Câu chuyện cứu người
Sáng 13/7, chúng tôi đến thăm anh tại căn nhà xiêu vẹo nơi anh cùng vợ và 2 con nhỏ sinh sống. Trước mặt căn nhà, những luống rau xanh tốt đang vươn lên trong nắng sớm.
Anh Hoàng năm nay vừa tròn 25 tuổi, quê ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Nhà quá nghèo, anh phải bỏ học khi mới xong lớp 3.
Nhờ tốt tướng - anh thú nhận - anh đã khai tăng tuổi để được vào làm ở một công ty chế biến thủy sản tại quận 12.
Sau một thời gian làm việc và cũng đã đủ tuổi lập gia đình,
Hoàng xây dựng hạnh phúc với một người bạn công nhân cùng đơn vị. Cả hai đầu tắt
mặt tối nhưng cũng chỉ đắp đổi được qua ngày.
Nếu tiếp tục công việc, thật khó để vợ chồng đủ khả năng nuôi con. May thay,
phía nhà vợ chia cho vợ chồng Hoàng gần 2 công đất để hôm nay là những luống rau
xanh ươm đầy sức sống.
Rẫy rau xanh của Hoàng nằm dọc theo suối Nhum. Mùa khô, con suối nằm trơ đáy
nhưng cứ mỗi độ mưa lớn, nước từ khắp nơi tràn về đổ xuống suối trong khi lòng
suối quá hẹp lại vướng 3 đốt cống nhỏ làm co thắt dòng chảy. Nước lại tràn ngược
lên đường, vào nhà làm ngập những đám rẫy chung quanh.
Một điều ít ai ngờ tới, dọc theo suối Nhum là cụm dân cư với nhiều tệ nạn. Bất kể ngày hay đêm người đi đường rất dễ bắt gặp những con nghiện vô tư chích ma túy. Ống chích, kim tiêm vứt ngay xuống lòng suối…
Vị trí anh Hoàng ứng trực trong cơn mưa chiều 8/7 |
Hoàng kể với chúng tôi về buổi chiều hôm ấy. 16g30 trời mưa to. Nước dưới suối chảy xiết và bắt đầu dâng cao. Con đường đã loáng nước.
Nhiều người cố vượt qua. Khi nước dâng quá cao, bất ngờ xuất hiện 3 xe gắn máy với 4 người đàn ông trên xe. Mặc dù Hoàng và hai thanh niên khác khuyến cáo, họ vẫn bất chấp…
Qua cống. 3 chiếc xe máy rơi ùm xuống nước. 3 trong 4 người được Hoàng và hai bạn kéo lên bờ. Một người còn lại vốn là một thợ hồ trên đường về nhà đang chới với giữa dòng. Hoàng bơi ra đưa người thanh niên bị nạn vào bờ, làm các động tác sơ cứu. May mắn cả 4 người đều thoát chết.
Trời chập choạng tối. Hai cụ già đi bộ qua khu vực này. Một cụ quảy gánh ve chai và một cụ bán vé số ngại ngùng trước làn nước dữ. Hoàng cùng bạn dìu hai cụ đi qua vừa xong thì thoáng thấy chiếc xe máy với 2 sinh viên đang trờ tới.
Nơi tìm được thi thể sinh viên Thảo (mũi tên) |
Hoàng la lớn: “Không nên qua” nhưng cả hai thản nhiên bỏ đi. Hoàng tiếp tục la với theo nhưng chưa dứt câu, cô sinh viên cầm lái đã rơi xuống nước.
Chỉ
còn cách Hoàng vài bước chân nhưng không kịp nữa…nước đã cuốn cô này đi khá xa.
Hoàng cùng hai bạn lao đến đưa vào bờ thoát chết…Cô gái còn lại chìm nghỉm trong
dòng nước trôi nhanh.
Sự thờ ơ đáng trách
Hoàng có hai người bạn là Trần Văn Thiềm và Lê Văn Ngọt là những thanh niên làm rẫy tốt bụng. Cứ mỗi lần trời mưa, cả 3 đều ứng trực tại đây cảnh báo người đi đường và sẵn sàng can thiệp khi có sự cố với sự tự nguyện.
Trong câu chuyện, Hoàng và những người bạn của anh trăn trở : “Khi một sinh viên trôi đi mất tích, chúng tôi đã báo với ký túc xá và công an phường.
Tại
hiện trường lúc này có gần 20 cán bộ thanh tra xây dựng của Đại học Quốc gia và
của ký túc xá. Chúng tôi đặt vấn đề yêu cầu các anh khẩn trương tìm kiếm người
bị nạn, bất ngờ nhiều người trong số đó phát biểu, do dưới lòng suối có nhiều
kim tiêm nên không ai dám xuống.
Lúc này trời đã tạnh mưa. Nước suối cũng đã cạn bớt. Cả 3 chúng tôi bất chấp mọi
hiểm nguy túa nhau lội tìm cô gái. Hàng chục cán bộ đứng trên bờ đưa mắt nhìn
chúng tôi.
Mò, lặn, lùng sục được một lúc chúng tôi phát hiện thi thể cô sinh viên vướng vào cành cây cách cống chưa đầy 100m. Chỉ khi chúng tôi đưa lên bờ và lúc bấy giờ, ký túc xá mới cho xe chở nạn nhân đến nhà xác bệnh viện".
Anh Hoàng và những người bạn |
Hoàng đưa chúng tôi đến vị trí tìm được nạn nhân. Nơi đây còn bày biện la liệt những lễ vật cùng bái. Anh nói 10 ngày trước đó trong một cơn mưa lớn anh và nhóm bạn đã vớt được 2 thanh niên bị trôi cùng 2 xe máy.
Anh nói: “Giá như ngay sau đó Đại học Quốc gia triển khai rào chắn như bây giờ thì SV Đinh Thị Phương Thảo không thể chết được”.
Điều trăn trở của Hoàng và nhóm bạn, đã gần một tuần trôi qua, cô sinh viên thoát chết Trần Thị Hoài Thu không hề ghé lại.
Các anh không mong một sự báo đáp
nào mà chỉ muốn hỏi cho ra lẽ: “Tại sao chúng tôi báo động mà không dừng
lại. Có phải các cô nghĩ chúng tôi là những thành phần bất hảo muốn chọc ghẹo
sinh viên?"
Trần Chánh Nghĩa