- Sáng 30/10, các tỉnh miền Trung được dự kiến bão số 10 sẽ đổ bộ và ảnh hưởng đã sẵn sàng đón bão.

Dừng hết các cuộc họp để chống bão

Tại Hà Tĩnh, Chánh Văn phòng Ban Phòng chống lụt bão, ông Bùi Lê Bắc đã cho hay, để đối phó với bão số 10, các cơ quan chức năng đã chủ động sơ tán hơn 2 vạn dân các xã của 5 huyện ven biển và TP. Hà Tĩnh trước 6h sáng nay.

Theo ông Bắc, 2,2 vạn dân được di dời gồm các xã ven biển thuộc 5 huyện gồm Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP. Hà Tĩnh.

{keywords}

{keywords} 

Người dân Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chẳng chống nhà cửa và di dời đến nơi an toàn trước khi bão tới - Ảnh: Trần Văn

 

Chủ tịch huyện Nghi Xuân, ông Đặng Văn Tính cho biết, huyện đã chỉ đạo di dời các hộ dân ở 3 xã ven biển Xuân Hội, Xuân Đan, Xuân Trường ngay trong đêm để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân.

Chủ tịch huyện Cẩm Xuyên, ông Nguyễn Đình Hải cũng cho biết, theo kế hoạch, huyện sẽ sơ tán 1053 hộ dân. Trước mắt sẽ sơ tán dân vùng ven biển trước, sau đó đến các xã lân cận.

Trước đó, ngày 29/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra công điện khẩn số 25, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 10. Trong đó, nhấn mạnh phải tập trung kiểm tra, rà soát, thống kê chính xác các hộ dân cần di dời, sơ tán, chủ động sơ tán dân ra các vùng nguy hiểm ven biển, ven sông trước khi bão đổ bộ.

Tỉnh yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị phương châm 4 tại chỗ, đề phòng bị mưa lũ chia cắt, cô lập dài ngày.

Tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các cấp, sở, ban ngành đình chỉ ngay các cuộc họp chưa cần thiết để trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo đối phó với bão, duy trì chế độ trực ban nghiêm túc 24/24h...

{keywords}
Lực lượng CSGT Hà Tĩnh tham gia giúp dân 'chạy bão' - Ảnh: Trần Văn

 

Ghi nhận của PV VietNamNet sáng 30/9, tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), công tác phòng chống cơn bão đang được triển khai khẩn trương.

Tại thời điểm này, gió đã mạnh lên cấp 7, sóng biển dâng cao 2 m.

Hiện 163 tàu bè của xã đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện lực lượng PCLB xã phối hợp với đồn biên phòng 168 đã di dời hơn 200 hộ dân ven biển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hơn 1.500 học sinh của 3 trường trên địa bàn xã đã được cho nghỉ học.

Ghi nhận tại địa bàn huyện Kỳ Anh, từ 7h sáng trời đã mưa to, gió lớn. Trên khắp các ngả đường, người dân cùng chính quyền địa phương đang chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối.

{keywords}

Người dân xã Kì Lợi sơ tán về Đồn Biên phòng Vũng Áng tránh bão.

 

Tại đồn Biên Phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng, rất nhiều người già, trẻ nhỏ, phụ nữ đang ngồi trú tránh bão. Những hộ dân khác vẫn tiếp tục đến tránh bão.

Trung tá Đinh Mã Phong, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vũng Áng cho biết, hiện đã có khoảng 300 người dân thuộc xóm Hải Phong (xã Kỳ Lợi) sơ tán về đồn tránh bão.

Đồn cũng đã chuẩn bị lương khô, mì tôm và nước uống đảm bảo phục vụ đủ cho bà con.

Các chiến sĩ của đồn hiện đang đi giúp dân chằng chống nhà cửa và tiếp tục vận động dân đến đồn sơ tán, trú ẩn.

Điện lưới đã bị cắt từ 8h sáng, đồn biên phòng cũng đã chuẩn bị 2 máy nổ phát điện.

Cũng theo Trung tá Phong, có một trường hợp đặc biệt được sơ tán đến là một phụ nữ mới sinh con được 1 ngày. Cán bộ đồn đã cho ở riêng và bố trí người chăm sóc chu đáo.

Quảng Bình bắt đầu có mưa to

Sáng 30/9, theo ghi nhận của nhóm PV VietNamNet, tại khu vực Cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), gió đã mạnh dần lên, giật mức cấp 6, cấp 7.

Toàn khu vực cảng đã được lệnh di dời từ tối qua (29/9).

{keywords}

{keywords} 

Sóng to xuất hiện tại khu vực cảng Hòn La (Quảng Bình)

 

Đến sáng nay chỉ còn một số người thuộc lực lượng phòng chống bão của cảng ở lại.

Đến thời điểm này, nhiều nơi ở Quảng Bình đã bắt đầu có mưa to.

{keywords}

 

Thông tin từ Chánh Văn phòng Ban PCLB tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Phụng cho biết, theo kế hoạch, sáng 30/9, toàn tỉnh Quảng Bình sẽ sơ tán hơn 27 nghìn người. Hiện đã và đang tiếp tục triển khai sơ tán

Từ sáng nay, trên toàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học, công tác phòng chống bão vẫn đang được triển khai khẩn trương, nghiêm túc.

Sơ tán trên 140 ngàn dân

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cho biết tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành lệnh sơ tán dân xong trước 6 giờ ngày 30/9 tại 6 huyện, thành phố ven biển (với 6.763 hộ/22.465 người).

Tỉnh Quảng Bình đã có lệnh cấm biển, các tàu thuyền đã được neo đậu tại nơi tránh trú; chỉ đạo cho các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế để chủ động sơ tán dân khu vực ven biển và những nơi không đảm bảo an toàn (6.111 hộ/27.148 người); học sinh nghỉ học từ ngày 30/9.

Tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo việc sơ tán dân tại các vùng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất phải hoàn thành trước 12 giờ trưa nay 30/9. Tính đến 22 giờ ngày 29/9 đã di dời được 2.614 hộ/8.392 người khu vực ven biển; học sinh nghỉ học từ ngày 30/9.

Tỉnh Thừa Thiên Huế theo kế hoạch toàn tỉnh có 2.884 hộ với hơn 11.561 người dự kiến cần phải sơ tán, di dời từ vùng sạt lở, vùng ven biển đến nơi an toàn.

Tính đến 17 giờ ngày 29/9, một số địa phương vùng xung yếu đã di dời được 387 hộ/1.509 người đến nơi an toàn.

Số còn lại sẽ bắt đầu tiến hành sơ tán, di dời đến nơi an toàn từ 6h và hoàn thành trước 9h sáng ngày 30/9; học sinh các cấp học ở các huyện, thị xã và thành phố Huế nghỉ học từ sáng ngày 30/9.

Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương triển khai sẵn sàng phương án sơ tán dân để khi có lệnh sơ tán có thể thực hiện được ngay, dự kiến sơ tán 80.000 người khi có bão, 60.000 khi có lũ; học sinh nghỉ học từ ngày 30/9.

 

Đà Nẵng - Quảng Nam: Chuẩn bị ứng phó

Đến 10 giờ sáng 30/9, công tác chuẩn bị ứng phó với báo đã được hoàn tất. Trên địa bàn Đà Nẵng trời mưa nhỏ, nhiều trường đã cho học sinh nghỉ học.

Toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn đã được lực lượng biên phòng chỉ đạo di chuyển đến nơi trú đậu an toàn.

{keywords}

Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu lên bờ và neo chặt vào các điểm cố định tránh bão

 

Trên tuyến đường ven biển Trường Sa - Hoàng Sa - Nguyễn Tất Thành…, người dân chủ động tổ chức chằng chống nhà cửa an toàn. Tàu thuyền nhỏ đã được đưa lên bờ.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, đến 10 giờ sáng hôm nay mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất.

"Chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm khi nhận được tin bão không vào. Tuy nhiên vẫn phải lo lắng vì ảnh hưởng của bão là khó tránh khỏi" - ông Viết nói.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, cuộc họp giao ban đầu tuần sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã yêu cầu Ban PCLB tỉnh và các cơ quan liên quan theo dõi các hồ chứa nước trên địa bàn đề phòng lũ xuất hiện sau bão do mưa lớn.

Để chủ động phòng chống tình hình mưa lũ do cơn bão số 10 gây ra, Ban PCLB Quảng Nam đã đề nghị các hồ chứa thủy điện chủ động xả nước theo đúng quy trình.

Quý độc giả có thông tin, hình ảnh, clip về công tác phòng chống và diễn biễn bão số 10 ở các địa phương xin chia sẻ về địa chỉ: Banxahoi@vietnamnet.vn

 

Nhóm PV, CTV VietNamNet