- Nhiều ý kiến cho rằng việc hồ chứa nước Vực Mấu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) xả lũ gây ngập nặng ở vùng hạ du là sai quy trình. Song, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) lại nhận định rằng “không nên đổ hết trách nhiệm cho đơn vị vận hành hồ. Có thể nói đây là một rủi ro thiên tai”.
Mổ xẻ vụ xả lũ khiến 2 vạn dân chịu trận
Tiến hành xả lũ vì lý do bất khả kháng
Sự việc xả lũ ở hồ Vực Mấu gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng gây bức xúc lớn trong nhân dân. Nhiều người dân trong vùng khẳng định, việc xả lũ bất ngờ này là nguyên nhân chính gây nên ngập lụt ở vùng hạ du, gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản người dân.
Đại diện Sở NN&PTNT và Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc, UBND thị xã Hoàng Mai đã công bố các số liệu quan trắc kỹ thuật và khẳng định việc vận hành xả lũ hồ Vực Mấu được thực hiện theo đúng quy trình vận hành, và cho rằng việc ngập lụt trên địa bàn là do thiên tai bất thường và bất khả kháng.
Xả lũ gây ngập úng nặng khiến đời sống của người dân lao đao. (Ảnh: Trần Văn) |
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đồng Văn Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cho biết, việc tích nước và xả lũ đã được quy định chi tiết trong quy định vận hành và điều tiết hồ chứa nước đã ban hành.
Hiện Bộ NN&PTNT chỉ quản lý trực tiếp đối với hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các hồ thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Sơn La và một số hồ chứa lớn trên các lưu vực sông liên quan đến nhiều tỉnh.
Còn lại toàn bộ các hồ thủy lợi trên cả nước đều do các địa phương quản lý và ban hành các quy định vận hành điều tiết hồ chứa.
Cụ thể với hồ Vực Mấu, trách nhiệm quản lý vận hành thuộc về thẩm quyền của Xí nghiệp Thủy lợi huyện Quỳnh Lưu, thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc. Do đó, căn cứ vào quy trình vận hành đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt, Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu có quyền đưa ra quyết định xả lũ theo quy trình.
Còn vấn đề xả lũ hồ Vực Mấu gây ngập lụt dẫn đến thiệt hại nặng, ông Đồng Văn Tự cho hay: "Không nên đổ hết trách nhiệm cho đơn vị vận hành hồ bởi theo như kết quả kiểm tra thì đơn vị vận hành đã thực hiện đúng quy trình đã được duyệt".
"Có thể nói đây là một rủi ro thiên tai ở một tổ hợp rất bất lợi: trời thì mưa to, triều cường thì dâng cao", ông Tự nói.
Theo ông Đồng Văn Tự: "Nếu không xả lũ, đập của hồ Vực Mấu sẽ bị vỡ. Khi đó sẽ trở thành thảm hoạ lớn hơn rất nhiều cho vùng hạ du, chứ không chỉ dừng lại như thiệt hại đã xảy ra vì trong khi mở 5 cửa xả lũ của hồ Vực Mấu thì nước vẫn tiếp tục dâng cao. Vì vậy, đây là lý do bất khả kháng khi xả lũ".
Cần có phương án xả lũ cụ thể
Nhận định về việc xả lũ của hồ Vực Mấu, ông Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc xả lũ gây ra thiệt hại cho khu vực hạ du hồ Vực Mấu, đặc biệt là thiệt hại ở thị xã Hoàng Mai là vấn đề không ai muốn.
Việc xả lũ hồ Vực Mấu thông báo quá gấp khiến người dân không kịp trở tay. Từ đó, các cơ quan quản lý cần phải đưa ra phương án, có kế hoạch xả lũ cụ thể để thông báo cho chính quyền địa phương và người dân vùng hạ du bị ảnh hưởng biết để có phương án ứng phó kịp thời.
Theo ông Vũ Trọng Hồng, về nguyên tắc nếu muốn xả lũ thì đơn vị phụ trách buộc phải thông báo cho người dân trước một tuần, còn nếu trường hợp bất khả kháng thì thông báo trước một ngày để người dân kịp chuẩn bị.
Ngoài việc thông báo, đơn vị thực hiện xả lũ cũng cần phải có thông báo chính xác cho chính quyền địa phương biết được nếu thực hiện xả lũ ở mức đó, vùng hạ du dự kiến sẽ bị ngập lụt như thế nào; cụ thể vùng thấp nhất thì ngập sau mấy mét, vùng cao nhất thì ra sao để chính quyền thông báo cho người dân kịp chuẩn bị di dời đến nơi thích hợp.
“Tôi nghĩ, để tránh gây thiệt hại nặng cho người dân như việc xả lũ của hồ chứa nước Vực Mấu, chúng ta nên xả lũ từ từ, có thể lên kế hoạch dự kiến xả lũ dựa vào thông tin của trung tâm khí tượng thủy văn.
Nếu có thông tin bão đổ bộ có khả năng gây lũ lớn, chúng ta có thể nghiên cứu kế hoạch xả lũ trước, tiến xả 1- 2 cửa để khi lũ mới về, hồ chứa sẽ không bị đầy quá mức, đến mức báo động để phải xả lũ ồ ạt cả 5 cửa tràn”, ông Vũ Trọng Hồng nói.
Bảo Hân