- Đã có 3 người chết, 35 người bị thương do bão số 10. Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh tan hoang. Thừa Thiên Huế xin hỗ trợ trước mắt 25 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp hậu quả.

‘Cơn bão mạnh nhất trong 28 năm’

Cơn bão số 10 với sức gió cực mạnh đổ bộ vào Quảng Bình và phụ cận vào chiều ngày 30/9, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng vạn dân cùng nhiều tài sản, hoa màu.

{keywords}

{keywords}

Cảnh tan hoang ở Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy.

14h chiều 30/9, Chủ tịch xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nhấp nhổm không yên. Gần 1.000 hộ dân của toàn xã đều đã bỏ lại nhà cửa để chạy vào các điểm kiên cố trú bão.

Năm mô cũng rứa, cứ bão nổi là bà con trong xã đều chạy về trụ sở ủy ban, trường học để tránh. Nhưng lần ni thấy bão mà khiếp quá!” – ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc nói khản cả giọng trong tiếng gió thốc ầm ầm bên ngoài phòng làm việc.

Từ 14h30, gió bão đã hoành hành tại Lệ Thủy, rít lên từng hồi. Các con đường từ phố đến làng đều vắng tanh.

Toàn huyện Lệ Thủy đều có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng từ bão số 10, nhưng đáng lo ngại nhất là 3 xã ven biển gồm Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam.

Chúng tôi đã triển khai sơ tán triệt để cho bà con đến nơi kiên cố!” – ông Phạm Hữu Thảo, PCT UBND huyện Lệ Thủy, Trưởng Ban PCLB huyện trao đổi với VietNamNet qua điện thoại.

{keywords}
Đường dây điện sà xuống QL1A.

15h, gần năm mươi phụ nữ, trẻ em đang trú ngụ tại tầng 2 trụ sở UBND xã Ngư Thủy Bắc được một phen thất kinh. Gió bão lồng lộn dữ dội đã hất tung hành lang bằng cửa kính của căn nhà. Người dân nhốn nháo chạy nép vào sát tường, khuôn mặt ai nấy lo lắng sợ hãi.

Từ năm 1985 đến nay, đã 28 năm rồi mới có cơn bão mạnh như thế này đổ bộ vào xã. Mong cho người dân trong xã được an toàn, còn nhà cửa tài sản thì đành phó mặc cho trời vậy” - ông Nguyễn Thanh Thoảng xót xa thở dài.

Tan hoang!

17h30’ ngày 30/9 khi gió bắt đầu yếu, mưa bớt nặng hạt; người dân Quảng Bình đổ ra đường, vẻ mặt thẫn thờ. Khắp nơi ngổn ngang với cây xanh đổ la liệt, cột điện gãy, sập xuống hàng loạt ven đường, hàng trăm nhà dân tốc mái, đổ sập.

Từ đầu dây bên kia, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc Nguyễn Thanh Thoảng nói thất thanh: “Bão tan rồi chú ơi! Cả xã bị thiệt hại nặng nề. Hơn 80% nhà cửa của bà con bị tốc mái, trong đó gần một nửa đã bị hư hỏng hoàn toàn. Đường đi lối lại trong xã hầu như kẹt cứng vì cây cối đổ gãy quá nhiều”.

{keywords}
Toàn thành phố Đồng Hới mất điện trước trong và sau cơn bão.

Trên tuyến QL1A từ Lệ Thủy về Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch ở đâu cũng tan hoang. Tuyến đường huyết mạch bị ách tắc trầm trọng do đường dây điện chạy sát bị đứt, hàng loạt cột điện đổ gãy xuống đường.

Ngay sát bên đường 1A, quán cơm bình dân của gia đình ông Võ Xuân Đáo (thôn 1 Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, Lệ Thủy) gần như tan hoang không còn mẩu tôn lợp trên mái.

Từ chiều qua bố con tui đã chằng néo nhà cửa cẩn thận rồi, nhưng gió bão mạnh quá đã hất cả mái tôn bay đi hết. Cây cối đổ gãy làm sập cả mái nhà” – ông Đáo rơm rớm nước mắt.

Cũng tại thôn Thanh Mỹ 1, căn nhà nhỏ xíu của chị Lê Thị Tuyết cũng bị thổi bay phần mái lợp. Ngay khi mưa bão vừa dứt, người dân trong xóm đã đổ về ‘giải cứu’ cho gia đình chị Tuyết. Hàng loạt cành cây lớn nhỏ đổ gãy xuống khiến căn nhà gần như bị phá hỏng hoàn toàn.

Tại xã Hồng Thủy, 1 cột viễn thông bị gió bão quật ngã nằm chắn ngang đường 1A, giao thông bị đình trệ nhiều giờ đồng hồ.

Theo thống kê ban đầu, toàn huyện Lệ Thủy có hơn 2.000 nhà dân bị tốc mái, nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Từ thời điểm trước lúc bão đổ bộ, toàn thành phố Đồng Hới đều mất điện. Gió bão khiến các khu phố ngổn ngang vì cây xanh và cột điện đổ gãy, nhiều tuyến đường ngập chìm trong nước.

Khi người dân chưa hết hoang mang vì nhà cửa, cây cối đổ sập hàng loạt, thông tin cột phát sóng gãy đè chết 2 người tại phường Đồng Phú khiến cả thành phố thêm xôn xao.

3 cán bộ thuộc trạm phát sóng phát thanh Đồng Hới (Đài TNVN) không may bị cột đổ gãy đè phải, 2 người xấu số tử vong ngay tại hiện trường, người còn lại hiện đang rất nguy kịch tại bệnh viện.

38 người thương vong do bão, Huế xin hỗ trợ 25 tỷ

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, 3 người chết đều ở Quảng Bình, tử vong sau khi cột phát sóng bị gãy đè lên.

Ngoài ra, Quảng Bình có 13 người bị thương; Hà Tĩnh 3 người, Quảng Trị là 17 và Thừa Thiên Huế là 2.

Ngoài thiệt hại về người, bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Tại Quảng Bình, có 26 nhà bị sập và gần 90.000 nhà bị tốc mái; 10.000 ha cao su bị gãy, 28 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng tại bến, nhiều cây cối, cột điện bị gãy đổ...

Tại Quảng Trị (tính đến 6h ngày 1/10) có 11 nhà bị sập, 3.666 nhà bị tốc mái, nhiều lều, chòi, trại chăn nuôi bị hư hỏng; 30 điểm trường học với hơn 200 phòng, 3 điểm bệnh viện, trạm y tế và 20 trụ sở công cộng khác bị tốc mái, hư hỏng.

Quảng Trị có gần 6.900 ha cây cao su bị đổ gãy, 500 ha tiêu, 3.500 ha sắn, 2.000 ha hoa màu bị thiệt hại; 12.000 ha rừng, 12 ha cây ăn quả, khoảng 10.000 cây và hơn 500 ha tôm bị thiệt hại.

Tại Thừa Thiên Huế (tính đến 16h ngày 30/9), có 6 nhà bị sập, 368 nhà bị tốc mái; 159,5 ha hoa màu, 38 ha mía, 38,5 ha khoai lang,... bị gãy đổ; sạt lở trên 220 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản với khối lượng trên 23.000 m3.

Thừa Thiên Huế là địa phương bị sạt lở bờ sông, bờ biển rất nhiều. Các công trình giao thông, điện cũng thiệt hại nặng.

Trước tình hình này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị xin hỗ trợ trước mắt 25 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 10, trong đó 5 tỷ khắc phục khẩn cấp đời sống nhân dân, nhà cửa bị sập, tốc mái; 10 tỷ khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển; 10 tỷ khắc phục bước đầu CSHT.

Tỉnh Hà Tĩnh có 1.369 nhà, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái, 203 nhà bị ngập, 160m hàng rào bị đổ. 250 ha lúa, 110 ha khoai lang, 123 ha rau màu, 707 ha muối bị ngập...

Toàn bộ số dân được di dời trong bão số 10 là 106 ngàn người, trong đó Quảng Trị di dời nhiều nhất với 43.680 người.

C.Quyên

C. Thái - D. Tuấn - P. Long