- Những năm gần đây, do phải sống trong môi trường ô trầm trọng từ Cty Nicotex Thanh Thái (xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), một số hộ dân phải bỏ nhà, đất đi nơi khác sinh sống. Tôm, cá trên sông suối cũng bỗng dưng biến mất, ong bỏ đàn… làm cuộc sống người dân nơi đây trong tình trạng đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Dân bỏ làng, ong bỏ tổ

Liên quan tới việc Cty Nicotex Thanh Thái gây ô nhiễm trầm trọng, mà trong những ngày qua dư luận đang lên án. 

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Chỉ, Phó chủ tịch UBND xã Yên Lâm (huyện Yên Định) cũng “tố” công ty này gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân địa phương.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Chỉ, Phó chủ tịch UBND xã Yên Lâm “tố” tội ác của công ty.

Ông Chỉ cho biết, Cty Nicotex Thanh Thái khi thành lập mới đi vào hoạt động được khoảng 3 tháng thì nơi đây đã có những biểu hiện bất thường về không khí. 

Đơn cử là việc trước đây toàn xã Yên Lâm có tới hơn 60% số hộ dân nuôi ong lấy mật, và đó cũng là nguồn thu chính của bà con mang lại kinh tế cao ngoài đồng ruộng.

Tuy nhiên, từ khi nhà máy đi vào hoạt động thì cũng là lúc đàn ong của những hộ nuôi sát khu vực công ty bị chết và bỏ đàn.

“Ban đầu người dân cứ nghĩ do không có thức ăn cho chúng, hay vì lý do nào đó nên ong mới bỏ đi. Cho đến khi những hộ nuôi ong nhiều nhất xã cũng chỉ còn lại ít thùng thì người ta mới nghi ngờ đến việc môi trường bị ô nhiễm”, ông Chỉ nói.

Cũng từ đó, trong các cuộc họp thôn, xã người dân liên tục phản ánh và xã cũng đã báo cáo bằng văn bản lên huyện, tỉnh. Thời gian đó các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã về lấy mẫu, kiểm tra môi trường, và họ chỉ kết luận 'có ảnh hưởng nhưng chưa đến mức nguy hại'.

“Về khách quan mà nói, trong khoảng 7-10 năm trở lại đây môi trường trong xã ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều hộ dân sống sát nhà máy có những hôm đi ngủ còn phải đeo khẩu trang. Bệnh đau đầu, khó thở và các bệnh ngoài da thì xảy ra như cơm bữa”, ông Chỉ cho biết.

{keywords}
Trước đây nhà ông Riêu nuôi tới 40 đàn ong, nay chỉ còn vài thùng.

Ông Lê Xuân Riêu, người nuôi ong nhiều nhất ở đây cho biết, gia đình ông trước đây nuôi hơn 40 đàn ong, mỗi đàn ong mỗi năm được khoảng 20 chai mật, thu nhập khoảng từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây đàn ong của ông dần dần bị chết hết, đến nay chỉ còn vỏn vẹn 9 đàn, mỗi năm may lắm được 2 chai mật.

Xã Yên Lâm có 10 thôn, trong đó có 3 thôn giáp nhà máy gồm: Cao Khánh, Hành Chính và Thắng Long. Trong đó thôn Hành Chính được coi là bị ảnh hưởng nặng nhất, khiến một số hộ dân phải bỏ nhà, bỏ đất đi nơi khác sinh sống.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, trưởng thôn Hành Chính cho biết, từ khi Cty Nicotex Thanh Thái về đây cũng là lúc đời sống, kinh tế của người dân bị đảo lộn. Nhất là mùi hôi từ hóa chất trong công ty phát ra khiến người dân không thể chịu được.

Đã có nhiều hộ phải bỏ nhà di cư đi nơi khác sinh sống, điển hình như: Gia đình bà Nguyễn Thị Hội (chuyển ra Ninh Bình); gia đình bà Trịnh Thị Phúc (chuyển sang huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa); Gia đình bà Phạm Thị Vân…

Sông, suối hết sạch tôm cá

Trước đây Hón Sỏi (thôn Thắng Long) được coi là nguồn tài nguyên tôm, cá vô tận của người dân nơi đây. Hón Sỏi có mạch nước ngầm chảy từ trong khe núi ra nên quanh năm không bao giờ hết nước, do vậy tôm, cá ở đây rất nhiều.

Người dân thôn Thắng Long sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ngoài chăn nuôi được con gà, con vịt thì Hón Sỏi là nguồn thức ăn tươi sống cho người dân. 

Anh Đoàn Văn Hoàng, nhà sống gần Hón Sỏi cho biết, trước đây từ đời ông bà của anh đã thấy đánh bắt cá ở Hón Sỏi này.

Và khi lớn lên, anh cũng là người trực tiếp đánh bắt cá ở đây. “Khoảng 10 năm trở về trước, cá ở Hón Sỏi nhiều vô kể. Tôi chỉ mang một tay lưới ra đây thả xuống chưa đầy một tiếng đồng hồ là bắt được cả yến cá trắm, chép. Nhưng đến bây giờ một con cá mán to như hai đầu ngón tay cũng không có nổi”.

Theo anh Hoàng, nguyên nhân dẫn đến cá nơi đây bỗng dưng biết mất là do Hón Sỏi có khe nước ngầm từ trong hang núi gần khu vực Cty Nicotex Thanh Thái. Và chính công ty này làm chất độc hóa học chảy ra và ngấm xuống dòng nước khiến cho tôm, cá nơi đây bị chết dần, đến nay không còn bóng dáng loài nào sinh sống.

Anh Hoàng dẫn chứng cho việc huỷ hoại thiên nhiên nơi đây: “Đỉa là một loại rất khó diệt. Những năm trước, Hón Sỏi này có nhiều đỉa sinh sống lắm. 

Người dân đi đánh cá chỉ cần lội chân xuống là đỉa đã bâu đen. Nhưng giờ nước “sạch” đến nỗi bọn trẻ con trong làng ra tắm cả ngày mà chẳng hề thấy con đỉa nào bén mảng đến”.

{keywords}
Hón Sỏi hết sạch cá, tôm

Ở các ao, hồ cá thỉnh thoảng cũng nổi trắng bụng mà không biết vì nguyên nhân gì.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, người dân ở đây cho biết, gia đình ông có thầu một cái hồ rộng khoảng 3ha, không hiểu vì lý do gì mà thỉnh thoảng lại thấy cá chết nổi trắng xóa.

“Mỗi đợt như vậy cá chết khoảng trăm con lộn lại, ước tính thiệt hại không đáng kể nên gia đình tôi chẳng buồn báo cáo cơ quan chức năng. 

Không chỉ riêng hồ nhà tôi, các hồ khác trong khu vực xã cũng rơi vào tình cảnh cá chết liên tục, cá nuôi không lớn mà chỉ thấy đầu to ra”, ông Hùng cho biết.

Trong khi đó, rất nhiều đoàn kiểm tra về đây rồi lại ra đi, với kết luận "có ảnh hưởng, nhưng không nghiêm trọng"...

Lê Anh