- "Cái cung cách mà ta đang hành xử với chính đồng vốn đầu tư cho phim lịch sử giống như của những đại gia tiền rừng bạc bể ném tiền ra cho một trò chơi sang hơn là kiếm một con đường cho dòng phim còn mới manh nha nhưng đầy tiềm năng cả về nghệ thuật lẫn doanh thu".
Những James Bond "hụt" trên màn ảnh
Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh... xuống đường hát miễn phí
Jennifer Phạm sẽ tái hôn vào tháng 12
Phải đầu tư cho người có tài, không phải người tán khéo
"Thiên mệnh anh hùng" được tư nhân đầu tư tới 25 tỉ đồng. |
"Cái thiếu nhất là người tài", Lê Phương, một nhà biên kịch (NBK) lão làng từng tham gia hàng loạt bộ phim lịch sử Việt Nam như Đêm hội Long trì, Tráng sĩ Bồ Đề.. đã nhận định thẳng thắn như vậy trong cuộc hội thảo Nhân vật lịch sử trong phim truyện VN do Hội điện ảnh tổ chức sáng 6/11 tại Hà Nội. Không có tên trong danh sách những đại biểu được "đặt hàng" viết và đọc tham luận nhưng những phát biểu vo của ông đã đi thẳng vào những vấn đề thực tế mà nhiều người đã cố tình né tránh.
NBK Lê Phương cho rằng những người tham gia làm phim lịch sử phải liều vì không liều thì không thể làm phim. Nhà biên kịch của phim "Biệt động Sài Gòn" chia sẻ rằng cũng vì có chút máu liều mà cả ông và đạo diễn Hải Ninh mới có thể làm nổi "Đêm hội Long trì", bộ phim cho đến nay vẫn được nhắc đến như một thành công của dòng phim lịch sử vẫn còn non yếu của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khi nhiều người vạch ra hàng loạt nguyên nhân được cho làm ảnh hưởng tới việc cho ra đời những bộ phim lịch sử made in Vietnam như thiếu trường quay, thiếu tiền, tư liệu lịch sử hẻo, không có các bối cảnh sẵn... thì NBK Lê Phương khẳng định: "Phim hay hoặc không hay là ở người làm phim chứ không phải thiếu con ngựa, thiếu cái cổng. Dòng phim lịch sử của chúng ta rõ ràng là thiếu và yếu nhưng nếu có gan và biết làm phim là được. Do vậy đầu tư là phải đầu tư cho người có tài chứ không phải người tán khéo".
"Thái sư Trần Thủ Độ" được chọn sản xuất chào mừng 1000 năm Thăng Long nhưng sau 2 năm hoàn thành vẫn đắp chiếu dù đã ngốn gần 60 tỉ đồng. |
NBK Lê Phương cũng tỏ ra không đồng tình với cách chọn kịch bản theo phong trào đã từng được áp dụng cho cuộc vận động sáng tác kịch bản phim chào mừng 1000 năm Thăng Long. Ông cho rằng Ban chỉ đạo 1000 năm đã "hơi bất lịch sự" khi nói rằng sẽ làm phim về vua Lý Công Uẩn nhưng cuối cùng lại chọn làm phim về Trần Thủ Độ, người đã chấm dứt sự cai trị của nhà Lý.
"Nếu làm phim lịch sử thì phải chọn cho đích đáng, chỉ cần chọn một "mảnh" lịch sử dễ làm, dễ đặt vấn đề. Tôi mong Nhà nước sẽ quan tâm bài bản hơn tới mảng phim lịch sử chứ không phải chỉ nhân dịp giỗ ông này ông kia", NBK Lê Phương thẳng thắn nói.
Nhà báo Lê Hoàng đồng tình và cũng bảy tỏ sự lo ngại với cách làm phim lịch sử hiện nay: "Cứ ngỡ rằng đợt làm phim lịch sử dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội chỉ là trận đánh mở màn, một cuộc thực nghiệm của việc làm phim lịch sử để bước qua năm 2011-2012 công việc này sẽ đi vào quy củ, nề nếp, sẽ được hanh thông. Đáng buồn sao, có thể nói trên đại cục, phim lịch sử được làm ra dịp ấy cũng vẫn chỉ là mặt hàng "cúng cụ" như nhiều đợt triển khai các bộ phim khác phục vụ những dịp lễ lạp, những yêu cầu tuyên truyền thường nhật".
Đã thiếu lại còn lãng phí
"Huyền sử Thiên Đô" sử dụng nhiều bối cảnh tạm ở Cổ Loa. |
Thiếu tư liệu lịch sử, thiếu
những bối cảnh thực tế, thiếu trường quay, bối cảnh tạm bợ làm xong cho một vài
cảnh quay là vứt... là những thực trạng mà ai cũng thấy nhưng thấy mà không thay
đổi được. Cách đây hơn 1 năm, khi tới thăm trường quay Cổ Loa mới, chúng tôi đã
được thấy rất nhiều bối cảnh được sử dụng cho các phim Thái sư Trần Thủ Độ
và Huyền Sử Thiên đô được làm từ... bìa và xốp bị vứt ngổn ngang dù
chi phí cho việc dựng các bối cảnh này lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nhiều bối
cảnh là những căn nhà gỗ, giếng nước hay khu chợ trong phim cũng đã hư hỏng
không thể sử dụng được.Trong khi đó, nếu có một trường
quay chuyên dụng cho phim lịch sử với hệ thống đạo cụ và phục trang được quản lý
và khai thác đúng cách sẽ là cơ sở để mỗi dự án làm sau được chiết giảm kinh phí
hơn dự án trước nó.
Nếu có trường quay và bối cảnh sẵn thì bộ phim Long Thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn đã không phải mất tới 1000USD (khoảng 19 triệu đồng vào thời điểm 2009) thuê bối cảnh quay mỗi ngày ròng rã trong suốt 12 ngày trời hay các đoàn làm phim Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long đã không phải rồng rắn kéo nhau sang Trung Quốc thuê trường quay Hoành Điếm.
Có bối cảnh trong Long Thành cầm giả ca phải thuê với giá 1000USD/ngày. |
Cách thực hiện các dự án phim lịch sử hiện nay cũng được cho là "có vấn đề" như lo ngại của NBK Trịnh Thanh Nhã: "Có điều gì đó trong cách chúng ta khởi động và vận hành các dự án phim lịch sử khiến cho bao nhiêu công của đổ ra đã thành vô ích. Thậm chí sau 2 năm kết thúc các dự án, khi tôi hỏi một nhà đầu tư rằng những đạo cụ, phục trang, bối cảnh chị ấy đã bỏ ra để phục vụ cho dự án của mình giờ đâu rồi thì chị ấy mới giật mình và nhận rằng chưa kiểm kê lại.
Như vậy là từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc dự án dường như các nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư lớn nhất là Nhà nước đã không nghĩ tới khả năng tiếp tục khai thác các cơ sở phương tiện mà chính mình đã đổ vốn liếng vào. Cái cung cách mà ta đang hành xử với chính đồng vốn đầu tư cho phim lịch sử ấy giống như của những đại gia tiền rừng bạc bể ném tiền ra cho một trò chơi sang hơn là kiếm một con đường cho dòng phim còn mới manh nha nhưng đầy tiềm năng cả về nghệ thuật lẫn doanh thu trong tương lai gần".
Nhiều bối cảnh ở Cổ Loa chỉ được sử dụng cho một phim rồi bỏ mặc dù phải mất cả tháng trời dựng lên với chi phí lên tới hơn 400 triệu đồng. |
Thiếu tư liệu cũng là vật cản với các nhà làm phim lịch sử. ĐD Nguyễn Hữu Phần đưa ra một ví dụ: "Nhân dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội các nhà làm phim được đặt hàng viết kịch bản về thời Lý, Trần với các nhân vật Lịch sử như Lý Thái Tổ, Thái sư Trần Thủ Độ... mà không hề có tài liệu, hiện vật, hình ảnh nào vè Kiến trúc các cung điện, đền đài, nhà cửa của quan lại, các tầng lớp nhân dân của những thời kỳ đó....
Vì vậy nên khi một số bộ phim hoàn thành đã xảy ra những cuộc tranh luận quyết liệt chủ yếu là về phần thiết kế mỹ thuật trong phim, như phim Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long chẳng hạn. thậm chí không được phát sóng vì thiết kế mỹ thuật, tạo hình nhân vật quá giống Tầu. Thế nhưng ngay cả những người, những ý kiến phản biện, chê trách bộ phim cũng không có bất cứ tư liệu nào để khẳng định ở thời vua Lý Thái Tổ thì nhà vua, quan lại ăn mặc ra sao? Cung điện, đền đài, nhà cửa hình thù như thế nào? Thành ra cuộc tranh luận có vẻ như không thể kết thúc".
Và lực cản cuối cùng nhưng cũng không nhỏ đối với việc làm phim lịch sử mới chỉ ở những bước chập chững đầu tiên chính là cách phản biện, đánh giá phim lịch sử còn quá khắt khe như lời NBK Lưu Nghiệp Quỳnh: "Chúng ta chưa hình thành dòng phim lịch sử và luôn gặp phản biện. Có những phản biện không chỉ làm nản chí những ai đã và đang dấn thân vào dòng phim này mà còn khiến các nhà đầu tư, các nhà phổ biến phim không mở hầu bao".
Thua lỗ kinh niên, "đắp chiếu" vô thời hạn
"Khát vọng Thăng Long" dù đầu tư lớn nhưng không trụ rạp được lâu. |
Đó là thực trạng nhìn thấy rõ ở các bộ phim lịch sử được thực hiện thời gian qua. Rất nhiều dự án phim lịch sử lớn gần đây được thực hiện đa phần đều do tư nhân bỏ vốn đầu tư, phim truyện điện ảnh thì có Khát vọng Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng, phim truyền hình thì có Huyền sử Thiên đô, Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long.
Chi phí sản xuất Khát vọng Thăng Long đến nay vẫn chưa được tiết lộ nhưng có nguồn tin cho rằng phim cũng ngốn vài chục tỉ đồng. Thiên mệnh anh hùng công bố mức đầu tư lên tới 25 tỉ đồng, được tư nhân bỏ tiền thực hiện như một dự án phim thương mại chiếu Tết. Cả hai dự án này khi chiếu rạp tất nhiên là lỗ và thu về chưa được phân nửa số tiền đầu tư.
Chi phí cho mỗi tập phim 45 phút lên sóng của Huyền sử Thiên đô cũng lên tới 1 tỉ đồng và tính sơ sơ nhà đầu tư cũng lỗ tới gần 30 tỉ đồng bởi mỗi tập chỉ được VTV mua lại với mức giá 350 triệu đồng (là mức giá đã rất cao so với các bộ phim truyền hình khác). Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long cũng đã được đầu tư lên đến cả trăm tỉ nhưng bộ phim truyền hình này vì nhiều lý do đến giờ vẫn chưa thể công chiếu. Thái sư Trần Thủ Độ, dự án do BCĐ 1000 năm Thăng Long đặt hàng Hãng phim truyện 1 sản xuất với số tiền đầu tư lên đến 56 tỉ cho hơn 30 tập phim đến giờ, khi Đại lễ đã qua 2 năm mà vẫn chưa hứa hẹn ngày lên sóng.
Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa thể lên sóng. |
Tư nhân quả thực bạo chi cho những dự án phim lịch sử nhiều tham vọng như Khát vọng Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng, Huyền sử Thiên đô... nhưng cái kết cục mà các nhà đầu tư gặp phải khiến họ phải suy nghĩ lại cách làm. Còn nhà nước, những dự án phim được rót tiền tỉ nhưng hiệu quả không thấy, chưa thể ra mắt công chúng như trường hợp của Thái sư Trần Thủ Độ cũng cần phải xem xét lại.
Xem ra câu chuyện đầu tư cho phim lịch sử không đơn giản và hiệu quả đầu tư của các dự án phim lịch sử mới là vấn đề cần bàn nhất lúc này. Với những dự án tư nhân bỏ tiền sản xuất đã đành, với những dự án nhà nước bỏ tiền đầu tư từ tiền đóng thuế của người dân lên tới hàng chục tỉ rồi "đắp chiếu" không ai xem thì thật là lãng phí vô lối.
Hạnh Phương