Đa phần người Việt tìm mua sách "dạy làm giàu" bởi cách PR hoành tráng của đơn vị xuất bản hoặc a dua theo đám đông (khi thấy họ có mình cũng phải có), dù cho không hiểu gì nhưng vẫn cố đọc. Tất nhiên khi người đọc không có kế hoạch, có suy nghĩ hay ý tưởng thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được công thức làm giàu của người khác và luôn tự hỏi tại sao họ làm được mà mình không thể giống như thế...


Bìa cuốn "Bí quyết làm giàu" của Napoleon Hills.
Từ phố sách Đinh Lễ cho tới những hiệu sách cũ ở khắp Hà thành, chỉ với giá mươi, mười lăm ngàn một cuốn, đâu đâu bạn cũng bắt gặp những cuốn sách dạy làm giàu, sách doanh nhân. "Đắc nhân tâm", "13 cách nghĩ giàu, làm giàu" cùng hằng trăm đầu sách khác, mỗi cuốn đều liệt kê ít nhất 50 cho đến 500 người đã làm giàu dựa trên những gì được viết trong sách. Ấy vậy mà ở đất nước chúng ta vẫn chẳng thấy có ai lên tiếng nói lời tri ân với tác giả những cuốn sách ấy? Phải chăng vì chưa có ai "học và làm theo sách" mà thực sự thành công?

Những ai đã đọc qua ít nhất một cuốn sách như thế đều nhận thấy rằng, gần như tất cả những nhân vật thành đạt được dẫn dụ trong sách đều đến từ Mỹ! Vâng, những cuốn sách được coi là hay nhất mọi thời đại, bán chạy nhất mọi thời đại hầu như đều truyền đi một thông điệp: Nước Mỹ là nơi tốt nhất để thực hành những gì đã đọc. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là những cuốn sách ấy với chúng ta chỉ để "đọc chơi". Để chứng minh điều này, xin mời tất cả những ai đã đọc cuốn "13 cách nghĩ giàu, làm giàu" của Nalopeon Hills cùng lật lại bản danh sách 55 sự biện minh bắt đầu bởi chữ "nếu" được đề cập tới trong cuốn sách, hẳn sẽ thấy tất cả mọi lý do: "Nếu như tôi sinh sống ở một nơi khác. Nếu như tôi đang ở một hoàn cảnh khác" đều chỉ là ngụy biện. Vậy nguyên nhân đích thực: Tại sao chúng ta cầm công thức làm giàu trên tay mà vẫn không giàu?

Trước hết phải nói ngay là: Đa phần người Việt tìm mua sách "dạy làm giàu" bởi cách PR hoành tráng của đơn vị xuất bản hoặc a dua theo đám đông (khi thấy họ có mình cũng phải có), dù cho không hiểu gì nhưng vẫn cố đọc. Tất nhiên khi người đọc không có kế hoạch, có suy nghĩ hay ý tưởng thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được công thức làm giàu của người khác và luôn tự hỏi tại sao họ làm được mà mình không thể giống như thế. Bernard Arnault, ông chủ thương hiệu Louis Vuitton nổi tiếng đã chia sẻ công thức làm giàu của mình dựa trên một kế hoạch mới chỉ xuất hiện trong đầu: "Khi có điều gì đó bạn cho rằng có thể thực hiện được, thì phải bắt tay vào ngay. Ở Pháp có rất nhiều người sở hữu ý tưởng hay, nhưng hiếm khi những ý tưởng đó được biến thành hiện thực". Đây chính là vấn đề đầu tiên của chúng ta, không chịu suy nghĩ và khi có kế hoạch rồi thì lại không muốn triển khai.


Điều thứ 2 đã cản trở chúng ta trở nên giàu có như những người được nhắc đến trong sách: Thiếu quyết đoán và sợ bị chỉ trích. Như đã nói ở trên, người Việt có tâm lý hùa theo đám đông, gạt đi suy nghĩ của riêng mình. Việc dân ta hết lao đầu vào vàng, cổ phiếu, bất động sản khi thấy người người bỏ tiền vào thì cũng hùa theo đã là minh chứng rõ ràng nhất. Chúng ta không thiếu ý tưởng hay, lạ nhưng phần lớn đều "chết yểu" vì người khơi gợi nên đều không chịu được áp lực từ xung quanh. Thật đáng buồn là chúng ta đã cho phép mọi người gây ảnh hưởng tới mình nhiều đến mức nó đủ giết chết khát vọng của chúng ta. Ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào cũng vậy, một ý tưởng hay trước khi thành công rực rỡ đều phải sống sót trước những sự chỉ trích. Không ai nghĩ ôtô trở nên giá rẻ nếu như Henry Ford không quyết tâm thực hiện, bỏ qua sự chế nhạo của người đời. Larry Ellison - Chủ tịch của Oracle, hãng công nghệ cạnh tranh với Microsoft đã thẳng thắn tuyên bố rằng: "Khi sáng tạo, hãy chuẩn bị đối mặt với việc mọi người sẽ gọi bạn là kẻ điên rồ".

Tiếp theo là sợ thất bại, nó ám ảnh chúng ta chẳng kém gì sợ cái chết. Thất bại đồng nghĩa là mất hết, từ thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, thất bại vẫn tồn tại một lý do xứng đáng để chúng ta mạo hiểm. Thất bại chính là bí quyết để thành công, thất bại không đồng nghĩa với việc cánh cửa làm giàu sẽ khép lại mà chỉ làm con đường dài ra một chút mà thôi. Steve Job từng thất bại ê chề, thậm chí còn bị đuổi khỏi công ty của chính mình rồi mới xây dựng được nên thương hiệu Apple hùng mạnh bây giờ. Thomas Eldison phải trải qua 10.000 thí nghiệm thất bại mới tìm ra công thức hoàn hảo cho chiếc bóng đèn hiện nay. Khi không hiểu được triết lý đánh đổi đơn giản này, thì bạn đừng vội bắt tay làm việc gì vì chính trong suy nghĩ bạn đã thấy mình thất bại thì bạn sẽ thất bại.

Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho việc chúng ta không thể làm giàu. Nhưng buồn cười nhất là lý do phải chờ cơ hội đến, thậm chí nó đến mà chúng ta vẫn không buồn nắm bắt. Ai cũng biện minh cho việc mình không thể làm giàu được bằng cái lý lẽ rất Việt Nam là "Tài lộc chưa phát thì đành chịu thôi". Thế cơ hội, tài lộc ở đâu mà ra, nếu trời không cho thì cứ ngồi đợi à, hay trời cho rồi mà vẫn không biết? Xin thưa là chính những ý tưởng, kế hoạch mà chúng ta đã nghĩ, đã vạch ra đã là cơ hội và lộc trời rồi. Chúng ta chỉ việc bắt tay thực hiện cho đến khi phát mà thôi. Lúc đó mới hiểu được là lộc trời có thật nhưng tồn tại dưới một hình thức khác chứ không giống một cơn mưa tiền bất chợt đổ xuống trần nhà chúng ta.



Nói thế này cho dễ hình dung: Cùng được tiếp cận internet, song chúng ta và nhiều cư dân ở các quốc gia khác đã có những điểm khác nhau ở cách sử dụng internet. Nhiều người đã sử dụng máy tính và internet để tạo ra những tài sản khổng lồ. Google, Youtube, Facebook, các sản phẩm của Microsoft, hay những sản phẩm hiếm hoi trong nước như phần mềm diệt virus Bk, cùng các phần mềm ứng dụng khác. Trong khi chúng ta lại lên mạng chú ý đến những tin tức hằng ngày để theo đuôi các ngôi sao xem có scandal mới nhất và tải về máy phim ảnh khiêu dâm. Về điều này chúng ta "vinh dự" có mặt trong top 3 nước tìm kiếm sex nhiều nhất trên internet. Vậy đấy, tất cả đều có cơ hội làm giàu như nhau, nhưng chúng ta lại sử dụng vào mục đích khác trong khi vẫn biện minh là "đang chờ thời cơ đến"

Theo CAND