- “Không bao giờ bế tắc cả!”– đó là cách thức Lý Quang Diệu đã xây dựng một quốc gia bé nhỏ mà phồn vinh như Singapore.

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN:

Chân dung của cựu Thủ tướng Singapore hiện ra khá rõ nét qua cuốn sách "Đối thoại với Lý Quang Diệu" - một tác phẩm của Tom Plate. Ông cũng là nhà báo quen thuộc với độc giả Việt Nam, từng viết "Lời tự thú của một nhà báo Mỹ".

Vốn quen “ra vào” chính phủ Singapore hơn hẳn các đồng nghiệp phương Tây, sau nhiều lần tiếp xúc trực tiếp, Tom có cái nhìn khách quan với những gì vị cựu Thủ tướng đã làm được tại quốc đảo nhỏ bé, ly khai khỏi Malaysia không lâu và có thành phần dân cư phức tạp này.

"Tom này, trong sách phải có sự phê phán, có chi tiết tiêu cực. Tôi biết, anh đừng lo cho tôi. Anh cứ viết về tôi đúng như những gì anh thấy. Đừng lo ngại về hậu quả. Anh hãy nói sự thật, anh thấy thế nào thì viết thế ấy. Đó là tất cả những gì tôi cần"

Lý Quang Diệu


Cuốn sách được Tom Plate viết khá hấp dẫn, đặc biệt là nửa đầu, với những cố gắng của tác giả trong việc "lôi ra ánh sáng" con người bên trong của Lý Quang Diệu. Họ khá cân sức và hiểu nhau trong cuộc trò chuyện, nhưng so với nhà báo Tom Plate, thì Lý Quang Diệu dường như vượt trội trong vai trò của một người ít phải lắng nghe hơn.

Nhà báo Tom Plate và Lý Quang Diệu khi thực hiện cuốn sách

Quan điểm của Lý Quang Diệu, có những điều hiển nhiên ai cũng thấy đúng ("một nền văn hóa hoặc một quốc gia, nếu thiếu đi những nhân vật tinh hoa nhiệt tình, trình độ cao, có khát vọng lớn lao là được phục vụ xã hội, thì đất nước sẽ rơi vào tình trạng phản ứng chậm chạp”...); nhưng cũng có những vấn đề là phương cách, ý nghĩ của cá nhân ông. Nó có tính chất tham khảo mạnh mẽ nhờ những hiệu quả thần kì mà Singapore đạt được, tuy nhiên đó chắc chắn không phải là chân lý cố định và cứng nhắc.

Bản thân Lý Quang Diệu cũng hiểu rõ điều này. Trong phần cuối cuốn sách, ông cho thấy nhận thức mạnh mẽ về sự vận động của xã hội và tính tất yếu phải thay đổi ngay trong bản thân nội các Singapore. Khẩu hiệu “Majulah Singapura” ("Tiến lên, Singapore") có lẽ là mục tiêu mà Lý Quang Diệu đã kiên định theo đuổi cả cuộc đời, với hàng trăm ngàn những phương pháp khác nhau và luôn linh hoạt.

Lý Quang Diệu và Singapore

Những trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Đối thoại với Lý Quang Diệu" (NXB Trẻ - 2012) do nhà báo người Mỹ Tom Plate viết, dịch giả Nguyễn Hằng. Nhân vật xưng "tôi" trong đoạn trích là Tom Plate

*
“Chọn giải pháp có khả năng thành công cao nhất”

Người bạn thân nhất của tôi ở trường đại học cũng có chút gì đó giống Lý Quang Diệu: gần như không thể gần gũi, không có khả năng tâm sự mấy, nhưng như Lý Quang Diệu, cậu ta rất thông minh theo kiểu trầm lặng đáng sợ. Và ở tạp chí New York, tạp chí Time và nhiều cơ quan khác nơi tôi từng làm việc mà tôi sẽ không kể ra ở đây cũng có rất nhiều vị sếp độc đoán kiểu "bố là người giỏi nhất". Họ luôn đòi hỏi, không biết tha thứ, khó tính, tuy nhiên họ thường xuất sắc (một cách đáng ghét).

Thực tế là tôi gần như luôn cảm thấy thoải mái khi ở bên họ.

Tôi luôn luôn cảm thấy thoải mái khi ở bên Lý Quang Diệu.

Bạn thấy đấy, tôi không hề mong chờ ông đem lại cho tôi món bánh mới ra lò, nhạc vũ nhạc, mùi nghệ tây thơm ngon hay một màn hài kịch ứng khẩu. Công bằng mà nói, ngài Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu là người dễ nói chuyện hơn nhiều so với bố tôi và luôn mang lại cho giới nhà báo những bài phỏng vấn chất lượng nhất - ít nhất là trong những lần tôi phỏng vấn ông.

*

Gần như không ngừng lại nghỉ, Lý Quang Diệu lờ đi câu dẫn dắt lạc đề của tôi, ông tiếp tục: "Nguyên tắc cơ bản của tôi là gì? Khi đối mặt với khó khăn, vấn đề lớn hoặc những dữ kiện mâu thuẫn, tôi xem xét lại tất cả những giải pháp khác nếu như giải pháp tôi đưa ra không hiệu quả. Tôi chọn giải pháp có khả năng thành công cao nhất, nhưng nếu vẫn thất bại thì tôi lại chọn giải pháp khác nữa. Không bao giờ bế tắc cả."

Ông tiếp tục: "Marx cho rằng người lao động tạo ra giá trị thằng dư, và giá trị này bị nhà tư bản chiếm đoạt. Nhưng dự đoán của Marx rằng điều đó dẫn tới bất công rất lớn, cuối cùng người lao động sẽ nổi dậy và hệ thống tư bản sẽ sụp đổ đã không xảy ra vì công đoàn đã đấu tranh để cải thiện điều kiện lao động, và chính phủ đã thực hiện chính sách tái phân phối thu nhập thông qua nhà ở, y tế, giáo dục và an sinh xã hội".

Lý Quang Diệu cho rằng tất cả các chính sách đó đều tốt, nhất là việc chính phủ can thiệp để hạn chế những nhược điểm tồi tệ của chủ nghĩa tư bản. Nhờ đó tất cả sẽ cùng tiến bộ. Nhưng nếu coi đó là tư tưởng hay một công thức cố định thì sự can thiệp của Nhà nước có thể bị coi là nguy hiểm.

*

Lý Quang Diệu gật đầu: "Người Trung Quốc biết trước kia tôi đã từng giúp đỡ họ. Những ý tưởng Đặng Tiểu Bình nghĩ ra... nếu ông ấy không đến đây [vào thập kỷ 70] và chứng kiến các tập đoàn đa quốc gia phương Tây đem lại sự thịnh vượng cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho Singapore nhà nhờ đó chúng tôi có thể xây dựng được một xã hội phồn vinh, thì ông ấy sẽ không bao giờ mở ra... mở ra được các đặc khu kinh tế duyên hải, khởi đầu cho sự mở cửa của cả nước Trung Quốc sau này thông qua việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Trước đó ông ấy nhìn thấy Singapore một cách tình cờ thôi. Vào năm 1978, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi. Tôi nói với ông ấy là chỉ có thể có chủ nghĩa cộng sản nếu ông tin rằng tất cả mọi người đều hy sinh bản thân vì người khác chứ không [trước hết] vì bản thân họ và gia đình họ. Còn tôi luôn làm mọi việc dựa trên giả định là mọi người đều làm việc trước hết vì bản thân họ và gia đình, và chỉ sau đó họ mới chia sẻ một phần họ có cho những người kém may mắn hơn. Đó là nền tảng tư duy của tôi".

*

“Tôi chấp nhận thuyết tiến hóa Darwin”

Chính bản năng của Lý Quang Diệu và nhóm cố vấn đã thúc đẩy họ cố gắng nhìn xa hơn (và họ cũng công khai thừa nhận điều này)  khúc quanh chữ chi tiếp theo đầy ngoạn mục và vĩ đại của lịch sử. Giống như nhà tư tưởng vĩ đại Arnold J. Toynbee * (1889 - 1975), Lý Quan Diệu cảm thấy nếu muốn tồn tại được thì các nền văn minh, văn hóa cần phải phản ứng được (khá là cấp bách) trước những thách thức, đe dọa của lịch sử.

Ông cũng đồng quan điểm với Toynbee rằng một nền văn hóa hoặc một quốc gia, nếu thiếu đi những nhân vật tinh hoa nhiệt tình, trình độ cao, có khát vọng lớn lao là được phục vụ xã hội, thì đất nước sẽ rơi vào tình trạng phản ứng chậm chạp - đây có thể là bi kịch, thậm chí trở thành một thảm họa.

*

Tư tưởng của ông nằm ở một điểm kết nối rất quan trọng, nơi Platon (người luôn tìm kiếm một utopia trên Trái Đất) gặp gỡ Machiavelli (người muốn dạy cho Platon bài học đời thực về việc thực thi các chương trình của mình và vô hiệu hóa đối thủ, sau đó nói với Platon đáng kính rằng: chết tiệt, Platon, đừng có ngây thơ như thế!)

Tôi nói với ông là tôi còn 3 câu nữa quên mất chưa hỏi.

Ông gật đầu, vẫn đứng, bảo tôi hỏi đi.

- Chúa thì sao? Trong cuộc đời ông có vị Chúa nào không?

Không, không, ông trả lời, lắc đầu: "Tôi theo thuyết bất khả tri. Tôi chấp nhận thuyết tiến hóa của Darwin". Còn Darwin thì là vị chúa vĩ đại của sự tiến hóa, dĩ nhiên rồi.

Lý Quang Diệu cười: "Tôn giáo không chấp nhận học thuyết đó. Nhưng chẳng có ai du hành đến tương lai rồi quay lại để nói cho chúng ta biết học thuyết nào đúng cả!"

Câu trả lời hay - tôi nghĩ.

Rồi ông nhướng mày, vẻ mệt mỏi nhưng quyết đoán. Còn hai câu hỏi kia?

- Tại sao ông lại rất quan tâm đến quản lý nhà nước? Tôi thấy ông coi nó vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, và ông rất nghiêm túc khi tìm hiểu nó.

"Đúng. Vì quản lý nhà nước tác động đến đời sống của mọi người".

Lại một câu trả lời hay nữa.

Câu hỏi cuối. Tôi lẩm bẩm gì đó về ảnh hưởng sau khi ông đã "đi gặp Marx", liệu cuối cùng Singapore có nới lỏng bớt như nhiều người dự đoán không?

Ông im lặng một lúc.

"Chính các thế hệ lãnh đạo đất nước hiện tại và tương lai phải thay đổi, chỉnh sửa hệ thống trước những biến đổi của xã hội và tiến bộ công nghệ".

Tôi mỉm cười.

  • Vân Sam

------------------------

(*) Arnold J. Tounbee (1889 - 1975): sử gia người Anh, tác giả bộ sách Nghiên cứu lịch sử (A Study of History) viết về sự thăng trầm của các nền văn minh, được coi như một cuốn lịch sử thế giới tổng hợp.