sĩ?
Những điều nhố nhăng rùm beng showbiz Việt
Bảo tàng 'khủng' và câu chuyện niềm tin
Từ phim siêu nhảm đến 44 tỷ bốc hơi
Tai tiếng showbiz Việt: Quá định mức, hết khuây khỏa!
Xưng tụng quá đà và ném đá tàn nhẫn
Vì sao truyền hình thực tế khiến đám đông phát cuồng?
Đã thành thông lệ, vào trung tuần tháng 10 hàng năm, Viện Khoa học hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển lại bắt đầu tuần lễ công bố giải thưởng Nobel làm khuấy động thế giới nghiên cứu khoa học, kinh tế, văn chương và những người theo đuổi hòa bình thế giới.
Được lập theo di nguyện của nhà khoa học Thụy Điển Alfred Nobel, giải Nobel được trao kể từ năm 1901 |
Và cũng đã thành quen thuộc, cái tên người đoạt giải luôn gây được một “gói” cảm xúc lẫn lộn trong công chúng, từ bất ngờ, hoan nghênh, tranh cãi cho tới cảm thán “ồ, ra là ông ấy/bà ấy đã làm được chuyện lớn lao như vậy”.
Tất nhiên, không chỉ bằng uy tín và số tiền thưởng khá cao 1,2 triệu USD (giảm so với mức 1,5 triệu USD của những năm trước) mà giải thưởng gây được ồn ào, bàn tán. Đó còn là nhờ luật lệ, nguyên tắc để chuyện hậu trường bầu bán phong kín trong những căn phòng thảo luận ở tòa nhà (vốn trước đây là trung tâm giao dịch chứng khoán), nơi có các biện pháp bảo mật và chống nghe lén.
Thế nên, rất ít khi người ta được biết họ đã “nâng lên đặt xuống” những ai trong danh sách bí mật với hàng trăm cái tên được đề cử cho một giải thưởng. Tất cả chỉ là đoán mò cho tới khi kết quả được công bố trong một cuộc họp báo ngắn được truyền trực tiếp trên mạng.
Nếu như tình trạng đoán mò kết quả khiến Nobel trở thành mảnh đất tình cờ nảy mầm trò vui cá cược; thì có vẻ như những đồng tiền đỏ đen ngày một lớn trên các sàn cá cược đang tác động trở lại chuyện trao giải.
Một vài nghi vấn “rò rỉ thông tin” gần đây đã khiến người ta phải đặt lại vấn đề về bức tường bảo mật của viện. Chẳng hạn như năm nay, gần sát ngày trao giải, nhiều người “bỗng dưng” dự đoán đúng hai cái tên đoạt giải Nobel Y học sẽ là nhà vật lý người Nhật Shinya Yamanaka và nhà sinh vật học người Anh John Gurdon, nhờ công trình nghiên cứu tái lập trình các tế bào người trưởng thành trở về với trạng thái tế bào gốc của họ.
Hay như năm ngoái, nhà cái LadBrokes đã phải “khóa sổ” sớm cái tên nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer khi phát hiện người chơi đổ dồn về đặt cược cho ông vào sát ngày công bố. Kết quả, ông đoạt giải.
Không kể tới chuyện vui đỏ đen của số ít, có thể nói sự ồn ào của Nobel vẫn là nhỏ bé so với sự ầm ĩ của các sự kiện ra mắt dòng sản phẩm đóng dấu trái táo bị cắn dở hay ghi dấu một mạng xã hội cán mốc 1 tỷ người dùng.
Đến nay, Nobel được nhìn nhận là giải thưởng danh giá nhất trong các lĩnh vực văn chương, vật lý, y học, hóa học, kinh tế và hòa bình |
Trong bối cảnh rất nhiều tin tức được gắn nhãn tiến bộ khoa học một cách nhiễu loạn, Nobel đã chứng tỏ được giá trị của nó như một đối trọng cần thiết giúp công chúng nhận thức và định giá được đâu là những thành tựu, tiến bộ khoa học thuộc hàng cơ bản, lớn lao và đột phá của giới nghiên cứu khoa học.
Với tin tức về thành tựu được Nobel vinh danh, chỉ cần đôi chút lắng lại là người ta đã có thể nhận ra mình đang rưng rưng xúc động vì những nỗ lực không ngừng của con người khi đối diện với sự hữu hạn của thân phận, để đi tới một tương lai hạnh phúc và bớt đau khổ hơn.
Chẳng hạn như giải Nobel Y học năm nay là niềm hy vọng lớn cho những người mắc bệnh Alzheimer, Parkinson hay các bệnh khác nhờ mở ra khả năng thay thế mô. Giải Nobel Hóa học là tin vui cho những người đang chiến đấu với những căn bệnh như trầm cảm, tiểu đường hay ung thư…Thậm chí, Nobel Vật lý còn khiến người ta giật mình vì một phát minh, mà trước đó họ chẳng mấy để ý, có khả năng mở ra một thời đại siêu máy tính.
Với riêng thế giới khoa học, Nobel còn cho thấy khía cạnh khác. nếu như các nhà nghiên cứu ngày xưa không có điều kiện để kết nối thường xuyên, thì đồng nghiệp của họ ngày hôm nay đã tận dụng mọi lợi thế có được từ công nghệ thông tin để không ngừng trao đổi thường xuyên và giúp đỡ lẫn nhau.
Đây là lý do vì sao những năm gần đây Nobel thường xuyên trao cùng một giải thưởng cho từ hai đến ba nhà khoa khọc (ba là số tối đa), trừ giải Nobel Văn chương thường trao cho một người. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, thì theo như nhà vật lý lý thuyết người Mỹ John Wheeler: “Khi hòn đảo kiến thức của chúng ta rộng lớn hơn, thì vẫn còn đó bãi cát dài của sự thơ ngây”.
Khải Trí