- "Hiện tại đã có tập đoàn Khang Thông triển khai dự án Happy Land tại tỉnh Long An đồng ý tiếp nhận tất cả hơn 10.000 lao động tại Libya về dự án đó làm việc. Bộ sẽ công bố sau khi làm việc cụ thể với doanh nghiệp chủ dự án. Thông qua doanh nghiệp, sẽ đưa thông tin đến lao động”.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, vui mừng thông báo trong buổi họp báo của Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya sáng nay (9/3), tại Sân bay Nội Bài.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tập đoàn Khang Thông triển khai dự án Happy Land tại tỉnh Long An đã đồng ý tiếp nhận tất cả hơn 10.000 lao động tại Libya về dự án đó làm việc


Theo Bộ trưởng Ngân, tính đến hết ngày 9/3, đã có 8.728 lao động đã được đưa về nước an toàn. Hiện nay còn 1.070 lao động về bằng đường biển từ cảng biển Benghazi, Libya và dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng ngày 21/3. Ngoài ra, 292 lao động Việt Nam đã sang Angieri và 67 lao động tại Ai Cập đang được bố trí đưa về nước trong vài ngày tới.

“So với các nước khác trong khu vực có lao động làm việc tại Libya, Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã sớm hoàn thành công tác sơ tán toàn bộ công dân của mình khỏi Libya về nước an toàn” - Bộ trưởng Ngân nhấn mạnh.

Chuyến bay đưa 209 lao động về nước sáng 9/3.

Bà Ngân cũng cho biết thêm: “Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đánh giá Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tích cực, khẩn trương đưa công dân của mình tại Libya về nước và đã triển khai công việc này một cách an toàn, hiệu quả”.

Bộ trưởng LĐTB&XH khẳng định: Sau khi toàn bộ số lao động về đến Việt Nam, Bộ sẽ căn cứ vào tình hình để lên phương án hỗ trợ cho lao động và hướng giải quyết về vấn đề này. Bộ sẽ nghiên cứu chính sách của người lao động, không để lao động quá thiệt thòi sau khi về nước, nhất là lao động tại các huyện nghèo".

Cũng đi trên chuyến bay cuối cùng chuyên chở lao động về nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cho biết: “Trong trường hợp có lao động mắc kẹt tại Libya vì lý do nào đó, Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại đó khẩn trương giải quyết nhanh và chu đáo để có thể đưa lao động về nước kịp thời và an toàn nhất”.

Theo tin từ Vietnam Airlines, tính đến thời điểm kết thúc chiến dịch lập cầu hàng không giải cứu lao động mắc kẹt tại Libya, hãng sẽ đưa được hơn 3.000 lao động tại Libya về nước qua các cửa ngõ Cairo (Ai Cập), Djerba (Tunisia) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Vũ Điệp