- "Từ hôm Đại tướng mất, cứ nhìn tượng đài của Người là nước mắt lại chảy ra, không tài nào ngăn nổi và trong tim mình thì...” - bỏ dở câu nói, người gác tượng lắc đầu mắt đỏ hoe - “...tim mình đau quá và lòng buồn quá...”.
Chúng tôi vừa đặt chân lên đất Mường Phăng, bắt gặp người đàn ông trung niên đi trong vườn tượng đài hái hoa quân tử.
Cứ thế, người đàn ông mải miết với công việc của mình, rồi lặng lẽ mang bó hoa đặt xuống dưới chân tượng đài Đại tướng. Vái xong 3 vái, ông ngồi ôm gối, và khóc...
Ông Cầm Văn Yên, (đang đặt hoa) người gác tượng đài Đại tướng. |
Ông là Cầm Văn Yến (46 tuổi, người trông coi, bảo vệ tượng đài Đại tướng ở Mường Phăng: “Ngày nào tôi cũng làm việc ở đây, nhìn tượng đài của Đại tướng thì trong lòng không thấy gì. Nhưng từ hôm Đại tướng mất, cứ nhìn tượng đài của Đại tướng là nước mắt tôi cứ chảy ra, không tài nào ngăn nổi và trong tim mình thì...” - bỏ dở câu nói, người gác tượng lắc đầu mắt đỏ hoe - “...tim mình đau quá mà lòng mình thì... buồn quá...”.
Mặt trời lên cao, dòng người từ các ngả đổ về Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Người Mông, người Dao, người Thái, người Tày... lũ lượt kéo lên “rừng Đại tướng” .
Đến đó, chỉ là để nhìn hầm Đại tướng, đưa bàn tay chạm nhẹ lên bàn làm việc nơi Đại tướng đã ngồi...
Người dân mang hoa đặt tại bàn làm việc của Đại tướng trong hầm Mường Phăng |
Họ tin rằng: biết đâu nỗi đau mất mát sẽ được xoa dịu phần nào. Không hương, không hoa, không ảnh, không hình, không tiễn đưa hay lời từ biệt...
Nhưng trong trái tim họ vẫn giữ nguyên hình ảnh Đại tướng cho riêng mình, và nỗi đau lặng câm không thể bật thành lời.
Tất thảy dòng người đi trong lặng thinh, và dường như cả rừng cây Đại tướng cũng buồn mênh mông. Cây bưởi Đoan Hùng trước cửa hầm Đại tướng buồn bã, không hề lay chiếc lá.
Rừng không một tiếng lá rơi, con sâu như quên không kêu, con chim như quên không hót. Chỉ có dòng Pá Hốc Khiều rầm rì ngày đêm đi tìm người tri kỷ.
Đoàn người dừng lại trước Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Cháu bé Lò Thị Thanh, chừng 10 tuổi dân tộc Thái hô to một tiếng: Hầm “Ải pú tạp xấc” (ông nội đánh giặc).
Ông Lò Văn Hoàng, tổ trưởng tổ quản lý và bảo vệ di tích Mường Phăng cùng các cháu nhỏ giới thiệu bảng dẫn Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
|
Căn hầm Đại tướng |
Người dẫn đoàn - anh Lò Văn Hoàng, tổ trưởng tổ Quản lý bảo vệ di tích Mường Phăng giới thiệu: “Đây là nơi làm việc của Đại tướng và hầm chỉ huy quân sự phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, mọi người hãy lên xem”.
Một người phá hàng bước lên phía trước, tay chạm lên tấm biển, nước mắt ông ầng ậc. Rồi ông tiến lại gần chiếc bàn nơi Đại tướng đã ngồi làm việc, đưa tay chạm nhẹ.
Đoàn người lặng lẽ cúi đầu, một người phía cuối hàng òa lên khóc, phá tan khoảng lặng mênh mông.
Một người khóc. Hai người khóc. Năm người khóc. Rồi cả đoàn người cùng khóc...
Người bước ra khỏi hàng ban nãy rưng rưng: “Bố tôi là người lính gác vòng ngoài cho Đại tướng, năm 1954. Giờ ông đã mất, biết bao lần tôi đưa ông lên hầm Đại tướng, nhưng chưa lần nào tôi có cảm giác nặng nề như thế này. Nghe Đại tướng mất, mẹ tôi năm nay ngoài 90 cũng khóc. Cụ bắt tôi cõng cụ lên hầm...”.
Người vừa dứt lời là ông Lò Văn Biên, con trai của cụ Lò Văn Bóng - người đã từng làm việc cho Đại tướng.
Ông Lò Văn Biên, Bí thư xã Mường Phăng con trai cụ Lò Văn Bóng người lính gác vòng ngoài cho Đại tướng tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (người cầm hoa) |
Trước khi Đại tướng 'về bên Bác Hồ', người Mường Phăng tin rằng: Đại tướng sẽ về tạm biệt (không ai muốn dùng từ vĩnh biệt, vì họ tin Đại tướng vẫn luôn 'ở đây') Mường Phăng và mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, nơi tuổi trẻ, sức khỏe và sự mưu trí của Người đã làm nên chiến thắng huyền thoại năm nào.
Và trong khi hàng ngàn người ở Thủ đô đang xếp hàng từng ngày vào viếng Đại tướng, ở Mường Phăng, tiếng gió đại ngàn trong cánh rừng Đại tướng vẫn vi vu, như kể mãi muôn đời bài ca về một người con ưu tú của dân tộc. Con người đã sống, chiến đấu, cống hiến trọn đời mình, làm nên hình hài mảnh đất Điện Biên Phủ hôm nay.
Đâu đó, bên Sở chỉ huy chiến dịch mang đầy dấu ấn của Đại tướng, có người thầm khấn "Đại tướng ơi, xin yên nghỉ! Người Điện Biên luôn gọi mãi tên người...".
Trần Hương