- Thông tin gần 200 lao động tại Libya của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) về nước vào sáng sớm 25/2 khiến nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, đến tận 14h cùng ngày, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) vẫn chưa biết chắc chắn lúc nào số lao động trên mới về đến Việt Nam.

Theo thông tin từ Vinaconex, dự kiến, chuyến bay đưa gần 200 lao động của công ty sẽ được đưa về nước vào lúc 4h40 sáng nay. Chính vì vậy, từ lúc 3h sáng, lãnh đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước và đại diện Vinaconex đã có mặt tại sân bay Nội Bài để đón người lao động. Thế nhưng cho đến tận 14h, vẫn chưa có đoàn lao động nào của Việt Nam tại Libya về nước.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, từ sáng sớm PV đã nhiều lần liên hệ với đại diện của lãnh đạo bộ phận xuất khẩu lao động của Tổng công ty Vinaconex, nhưng không thể liên lạc được. Lúc 14h, khi PV có mặt tại trụ sở của đơn vị này thì được nhân viên của cho biết: Lãnh đạo đã ra sân bay đón lao động hết, không có ai ở nhà.

Đến thời điểm này vẫn chưa có lao động Libya nào được đưa về nước. (Ảnh: Người lao động)

PV cũng đã liên hệ với bà Trần Thị Vân Hà, Phó phòng Thông tin tuyên truyền của Cục Quản lý lao động ngoài nước, bà Hà cho hay: Vẫn chưa nhận được thông tin gì về số lao động về nước.

Bà Hà còn cho biết thêm: "Nguyên nhân chuyến bay về nước chậm có thể là do trục trặc về vé và phải thêm đủ người thì chuyến bay mới cất cánh được. Công ty chỉ có 181 người mà cả chuyến bay phải đủ hơn 200 người, nên chuyến bay có trục trặc".

Khi được hỏi, hiện tại số lao động này đang ở đâu, bà Hà nói: "Thời điểm này không biết chuyến bay đang transit ở Manta hay ở Dubai, chỉ biết báo rằng delay 6 tiếng đồng hồ cho mọi người ở sân bay Dubai, nhưng sứ quán mình đợi 8 tiếng ở sân bay Dubai vẫn không thấy. Hiện Cục đang kiểm tra và nếu có thông tin sẽ báo lại sau".

Trước đó, chiều 24/2, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các bộ ngành liên quan để tìm mọi cách đưa lao động đến nơi an toàn.

Cũng trong chiều 24/2, Bộ LĐTB&XH đã họp với Bộ Công an, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chuẩn bị mọi phương án thống nhất để đưa lao động về nước đảm bảo an toàn. Trong đó, Bộ LĐTB&XH đã mời Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào cuộc để vận chuyển lao động.

Được biết, tới thời điểm này đã có 2.000 lao động Việt Nam được đưa đi sơ tán sang các nước lân cận Libya.

Vũ Điệp