HTML clipboard

- Chiều 3/3, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, đã có tổng số 9.751 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libya… Những lao động đi Libya nợ ngân hàng sẽ được khoanh nợ, giãn nợ.

 
Trong số này, 8.252 người lao động đã tập kết sang các nước khác an toàn hơn. Hiện nay có 841 lao động tại Ai Cập, 943 người ở Hy Lạp, Malta 1.519 người, Thổ Nhĩ Kỳ 2.514 người. Riêng tại Tuynidi, nơi Việt Nam chưa có đại sứ quán, đoàn công tác đặc biệt đã đóng bản doanh và tập trung tại đây 1.314 lao động người Việt Nam.
 
Đặc biệt, ngoài việc vận chuyển bằng đường hàng không, ngay trong sáng 3/3, 1.121 lao động cũng đã theo đường biển qua châu Âu và Bắc Phi để về Việt Nam qua cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, theo ông Hải, lộ trình của chuyến tàu này kéo dài qua nhiều quốc gia nên chưa xác định được chính xác thời điểm đoàn về tới Hải Phòng.
 
HTML clipboard Những lao động đi Libya  nợ ngân hàng sẽ được khoanh nợ, giãn nợ
Ông Hải cũng cho biết thêm: Tính đến thời điểm hiện tại, còn khoảng hơn 400 lao động Việt Nam vẫn còn bị kẹt lại ở Libya. Trong số đó, số lao động ở miền Nam quốc gia đang có chính biến này thông báo họ vẫn làm việc bình thường. Tuy nhiên, theo khẳng định của Cục quản lý lao động ngoài nước, Cục vẫn sẽ cố gắng để di tản hết toàn bộ công dân Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, đến chiều 3/3, đã có 2.742 lao động về nước an toàn. Hiện Việt Nam cũng đã đề nghị các tổ chức quốc tế như Tổ chức Di trú quốc tế và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn hỗ trợ trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men… cho công dân Việt Nam còn đang mắc kẹt tại các nước ở khu vực trên.

Cùng ngày, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines đi Djerba (Tuynidi) mang số hiệu VN8686 sau 14 giờ bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Djerba lúc 5 giờ 40 phút (giờ địa phương) ngày 3/3, sớm 20 phút so với kế hoạch. Chuyến bay chiều về mang số hiệu VN8687 chặng Djerba - Hà Nội đã cất cánh lúc 9 giờ giờ địa phương tức 15 giờ Việt Nam. Chuyến bay đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 1 giờ sáng 4/3, đưa thêm 318 người lao động Việt Nam tại Libya về nước.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng sẽ có 6 chuyến bay từ Hà Nội sang Djerba để đón các lao động Việt Nam đang mắc kẹt ở quốc gia Bắc Phi này vào các ngày sắp tới.
 
Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng số chuyến bay đưa người lao động Việt Nam ra khỏi vùng nguy hiểm để hồi hương mà Vietnam Airlines sẽ thực hiện là 7 chuyến (1 chuyến đi Ai Cập và 6 chuyến đi Tuynidi). Vietnam Airlines cũng đang nỗ lực làm việc với các hãng hàng không đối tác để thu xếp mua vé, đưa được tối đa người lao động đang ở rải rác tại các nước quanh Libya về nước..

Trả lời câu hỏi trong số 10.462 lao động Việt Nam làm việc tại Libya, có nhiều lao động không phép, Bộ sẽ xử lý thế nào? Ông Hải cho biết, thông tin về việc đưa lao động đi có phép hay không phép sẽ trao đổi sau. Hiện, có 20 doanh nghiệp được phép đưa lao động sang Libya.

“Tuy nhiên, trường hợp lao động đăng ký doanh nghiệp này nhưng khi xuất cảnh lại do doanh nghiệp khác đưa đi là có” - ông Hải thừa nhận. 

Về việc thanh lý hợp đồng với lao động, ông Hải cho rằng: Sau khoảng hai tuần khi việc tiếp đón lao động đã ổn định, các công ty phải có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng với lao động.

“Ngoài các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Bộ LĐTB&XH sẽ tham mưu và đề xuất với Chính phủ để đưa ra một chương trình hỗ trợ lao động vừa trở về từ Libya” - ông Hải cho biết.
 
Bên cạnh đó, lao động nào có nguyện vọng tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hỗ trợ về ngoại ngữ, đào tạo nghề. Các địa phương cũng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ lao động từ Libya vừa trở về.

“Vì lao động từ Libya về nước chủ yếu làm xây dựng nên các địa phương và doanh nghiệp nên xem xét tổng thể các thị trường có lĩnh vực xây dựng để tập trung đưa lao động sang làm việc trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo những lao động về từ Libya sẽ được hỗ trợ vay vốn trước khi đi thị trường mới. Với những lao động đang nợ ngân hàng sẽ được khoanh nợ, giãn nợ”, ông Hải cho biết.

HTML clipboard

Ngày 3/3, Bộ Ngoại giao cho hay, trong nỗ lực đảm bảo an toàn, nhanh chóng sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi Libya và đưa những người đang quá cảnh tại các nước lân cận về nước, Bộ đã đề nghị các nước ASEAN và một số nước khác có liên quan cùng phối hợp, chia sẻ thông tin, hỗ trợ di chuyển người lao động của mình ra khỏi Libya.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước có lao động ta quá cảnh trên đường về Việt Nam như Singapo và Thái Lan đã lập các nhóm công tác trực tại sân bay để hỗ trợ làm thủ tục và cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết.
 


 
Vũ Điệp