- 'Chúng ta cần tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng bất thường, lấy bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời nhằm phát hiện được chủng virus mới này".
Trước diễn biến phức tạp của cúm A/H7N9 tại Trung Quốc và có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về virus cúm A/H7N9 cũng như những lưu ý trong chiến dịch phòng chống ở Việt Nam.Virus cúm có đột biến gien
- Thưa ông, virus cúm A/H7N9 có phải là virus cúm mới không? Nó có nguồn gốc từ đâu?
Virus cúm A/H7N9 xảy ra ở Trung Quốc vừa qua là virus mới, hoàn toàn khác với virus A/H7N9 lưu hành trước đây ở gia cầm. Người ta phát hiện thấy virus này có chứa các gien của virus cúm H7N7, H1N9 và H9N2.
Đồng thời người ta cũng phát hiện thấy virus này có đột biến gien làm tăng khả năng thích nghi và phát triển trên tế bào đường hô hấp của động vật máu nóng và ở người (mà bình thường nó chi thích ứng và gây bệnh cho gia cầm).
Người dân không sử dụng gia cầm và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc để phòng bệnh |
Virus này lần đầu tiên xuất hiện ở người, gây viêm phổi nặng, khó thở và tử vong. Nó có nguồn gốc từ các loài chim và gia cầm.
- So với các loại virus cúm khác (như H5N1) thì độc lực của nó có mạnh không?
Theo báo cáo mà cơ quan Kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới thì tính đến ngày 7/4/2013 đã có tổng số 21 ca bệnh (trong đó có 6 ca tử vong, 12 ca bệnh nặng, và 3 ca bệnh nhẹ).
Tỷ lệ tử vong do cúm A/H7N9 là khá cao (37,5%), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với tỷ lệ tử vong do cúm A/H5N1 (khoảng 59%).
Hiện, người ta vẫn đang tiến hành nghiên cứu nhằm xác định rõ ràng độc lực của virus A/H7N9.
Chưa xác định được đường lây
- Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được đường lây của virus này từ động vật sang người chưa? (do ăn thịt động vật hay do tiếp xúc với động vật? ...).
Hiện chưa rõ những người này bị nhiễm bệnh như thế nào và từ đâu. Các điều tra về nguồn bệnh và phương thức lây truyền bệnh vẫn đang được tiến hành.
Cúm A/H7N9 chưa xuất hiện ở VN nhưng phải giám sát
chặt chẽ (Trong ảnh là đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống
dịch ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Viện VSDTTW) |
- Virus cúm này có lây từ người sang người không, thưa ông?
Các kết quả điều tra cho thấy không có dịch bệnh này xảy ra ở lợn trước đó, không có lợn chết bán ở chợ, các xét nghiệm lợn chết cũng không phát hiện virus này.
Không có bằng chứng rõ ràng rằng người bệnh có tiếp xúc với gia cầm ốm và chết trước khi bị bệnh. Xét nghiệm ở gia cầm chưa phát hiện được virus A/H7N9 mới này, trừ việc phát hiện được ở chim bồ câu ở chợ ở Thượng Hải.
Cho đến nay, hiện chưa có bằng chứng về mối liên quan dịch tễ học giữa những ca bệnh này, có nghĩa là không có bằng chứng là họ đã có tiếp xúc với nhau và lây truyền bệnh cho nhau trong vòng 2 tháng trước đó.
Người ta đã tiến hành điều tra 530 người tiếp xúc mật thiết với những bệnh nhân này. Kết quả cho thấy đến thời điểm này chưa phát hiện thêm được ai trong số này dương tính với cúm A(H7N9).
Chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, khả năng lây truyền của virus thấp và do đó nguy cơ về mặt y tế công cộng 1à thấp.
Bệnh chưa xuất hiện ở VN nhưng phải giám sát chặt
- Liệu thuốc Tamiflu – loại thuốc được dùng để điều trị cúm A/H1N1, A/H5N1 – có đáp ứng trong điều trị cúm A/H7N9 hay không?
Mặc dù hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm virus này, các các kết quả xét nghiệm cho thấy A/H7N9 vẫn nhạy cảm với các thuốc ức chế men neuramidaza (oseltamivir and zanamivir). Do đó, Tamiflu vẫn đáp ứng trong điều trị.
Hy vọng trong thời gian tới các điều tra nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin cập nhật, bổ sung làm sáng tỏ nhiều điều chưa rõ về căn bệnh mới này.
- Theo ông, chiến lược phòng chống các dịch bệnh do virus cúm gây ra nên chú trọng vào yếu tố nào?
Để phòng chống dịch bệnh này, cần phải tăng cường thực hiện các chiến lược sau: Tập huấn cán bộ y tế và ban hành các hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán, điều trị, giám sát và phòng chống dịch; tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ học ca bệnh và theo dõi, giám sát người tiếp xúc với bệnh nhân; tăng cường xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh; cải tiến chẩn đoán và điều trị bệnh; tăng cường truyền thông về nguy cơ và phòng chống dịch bệnh.
Mặc dù cho đến nay bệnh mới chỉ phát hiện được ở một số tỉnh ở Trung Quốc, chúng ta cần phải tập trung tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng bất thường, lấy bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời nhằm phát hiện được chủng virus mới này.
Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh từ gia cầm và thực hiện tốt các khuyến cáo mà ngành y tế đã đưa ra.
Xin cảm ơn ông!
Cẩm Quyên (thực hiện)
Các tin liên quan |
Một bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong Kịch bản cúm A/H7N9 lan rộng ở Việt Nam |