Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, trong một lần ông đến chúc tết, Đại tướng đã ghé vào tai ông nói nhỏ: “Có người nói tôi sẽ sống 103 tuổi. Đồng chí hãy nghiệm xem có đúng không nhé”.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tướng - Viện sĩ - Tiến sĩ khoa học quân sự Nguyễn Huy Hiệu nghẹn ngào: “Cho đến lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi vẫn để lại trong tôi nỗi đau rất lớn. Vẫn biết rằng đời người ai rồi cũng phải kinh qua quy luật sinh - lão - bệnh - tử, nhưng khi nghe tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng xúc động và nhớ thương khôn xiết.

{keywords}

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi vẫn nhớ rõ khoảnh khắc nhận được điện thoại báo tin buồn về sự ra đi của anh Văn. Khi đó, tôi đang ở quê và phải mất nhiều phút sau mới có thể trấn tĩnh. Suốt đêm hôm đó tôi không thể chợp mắt. Bao nhiêu ký ức, kỷ niệm ùa về, xếp lớp dày đặc trong tâm tưởng. Hình ảnh vị đại tướng tài ba, đức độ, thương cán bộ chiến sĩ như người thân trong gia đình làm tôi ứa nước mắt. Trong tâm khảm của tôi, hình ảnh anh Văn giơ cao nắm tay trong chiến dịch Điện Biên Phủ tựa như lời thề sắt son trước Tổ quốc, đồng bào”.

Là người lính trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, từng có nhiều cơ hội được tiếp xúc với Đại tướng, trong ký ức của Thượng tướng Hiệu, "anh Văn" là người đôn hậu, dễ gần và luôn quan tâm đến đời sống anh em chiến sĩ.

Một kỷ niệm xúc động nhất mà mãi bây giờ vẫn ám ảnh ông là dịp năm 2008, khi ông Hiệu dẫn đoàn đại biểu và nhiều nhà khoa học Nga vào chúc tết Đại tướng. “Khi ấy tôi vẫn giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban phối hợp Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga. Tôi thay mặt đoàn báo cáo tình hình của Trung tâm và chúc thọ Đại tướng.

Khi tôi nói “Chúc Đại tướng sống trên trăm tuổi”. Đại tướng liền cười lớn, bắt tay tôi và bất ngờ ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Có người nói tôi sẽ sống 103 tuổi. Đồng chí hãy nghiệm xem có đúng không nhé”. Và giây phút đó đã ám ảnh Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu rất lâu sau này.

“Sau hôm ấy, tôi đã nhiều lần kể với mọi người về lời nhắn nhủ mà tựa như tiên tri của Đại tướng. Và vào thời khắc đau thương này, nhiều người đã nhắc lại với tôi câu chuyện đó, không ngờ lời chia sẻ lại ứng nghiệm như vậy. Đại tướng đã nói trước cái tuổi ra đi của mình”, Thượng tướng Hiệu bùi ngùi.

Hình ảnh của Tướng Giáp cương trực, bản lĩnh trên chiến trường luôn là những hình ảnh đẹp trong ký ức của Thượng tướng Hiệu: “Năm 1975, khi tôi đang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, từ Tam Điệp hành quân thần tốc vào Đông Hà làm dự bị cho chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng; sau đó hành quân qua đèo Ăng-Bun trên đường Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài, đông Nam bộ chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì nhận được bức điện của Đại tướng qua đài 15 woat: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa.

Tranh thủ từng phút, từng giờ. Sốc tới miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng!”. Ông Hiệu cho biết, sau khi nghe xong mệnh lệnh của Đại tướng, các chiến sĩ như được tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến ra tiền tuyến.

Lúc đó là vào mùa khô hanh, thời tiết vô cùng khó chịu nhưng khí thế của người lính vẫn hừng hực cùng đoàn quân trùng trùng điệp điệp xông ra mặt trận. Với nghệ thuật thần tốc quyết thắng, đánh thẳng vào mục tiêu đầu não của địch từ hướng Lái Thiêu theo trục đường 13, Trung đoàn 27 của Thượng tướng Hiệu đã đập tan tuyến tử thủ bắc Sài Gòn, chiếm cầu Bình Phước, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân ngụy Gò Vấp và các mục tiêu khác, góp phần cùng quân dân giải phóng Sài Gòn.

Có thể nói, chiến thắng ấy ngoài sự đồng lòng, tinh thần chiến đấu quật cường của anh em chiến sĩ còn có công rất lớn của Đại tướng khi kịp thời chỉ đạo và sát sao anh em.

Kể cả sau này, khi đất nước đã thống nhất một dải, chiến tranh đã lùi xa, ông Hiệu vẫn thường xuyên đến thăm nhà Đại tướng. Trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, ông vẫn được người anh Cả của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nắm tay, chân tình dặn dò phải thường xuyên quan tâm đến đời sống của anh em cấp dưới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Ông xúc động: “Ngoài đời anh Văn tình cảm lắm, hiếm có một vị tướng nào lại sâu sát, quan tâm đối với anh em cấp dưới như thế…”.

Nén xúc động, ông bồi hồi nhớ lại: “Năm 1999, khi tôi là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, có một trận lụt “đại hồng thủy” ở miền Trung… Đường bộ bị lũ chia cắt. Đường hàng không gió lớn không đi được. Tôi tổ chức cùng với đại diện của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng đi trên con tàu Đại Lãnh vào Quảng Ngãi để cứu đồng bào.

Vì bão to gió lớn, con tàu bị trôi ra biển, mất liên lạc với đất liền nhiều giờ. Mãi sau này khi được cứu hộ vào bờ, tôi được các sĩ quan ở Cục Tác chiến thông báo: trong lúc chúng tôi bị bão cuốn ngoài biển, Đại tướng liên tục gọi điện vào Bộ Quốc phòng nắm tình hình, hỏi về con tàu chở đoàn chúng tôi.

Khi vào bờ thì nối liên lạc được với Đại tướng. Đại tướng đã rất lo lắng cho tôi và anh em. Tôi báo cáo với Đại tướng. Khi ấy Đại tướng mới yên tâm. Rồi Đại tướng biểu dương, động viên chúng tôi hãy mang hết khả năng cùng với lãnh đạo địa phương cứu giúp đồng bào giảm thiệt hại thấp nhất cả người và của. Tối hôm ấy tôi đã trả lời trực tiếp phóng viên chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại tướng theo dõi lắng nghe và tỏ ra rất hài lòng…”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một biểu tượng của sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam, một vị thống soái, tướng lĩnh tài ba. Ngay bản thân Thượng tướng Hiệu cũng học hỏi được nhiều điều từ nghệ thuật quân sự và tài chỉ huy thiên tài của Đại tướng: “Nhân Dịp tết Nguyên đán năm 2007.

Như thông lệ, năm nào tôi cũng dẫn đoàn trung tâm nhiệt đới Việt – Nga vào chúc tết. Đại tướng dặn nên đến vào ngày 29 để có thời gian trò chuyện. Khi tôi dẫn đoàn vào, Đại tướng đang mặc quần áo thường phục, bảo chúng tôi chờ để người mặc quân phục. Dù tiếp chúng tôi là cấp dưới Đại tướng cũng rất trang trọng và chính quy. Chúng tôi chúc tết Đại tướng xong thì người lấy một tấm bản đồ và một tờ giấy lớn đặt lên bàn. Đại tướng nói về ý định chiến lược trong chiến dịch năm 1972 ở Quảng Trị vì tôi từng chiến đấu nhiều năm ở đó.

Đại tướng tỏ ra rất thương tiếc hai vị chỉ huy chiến dịch này là tướng Tư lệnh Lê Trọng Tấn và tướng Chính ủy Lê Quang Đạo đều đã mất. Hẳn vì thế mà người muốn nói những điều thật cần thiết gì đó với tôi. Đúng thế.

Đại tướng nói những điều rất hệ trọng trong chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật cách đánh mang đến thắng lợi toàn chiến dịch. Đại tướng nói: “Đồng chí ở vị trí chiến lược của Bộ Quốc phòng cần phải biết rõ những vấn đề này để rút ra những bài học kinh nghiệm cho nghệ thuật quân sự Việt Nam…”. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng lại là những giây phút quý giá trong cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Hiệu.

Không chỉ được cả dân tộc ngưỡng mộ, kính trọng mà ngay cả những vị khách nước ngoài khi có dịp được tiếp xúc với Đại tướng cũng đều bày tỏ sự thán phục

 Thượng tướng nhớ lại: "Tháng 5 năm 2004 tôi được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phân công tháp tùng và cùng Đại tướng chủ trì khoa học về 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có 150 đoàn khách quốc tế tới dự. Đại tướng nói bằng tiếng Pháp và tiếng Nga. Các bài tham luận đều ca ngợi Đại tướng, ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam, ca ngợi nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là bài học cho Việt Nam mà cho cả nhân loại, nhất là các nước độc lập dân tộc đứng lên tự giải phóng giành độc lập dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Kết thúc hội nghị, các đoàn vây quanh Đại tướng để chụp ảnh lưu niệm và nhiều người hô vang: Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp”. Khoảnh khắc ấy đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt vì hạnh phúc...

(Theo Dân trí)