- Tham gia diễn đàn hiến kế giảm thiểu TNGT trên VietNamNet, độc giả Nguyễn Thành Lập đã có những phân tích khoa học, rạch ròi về các vụ việc vừa qua, đồng thời nêu ra những kiến nghị đối với cơ quan chức năng.

Mới sáng ngày 7/6/2013 (thứ sáu) vừa rồi, trên đường đèo Hòn Giao, thuộc tỉnh Khánh Hoà xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc, làm chết 7 người (trong đó có 2 mẹ con cô giáo một trường tiểu học, thật thương tâm) và bị thương 21 người, khiến cả Thủ tướng Chính phủ (gửi công điện yêu cầu xử lý vụ TNGT thảm khốc này), đến người dân địa phương chưa hết bàng hoàng (đấy là còn chưa kể vụ TNGT TP.HCM làm nhạc sỹ Quốc Dũng bị thương nặng).

Tới ngày 9/6/2013 (chủ nhật) lại xảy ra 2 vụ TNGT thảm khốc nữa: Trên quốc lộ 1A, km 947, thuộc tỉnh Quảng Nam, làm chết 3 người, bị thương 30 người. Trên tỉnh lộ 44, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, làm chết 6 người (trong đó có 1 gia đình chết cả 3 người, vô cùng bất hạnh). 

{keywords}
Dải an toàn đại lộ Nguyễn Tất Thành (thành phố Đà Nẵng) quá hẹp, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn giao thông. Ảnh: Nguyễn Thành Lập 

Và cùng ngày 9/6/2013 (chủ nhật), Nhà khảo cổ học Nishimura Masanari (người Nhật) bị chết do TNGT xảy ra tại nút giao thông giữa quốc lộ 5 với quốc lộ 1A mới, thuộc thành phố Hà Nội.

Kiến nghị cơ quan chức năng ở Khánh Hoà, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội và TP.HCM cấp bách điều tra toàn diện, “hoàn hảo” các nguyên nhân gây ra 5 vụ TNGT nêu trên.

Để trên cơ sở đó, các cơ quan và các bên liên quan (toà án, viện kiểm sát, cơ sở đăng kiểm, đào tạo, sát hạch-cấp giấy phép lái xe cơ giới; ban quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, nhà thầu thi công, công ty quản lý đường bộ; thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông…) xử án đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, đúc rút kinh nghiệm, bài học hạn chế TNGT.

Chứ không phải như một số tin, bài sốt sắng đăng trên các báo nguyên nhân TNGT chỉ dựa theo lời kể của nhân chứng nên “cầm đèn chạy trước ô tô”. Hoàn toàn chủ quan, võ đoán, thiếu thận trọng trong khi cơ quan chức năng chưa có kết luận điều tra (nguyên nhân) TNGT.

Chẳng hạn, vụ TNGT thảm khốc trên đường đèo Hòn Giao (Khánh Hoà) có tin, bài nêu nguyên nhân TNGT do ô tô mất phanh (thắng). Có tin bài nêu nguyên nhân do ô tô mất lái.

Có tin bài còn khen ngợi người tài xế “giỏi, biết cho ô tô đâm vách núi” để giảm số người chết, chứ nếu để ô tô chạy thêm độ 100m nữa sẽ lao xuống vực thẳm thì số người chết không phải 7 người, mà cả hàng chục người…

Vụ TNGT thảm khốc trên tỉnh lộ 44 Bà Rịa-Vũng Tàu, có tin bài nêu nguyên nhân do xe ô tô bị mất lái…

Song 1 số người đưa tin, bài có biết đâu rằng: Ô tô khách (số sàn) mất lái thì còn phanh (thắng), mất phanh thì “dồn số” cho ô tô đi thật chậm, “khựng” lại, để hạn chế TNGT.

Và nếu TNGT do ô tô bị mất phanh hoặc mất lái, thì người tài xế có tội lỗi gì không, hay họ hoàn toàn vô can?

Đặc biệt lôgic là, quan sát vị trí vách núi (ô tô đâm vào) ở phía lưng đường cong, như vậy lực ly tâm hướng về vách núi ấy. Do đó, ô tô “đổ” đèo Hòn Giao (Khánh Hoà) sẽ chịu lực ly tâm (hướng về vách núi phía lưng đường cong).

Trường hợp ô tô “đổ” đèo không vi phạm tốc độ sẽ chịu được lực ly tâm và xe chẳng bị sao. Hành khách nào nhạy cảm, sẽ thấy mình bị một lực đẩy ngang hướng về vách núi, đó chính là lực ly tâm.

Trường hợp ô tô “đổ” đèo phóng quá nhanh, vi phạm tốc độ, sẽ không chịu được lực ly tâm, buộc ô tô đâm vào vách núi và TNGT xảy ra. Vì lực ly tâm phụ thuộc vào các chỉ tiêu kỹ thuật, yếu tố hình học của đường “cua” và phụ thuộc tốc độ ô tô.

Tốc độ ô tô càng nhanh, lực ly tâm càng lớn. Cho nên tin, bài khen gợi người tài xế “giỏi” trong vụ TNGT trên đèo Hòn Giao (Khánh Hoà) hoàn toàn võ đoán.

Trở lại kiến nghị cơ quan chức năng cấp bách điều tra toàn diện, “hoàn hảo” các nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân sâu xa gây ra 5 vụ TNGT đường bộ, trong 2 ngày (7 và 9/6/2013), làm chết 17 người (trong đó có 1 người nước ngoài), bị thương 52 người.

Thí dụ, nguyên nhân trực tiếp có thể do người tài xế vi phạm quy trình thao tác lái xe số sàn khi “đổ” đèo, xuống dốc đã không cài số thấp (như khi lên dốc) và đồng thời vi phạm tốc độ. Thậm chí để “mo” (số không) cho ô tô phóng “tự do” xuống dốc (dễ làm cho phanh mất tác dụng), hoặc tài-xế không biết “dồn số”- khi xe mất phanh (thắng)…

Nguyên nhân gián tiếp có thể do điều kiện đường sá không bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật, các yếu tố hình học, biển báo hiệu liên quan đến TNGT như: Độ bằng phẳng của áo đường, hệ số ma sát giữa bánh xe với mặt đường (độ nhám), bán kính đường cong nằm, độ dốc dọc, siêu cao, dải phân cách, dải an toàn, biển báo hạn chế tốc độ…

Đơn cử đoạn đường đèo Hòn Giao (Khánh Hoà), nếu đúng tốc độ V max 30 km/h cho ô tô “đổ” đèo an toàn như quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) nêu trên phương tiện thông tin đại chúng (tối ngày 10/6), mà cơ quan điều tra khảo sát tại thực địa, hiện trường không thấy có biển báo hiệu hạn chế tốc độ 30 km/h, thì đó cũng là 1 nguyên nhân gián tiếp gây TNGT.

Có thể quy trách nhiệm người làm đường không bảo đảm an toàn giao thông (theo điều 220, 229 Bộ Luật Hình sự). Chứ lâu nay rất hiếm khi cơ quan chức năng khởi tố được người làm đường gián tiếp gây ra các vụ TNGT.

Nguyên nhân sâu xa có thể do đơn vị chủ xe ô tô đặt mục đích kinh tế trên hết, khoán mức quá cao với người lái xe, cũng là một nguyên nhân dẫn đến họ vi phạm Luật Giao thông, bất chấp quy trình thao tác lái xe…

Như vậy, cơ quan chức năng cần quy trách nhiệm đơn vị chủ xe ô tô, để họ phải cân đối giữa mục đích kinh tế với an toàn giao thông.

Tuyệt đối không tiếp tay cho người tài xế vi phạm quy trình thao tác lái xe, vi phạm tốc độ và vi phạm tải trọng nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Độc giả Nguyễn Thành Lập

Nên tước bằng vĩnh viễn lái xe gây nạn nghiêm trọng

"Nên tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với những tài xế phạm tội nghiêm trọng thay vì chỉ cấm hành nghề từ 1-5 năm như hiện nay", bạn đọc Nguyễn Nam nhấn mạnh.

Những vụ tai nạn hàng chục người thương vong

Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn kinh hoàng khiến TNGT đã trở thành nỗi ám ảnh của bao gia đình.

Bộ trưởng Thăng: "Ai cũng đúng, tai nạn vẫn liên tiếp"

 Chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã triệu tập cuộc họp khẩn sau hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra gần đây.

Làm gì để không còn nỗi đau tai nạn giao thông?

Chỉ trong 3 ngày, 3 vụ TNGT thảm khốc đã cướp đi sinh mạng 16 người, hơn 50 người khác bị thương. Chúng ta cần làm gì để không còn nỗi đau TNGT?