- Không ai sinh ra đã là anh hùng, nghệ sĩ dương cầm 26 tuổi Beethoven chỉ trở thành anh hùng sau khi tai họa ập đến.

TIN BÀI KHÁC


Ngày 20/12, Trang Trịnh - cô gái tốt nghiệp thạc sĩ dương cầm từ Học viện hoàng gia London sẽ trình diễn 3 sonata về một Beethoven hoàn toàn lạ lẫm. Những đỉnh cao được sáng tác trong thời kì tăm tối khi ông sắp mất tất cả.

Beethoven thời trẻ

Bi kịch tạo nên nhà soạn nhạc vĩ đại

Năm 26 tuổi, chàng trai Beethoven nhận một tin sét đánh: "Anh mắc một căn bệnh rất lạ. Chúng tôi không biết có thể chữa được cho anh hay không".

"Tôi quá hiểu cảm giác đó" - Trang nói - "Năm nay tôi 26 tuổi, cũng cùng độ tuổi với ông hồi đó. Bản thân tôi trước đây cũng bị chấn thương một lần, bác sĩ nói không biết bao giờ sẽ lành. Lúc đó tưởng như những nỗ lực của mình đã bị bỏ đi hết, không biết bao giờ có thể quay lại sân khấu được nữa. Có lẽ sẽ không bao giờ có thể nói "Xin chào, tôi là Trang và tôi là một pianist".

Tôi đồng cảm với Beethoven hơn. Chẳng có nhạc sĩ nào không nghe được và tin tức đó có nghĩa là cánh cửa âm nhạc - tình yêu của cuộc đời ông - đã đóng lại hoàn toàn.

Ông cố gắng chữa trị, không dám nói chuyện tiếp xúc với người ngoài bởi sợ họ sẽ phát hiện ra căn bệnh của mình. Lúc đó Beethoven là người nổi tiếng nhất thế giới,  là pianist giỏi nhất của Vienna và không có đối thủ về biểu diễn piano. Ông đang nổi tiếng với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn nhiều hơn là một nhạc sĩ. Vì vậy, nếu mọi người phát hiện ra ông sắp bị điếc, sự nghiệp của ông sẽ tiêu tan. Người ông yêu sẽ từ bỏ ông.

Beethoven trở nên giận dữ, tạo ra một vỏ bọc để không ai có thể nói chuyện với mình. Không nghe được, ông cũng không nói nữa. Ông trốn đi về một vùng quê, đóng cửa lại và ở đó sáng tác, viết nhật kí. Ông viết rất nhiều thư cho em trai: "Em thử tưởng tượng xem, có ai là nghệ sĩ biểu diễn mà bị điếc không?". Và đúng như ông tiên đoán, người yêu đã bỏ ông đi lấy người khác.
"


Trang Trịnh sẽ chơi 3 sonata của Beethoven

Có rất nhiều chuyện đã xảy ra trong quãng thời gian khi Beethoven 26 tuổi, đến năm 32 tuổi. Ông viết "Tuyệt mệnh" ở tuổi 31. Bức thư sau này được phát hiện có ghi "Tôi muốn tìm đến cái chết. Nhưng tôi sẽ không chết bởi âm nhạc sẽ giữ tôi lại". Câm lặng, cách nói chuyện của ông với mọi người chỉ còn qua âm nhạc

Beethoven bị điếc từ từ, lúc đầu không nghe được các độ cao, rồi xuống thấp dần, thấp dần, cuối cùng là không nghe thấy gì nữa. Ngày mà ông không nghe thấy tiếng chim nữa, ông viết: "Tôi không thể nghe thấy tiếng chim hót nữa. Thượng đế ơi, hãy cho tôi chỉ một ngày thôi, được hạnh phúc".

Từ "Bão tố" đến tình ca Sonata


Trang Trịnh sẽ chơi 3 bản sonata Beethoven sáng tác trong quãng thời gian đó. Đó là "Bão tố" (Tempest), "Bi thương" (Pathetic) và "Sonata ánh trăng" (Moonlight Sonata).

Trước 3 bản sonata kể trên, âm nhạc của Beethoven rất đẹp, chưa phá cách và chưa thoát khỏi cái bóng của Mozart. Khi không thể chơi cùng các nhạc công khác, phương tiện sáng tạo duy nhất của ông là piano và Sonata ánh trăng là một đỉnh cao của thời kì đó.

Ba bản nhạc đánh dấu bước ngoặt lớn về âm nhạc của Beethoven, quá trình đấu tranh dữ dội trong nội tâm của ông, và cũng rất cảm động. Như thể ông đã chết đi rồi và sống lại. Vượt qua quãng thời gian này, ông bắt đầu viết bản giao hưởng số 5 - "Định mệnh".

"Tôi sẽ chơi một giai đoạn quan trọng của cuộc đời ông, từ năm 1796 đến năm 1802. Sự thay đổi từ một Beethoven con người với bi quan, thất bại... thành một Beethoven vĩ nhân - một anh hùng chiến thắng số phận, như chúng ta ngày nay đã biết" - nữ nghệ sĩ dương cầm tâm sự.

"Ông tự nhủ chính mình rằng "Đừng từ bỏ". Chương cuối của Sonata ánh trăng, câu nhạc nhắc đi nhắc lại như thể có một bức tường chắn trước mặt, một người chạy liên tục đâm vào, nhưng không lùi bước. Chương cuối của Bão tố như có một triệu câu hỏi "Tại sao? Tại sao? Tại sao?..."

Đây là một Beethoven rất con người, 26 tuổi và đang đối mặt với một sự thật khủng khiếp.


Phương thức mới cho âm nhạc cổ điển.

Trang dự định về một buổi hòa nhạc với hình thức khác lạ: trình diễn video art song song với âm nhạc. Hàng chục clip nhỏ được ghi hình trước sẽ dùng làm tư liệu để "chơi" trong buổi hòa nhạc. Chơi trực tiếp. Một JV sẽ mix video, tương tự như cách DJ mix nhạc.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, nhạc cổ điển được kết hợp với nghệ thuật đương đại. Những clip sẽ kể câu chuyện về một người trong thời khắc đau thương, và được quay mới hoàn toàn chứ không dùng nguồn sẵn.

Nhóm của Trang gồm đạo diễn hình ảnh Vũ Lâm và VJ Nguyễn Đức Tú. "Sẽ có một bộ phim sống trên sân khấu" - Tú mô tả - "Một căn phòng sẽ được dựng phía sau, mở ra một không gian. Ba màn chiếu sẽ chạy song song cùng màn trình diễn của Trang. Lần này, hình ảnh không phải để minh họa cho âm nhạc như trong "Nhật kí dương cầm", mà đó là sự tương tác trực tiếp, cùng sáng tạo". 

Hồ Hương Giang