- “Có phải Chúa đã hứa rằng thế giới sẽ
vĩnh hằng? Không. Thế giới chỉ được tạo nên từ cát, gió và sự phù du”.
TIN BÀI KHÁC
Lê Hoàng hồn nhiên, thích màu tím
Anne Hathaway hành xác
Tùng Dương hứa không lên đồng với nhạc Trịnh
Cuốn tiểu thuyết vừa đoạt giải văn chương Goncourt 2012 “Le sermon sur la chute de Rome” (Bài giảng về sự sụp đổ của đế chế La Mã) của nhà văn Jérôme Ferrari trích dẫn câu nói trên của thánh Augustin như cách ám chỉ về tính hữu hạn của thế giới.
Tác phẩm đoạt giải văn chương Goncourt 2012 “Le sermon sur la chute de Rome” |
Dù rằng giá trị giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng nhưng người ta vẫn có thể tin tưởng vào tài năng thực sự của những người chinh phục nó. Chiến thắng của Jérôme Ferrari với tiểu thuyết thứ sáu của ông “Le sermon sur la chute de Rome” là một minh chứng cho điều này.
Một tác phẩm đầy sức mạnh
“Le sermon sur la chute de Rome” được viết bằng tiếng Corse, một đảo tự trị thuộc Pháp ở Địa trung Hải và là quê hương của nhà văn. Cuốn sách lấy cảm hứng từ một bài giảng của thánh Augustin vào năm 410 trong bối cảnh đế chế La Mã sụp đổ, để nói về một cuộc khủng hoảng trong tư tưởng của những người mong muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn nhưng lại không thể đạt được điều đó.
Matthieu và Libero, hai nhân vật chính, thất vọng vì không thể thay đổi xã hội ngay tại Paris, nơi họ có những nghiên cứu chói lọi về triết học, bèn quay về quê mở một quán bar và đem lí thuyết của mình nhằm xây dựng “một thế giới tốt đẹp hơn” theo cách họ có thể.
Báo Le Monde phân tích, sự sụp đổ của La Mã không chỉ là sự kết thúc của một thành phố, của những người La Mã, mà là sự biến mất của một nền văn minh sáng chói. Cuốn tiểu thuyết là một câu chuyện đa tầng: đằng sau những cột mốc lịch sử xã hội, là chuyện của hai người trẻ Matthieu và Libero, mong muốn hướng đến một tương lai rạng rỡ, nhưng rốt cuộc lại rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Tiền bạc, tình dục đã trở thành chủ nhân trong suy nghĩ của họ.
“Matthieu và Libero chính là xã hội chúng ta ngày nay, trong khi sự sụp đổ của thành Rome và cuộc sống của Marcel, ông nội Matthieu, đại diện cho sự suy sụp của thời gian, của những giấc mơ nhân loại không được thỏa mãn”, tờ báo viết.
Nhà văn Jérôme Ferrari, sinh năm 1968 tại Paris, đang làm việc như một giáo sư dạy triết học, một nhà văn và một dịch giả |
Ferrari là “một kiến trúc sư tài năng sản sinh ra một tác phẩm đầy sức mạnh” khi lồng ghép trong đó 3 thời kỳ lịch sử: thời của một nền văn minh, thời của một thế kỷ và thời của một con người. Matthieu và Libero đã vứt bỏ thế giới mà họ sinh ra để tôn sùng lối sống do chính họ lựa chọn.
Thế giới của họ diễn ra chỉ quanh một quán bar, nơi có những cô gái câm lặng như những vật trang trí, nơi có chàng ca sĩ đẹp trai giúp khách giải khuây bằng cây đàn ghita và chất giọng đặc sệt miền Nam. Nhưng dần dần khách khứa kéo đến ngày càng đông, lan ra cả một vùng rồi cả một thành phố. Tiền, rượu, làn da các cô gái là những thứ vật chất làm mê ngủ chốn hẻo lánh này, nơi mà mỗi người đến đó chỉ để tìm cho mình một lí do để tồn tại. Họ say sưa, họ lãng quên đời và họ lãng quên chính mình.
Ám chỉ sự kết thúc của phương Tây
Libero và Matthieu biết họ lún sâu vào hư hỏng nhưng cả hai đều không làm gì để thoát ra. Những ảo vọng không thành khiến họ đắm mình trong niềm vui tận thế. Họ hiểu rằng thế giới là những thực thể hữu hạn, có đầu có cuối. Và với sự lười biếng, uể oải một cách có tính toán, họ để mặc cho mình bị cuốn vào vực thẳm của sự suy tàn, mà kết cục chỉ có thể là vỡ vụn.
Qua tác phẩm này, Jérôme Ferrari muốn ám chỉ một ngày tận thế giả định của Corse, và rộng hơn là sự kết thúc của thế giới như đã được lập trình sẵn, giống như thánh Augustin từng nói: “Thế giới cũng như con người: sinh ra, lớn lên rồi chết”. Đó là tính chất hữu hạn của cuộc sống, của xã hội, kể cả đối với nền văn minh có thể coi là tươi đẹp nhất.
Sinh năm 1968, Ferrari hiện là thầy giáo dạy triết học tại trường trung học phổ thông ở Abu Dhabi. Tuy vậy, nhà văn 44 tuổi từ chối nhận mình là nhà triết học. Các tác phẩm của ông đều đậm chất thơ, trong đó nổi bật là yếu tố tinh thần, bản sắc vùng Corse và tính chất bi kịch. Các tác phẩm nổi tiếng của ông còn có “Dans le secret” (Trong bí mật – 2007), “Un dieu un animal” (Một chúa một con vật – 2009), “Ou j’ai laissé mon âme” (Nơi tôi để lại tâm hồn – 2010. Cuốn sách đoạt giải cũng là cuốn mới nhất trong sự nghiệp của Ferrari, sau tác phẩm không kém phần ấn tượng “Où j’ai laissé mon âme” (Nơi tôi để lại tâm hồn), viết về cuộc chiến Algeria đầy khốc liệt và xúc động. |
Khôi Nguyên