- Tiếp xúc với VietNamNet, anh Lợi kể lại, khi máy bay vào không phận Việt Nam, được phi hành đoàn thông báo, tất cả anh em đều vỗ tay hò reo vui mừng: "Vậy là chúng ta sống rồi".

Chuyến bay QR 688 của hãng hàng không Qatar Airway đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 18g30 ngày 26/2 mang theo 95 cán bộ công nhân công ty cổ phần Lilama 10 đang làm việc tại Libya.

Ông Đỗ Văn Thương, Phó giám đốc công ty cổ phần Lilama 10 cho biết, có tất cả 105 công nhân của công ty đang làm việc tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Lisco thuộc thành phố Missuzata (Libya) cách thủ đô Tripoli 250 km đã được di tản khỏi công trường từ ngày 22/2.

"Chúng ta sống rồi!"
Sau đó được chuyển về Dubai rồi tiếp tục được chuyển tiếp đến Doha (Qatar). Từ đây, 95 người được đưa về Việt Nam qua Tân Sơn Nhất và 11 người còn lại về thẳng Hà Nội.
 
19 giờ, người đầu tiên xuất hiện và cũng là người duy nhất có thân nhân đón tại sân bay là anh Vũ Văn Lợi. Nước mắt ngắn dài, em Vũ Thanh Nga (con anh Lợi, đang làm việc tại TP.HCM), ôm chầm lấy cha trong niềm hân hoan vô bờ bến.

Tiếp xúc với VietNamNet, anh Lợi kể lại, khi máy bay vào không phận Việt Nam, được phi hành đoàn thông báo, tất cả anh em đều vỗ tay hò reo vui mừng: "Vậy là chúng ta sống rồi".

Cuộc hội ngộ của cha con anh Lợi

"Chúng tôi không thể diễn tả được niền sung sướng đó khi đặt chân đến Tân Sơn Nhất và nhất là tôi gặp được con gái" - anh Lợi nói.

Niềm vui của anh Lợi cũng là niềm vui chung của 95 cán bộ công nhân viên Lilama 10 trong chuyến bay này. Lần lượt từng người ra khỏi phòng cách ly để đến sảnh bên ngoài. Nét mặt ai cũng rạng ngời. Một công nhân mượn máy điện thoại gọi cho người nhà hét vang: “Sống rồi, sống rồi”.

Được hỏi về tình hình di tản, anh Lợi thuật lại: "Chúng tôi được di chuyển trên taxi để đi từ nhà máy đến sân bay Tripoli với cự ly 250 km. Tại sân bay là một quang cảnh vô cùng hỗn độn. Chúng tôi đã phải ở đây trong 2 ngày mới được đi dến Dubai. Trong những ngày lưu lại là cả một thời gian hết sức hãi hùng. Có tiếng súng nổ, có những cảnh chen lấn tranh giành, những vụ xô xát có thể dẫn đến thương vong. Hàng ngàn người chen chúc trong sân bay đã biến khu vực này trở nên vô cùng hỗn độn".

Anh cho biết, hầu hết anh em đã vứt bỏ hành lý, chỉ đem theo những thứ cần thiết gọn nhẹ.

Anh Nguyễn Văn Sáng, một công nhân khác cho biết thêm, trên đường đến sân bay, anh đã nghe nhiều tiếng súng nổ và xác người rải rác trên đường. Anh Sáng còn thấy có rất nhiều người Việt Nam cố chen chân tìm cách rời khỏi khu vực nguy hiểm. 


Tạm ứng tiền cho công nhân

Trong hai ngày ở đây, thực phẩm và nước uống trở nên khan hiếm trầm trọng. "Chúng tôi phải ăn sống mì gói và uống cả nước từ các vòi công cộng. Về đêm, ngủ ngoài trời trong khi khí hậu tại đây vô cùng khắc nghiệt. Mưa kèm mưa đá và nhiệt độ về đêm rất lạnh" - anh Sáng nói.

Hầu hết các công nhân đều cho biết, hiện còn rất nhiều người Việt Nam chưa thể rời khỏi Libya. Tình hình tại đất nước này càng lúc càng hỗn loạn, nếu không nguy hiểm về tính mạng thì cũng không biết lấy gì để sống vì thực phẩm cực kỳ khan hiếm.

Ông Phạm Khắc Tuyên, chỉ huy trưởng công trường Lilama 10 tại nhà máy nhiệt điện Lisco nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo việc hồi hương tất cả công nhân đang làm việc tại đây. Thực phẩm chúng tôi đem theo gồm sữa, bánh mì và mì gói đủ dùng cho gần 1 tuần. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt tại sân bay quá khắc nghiệt nên nhiều người phải ăn sống mì gói".

Nhiều lao động đã trở về nước, nhưng hiện còn rất nhiều lao động tại Libya chưa thể về

Theo ông Tuyên, ngay tại sân bay, công ty cổ phần Lilama 10 đã tạm ứng hỗ trợ cho mỗi người 1 triệu đồng. Sau đó họ sẽ được chuyển tiếp lên chuyến bay của Vietnam Airlines vào lúc 21g30 để về Hà Nội.
Được biết, Lilama đã thắng thầu dự án sửa chữa nhà máy nhiệt điện Lisco. Trước khi xảy ra bất ổn, số công nhân trên được đưa đến Libya để phục vụ dự án này.

 
Trần Chánh Nghĩa