- "Không nhất thiết là cứ phải quây lưới để bắt cụ như cái kiểu chúng ta thường dùng để bắt cá. Vì vậy phương án của tôi là: Tạo đường hành lang lưới theo kiểu mương dẫn đường lên Tháp Rùa, với bề rộng thông luồng khoảng 3m", một độc giả cho ý kiến.

Sau khi các cơ quan chức năng thất bại trong việc lai dẫn rùa Hồ Gươm lên để chữa trị trong ngày 8/3, rất nhiều bạn đọc quan tâm đến vấn đề này đã bày tỏ ý kiến của mình về phương pháp bắt mà các cơ quan chức năng đang tiến hành và đưa ra cách thức mới.

Để thông tin được đa chiều và những ý kiến đóng góp nghiêm túc của người dân có thể giúp ích cho các cơ quan chức năng trong việc đưa rùa lên bờ chữa trị, VietNamNet xin trích đăng những ý kiến này.

Không cần quây lưới? 

Một bạn đọc có tên là Duyên Hà bày tỏ ý kiến: Tôi thấy phương án này chưa thực sự hiệu quả, vì nó gây ra phản ứng lo sợ cho cụ rùa. Khi chưa “hiểu” ý tốt của "con cháu" là muốn chữa trị giúp cụ thì cụ tìm cách thoát thân là phản ứng hoàn toàn bình thường.

Ngày 9/3, sau lẩn trốn thoát lưới của các cơ quan chức năng, cụ rùa lại nổi. Thế nhưng khoảng cách cụ nổi thường rất xa, ở giữa hồ. Ảnh: Hoàng Long
 
“Không những thế, mỗi lần cụ tìm cách phá lưới sẽ tiếp tục gây ra chấn thương. Vì vậy, tôi có đề xuất một phương án mới, kính mong ban quản lý chữa trị cho cụ lắng nghe ý kiến.

Mục đích cuối cùng là đưa rùa lên Tháp Rùa, vậy thì không nhất thiết là cứ phải quây lưới để bắt cụ rùa như kiểu chúng ta thường dùng để bắt cá. Vì vậy, phương án của tôi là: Tạo đường hành lang lưới theo kiểu mương dẫn đường lên Tháp Rùa, với bề rộng thông luồng khoảng 3m.

Quy trình thực hiện như sau: Đóng sẵn trước một hàng rào lưới cắt ngang hồ, tính từ bờ đến Tháp Rùa. Đóng cọc buộc lưới cho chắc chắn để hành lang lưới này là cố định. Khi đã phát hiện ra vị trí của cụ rùa thì dùng khoảng 4 ca nô không động cơ mang theo hành lang lưới còn lại, chọn vị trí thích hợp (là khoảng cách đường giữa Tháp Rùa và bờ là ngắn nhất) thì thả nốt hành lang lưới này và thu hẹp dần khoảng rộng của hành lang lưới. Dùng người khép kín hàng lang lưới vừa thả, và dồn dần đường dẫn hướng về Tháp Rùa theo kiểu đánh dậm. Mục đích là lùa cụ rùa tự lên tháp.

Ưu điểm của phương pháp này là sẽ không gây thương tích và không lo sợ về môi trường sống của cụ rùa bị đe dọa. Không phải tiêm thuốc mê cho cụ để đưa ra Tháp Rùa, như thế sẽ tránh được rủi ro về sức khỏe cho rùa. Điều mong đợi nhất của mọi người dân là cụ rùa tự bò lên bờ (phải tạo bờ đi lên tháp thuận lợi)”, độc giả Duyên Hà đưa ra giải pháp mới.

Dùng lưới dày, mềm để tránh xây xát

Độc giả Trần Đình Trọng thì đưa ra ý kiến về việc chữa trị rùa Hồ Gươm: Khoảng giữa tháng 2 năm 2011, qua thông báo của Ban chỉ đạo chữa trị cụ rùa Hồ Gươm. Tôi được biết ban đã họp và đề ra những phương án, các biện pháp kỹ thuật, và các thời gian chữa trị cụ thể; đồng thời cũng đề nghị thành lập Ban tổ chức tiếp nhận các ý kiến phản biện để tổng hợp giúp Ban chỉ đạo lựa chọn tiếp tục các phương án tối ưu và khả thi hơn để thực hiện.

"Rùa là động vật lưỡng cư, 4 chân khỏe, khi bị đánh“động” rùa có thể dùng chân và miệng xé rách lưới. Việc kéo bắt rùa bằng lưới vây như bắt cá tôi thấy không ổn".

Ngày 8/3, sau thất bại đưa cụ rùa lên cạn, tôi xin có một vài ý kiến muốn được trình bày bổ sung:

Trong thư trước gửi ông Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, tôi có đề nghị nên dùng lưới dày, mềm để đánh bắt tránh bị xây xát; sợi to và chắc để khỏi bị phá bung lưới (lưới bắt cá hương). Hôm 8/3, Ban chỉ đạo đã cho dùng lưới quá thưa và sợi rất mảnh (tôi có xem kỹ lưới này trên báo VietNamNet).

Với con vật sống dưới nước nặng vài tạ, thì lưới đó không thể chịu được và rất dễ bị phá thủng khi rùa mắc lưới hoặc bị quấn chặt lại và bị rối, bó lại thân rùa khó gỡ, dễ gây tổn thương. Lưới đã dùng hôm 8/3 không thể dẫn dắt cụ rùa lên tháp được.

Rùa là động vật lưỡng cư, 4 chân khỏe, khi bị đánh“động” rùa có thể dùng chân và miệng xé rách lưới. Việc kéo bắt rùa bằng lưới vây như bắt cá tôi thấy không ổn. Vì rùa biết có động sẽ nhanh chóng lặn xuống đáy hồ, rụt cổ và ém mình xuống bùn, như 1 tảng đá nhỏ, chì của lưới có thể lướt qua lưng và không thể bắt được.

Ta có thể hình dung khả năng luồn lưới như cá chép trắng vậy, do đó chỉ lúc trời nắng ấm, nhờ quan sát việc sủi tăm của rùa để định vị và giăng lưới xung quanh, cứ khoảng 2m đường chì phải có 1 người giữ chì và phao để dồn dần khi rùa đã đóng vào lưới, sau đó những người kéo lưới lập tức lặn xuống và quấn lưới toàn thân cụ rùa đưa lên cạn.

Ý kiến thứ 3 của tôi là nên chuẩn bị xe khi bắt rùa lên cạn, để sẵn sàng đưa về bể gần nơi đánh bắt. Quá trình chữa chạy không nhất thiết phải tiến hành ở Tháp Rùa hoặc ở trong “bể thông minh” mà có thể tiến hành ở 1 bể xi măng hoặc gạch sạch ở đáy chứa 1 ít nước máy (1 ít thôi, không cần nhiều), nước máy sạch có rải 1 ít sỏi. Chỉ cần dùng nước máy sạch là đủ, vì mọi người đều biết Hồ Hoàn Kiếm ngày nay mật độ các loại vi sinh vật vô cùng dày đặc, không thể lọc được và như vậy sẽ phản tác dụng.

Duy Tuấn (ghi)