- Theo ông Nguyễn Thanh Chấn, trong quá trình lấy lời khai, các điều tra viên đã từng dùng búa, kiếm để dọa dẫm, ép ông Chấn phải nhận tội. Gần 4.000 ngày ngồi tù oan trái, ông vẫn nhớ rõ những điều tra viên đã ép cung mình.

Ký ức kinh hoàng gần 4.000 ngày oan trái

"Có lần, vào khoảng 12h đêm, tôi rút dây quần đùi ra, xoắn vào chiếc bàn chải đánh răng để siết cổ. Anh em trong tù phát hiện, ngăn cản kịp thời".


Theo như lời kể của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng như trong đơn thư kêu oan gửi Thanh tra Bộ Công an, ông Chấn đã khẳng định mình bị ép cung, ép nhận tội.

Các điều tra viên mà đến nay, ông Chấn vẫn không thể quên được, đó là: Nguyễn H.T., Trần N.L., Ngô Đ.D.

{keywords}
Ông Chấn vẫn còn nhớ như in những lần bị ép cung như thế nào

 

Theo như lời kể của ông Chấn, trong quá trình lấy lời khai, các điều tra viên này đã cầm dao, búa bắt ông Chấn nhận tội.

“Điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe doạ: “Mày có khai không, tao cho mày chết". Riêng điều tra viên D. đánh tôi, bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường” - ông Chấn khẳng định.

Từ trong tù, ông Chấn đã gửi đơn kêu oan đề gửi Thanh tra Bộ Công an. Trong đơn này, ông Chấn nói rõ: "Ngày 30-8-2003, tôi nhận được “giấy mời lần 1” về Công an huyện Việt Yên để gặp và làm việc. Cụ thể là lấy dấu chân và dấu vân tay của tôi, đồng thời hỏi tôi có biết gì về cái chết của cô Hoan (Nguyễn Thị Hoan - nạn nhân bị sát hại - PV) không? Tôi trả lời không biết gì cả.

Đến 20-9-2003, tôi lại nhận được giấy triệu tập lần 2. Tôi lên để gặp làm việc và tiếp tục lấy dấu vân tay, dấu chân nhiều lần. Tôi vẫn trả lời không biết gì về cái chết của cô Hoan cả.

Sáng hôm sau, tôi đến theo hẹn thì cán bộ Nguyễn H.T. lại lấy dấu chân, dấu tay của tôi nhiều lần rồi tra hỏi, đánh tôi rất đau.

Các cán bộ: Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L thay nhau túc trực tôi suốt ngày đêm này sang đêm khác không cho tôi về và không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc bắt tôi.

Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28-9-2003. Thế là đến chiều chuyển tôi về trại Kế - Bắc Giang”.

HÀNH TRÌNH KÊU OAN CỦA VỢ ÔNG CHẤN

Chuyện chưa kể đằng sau vụ 'tù oan 10 năm'

Ngay cả khi xóm làng dị nghị, bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965) vẫn một mực tin chồng và bền bỉ vượt mọi khó khăn để vừa nuôi 4 con khôn lớn vừa không ngừng kêu oan cho chồng.

 

Trong thời gian bị tạm giam ở Trại Kế, có đêm ông Chấn bị chuyển 3-4 buồng.

“Có lần vào buồng của phạm nhân Phạm Duy Hồng - thì có 1 mình phạm nhân ấy với tôi. Vừa vào đã bị đánh, dùng dép đánh vào 2 mang tai sau đó bắt hát. Bị bắt từ ngày 20 đến ngày 28 hầu như tôi không được ngủ, đầu óc quay cuồng, lâng lâng” - ông Chấn nấc lên rồi lại lấy tay ôm mặt.

“Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho 1 tù nhân giả làm cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo. Làm đi làm lại để cho đúng ý của họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim".

{keywords}
Đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn

 

Cũng theo ông Chấn, trong quá trình ở trại giam, kiểm sát viên Đặng T.V nói đã nhiều lần mang hồ sơ bắt ông phải ký.

“Tôi không ký ông ấy còn định đánh tôi” - ông Chấn cho hay.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, sau 10 năm, các điều tra viên trong vụ án này đã chuyển nhiều vị trí công tác.

Một số điều tra viên mà ông Nguyễn Thanh Chấn có nhắc tên trong đơn kêu oan hiện vẫn đảm nhiệm một số cương vị trong ngành công an ở tỉnh Bắc Giang.

Sẽ làm rõ việc xâm phạm tư pháp

Trước đó, như VietNamNet đã đưa, sáng 5/11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã có buổi họp báo, cung cấp các thông tin liên quan đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn.

Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 3 (Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự) VKSND TC cho hay, ngay từ năm 2004, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, Viện KSNDTC có nhận được đơn kêu oan của ông Chấn và đến năm 2005 đã cử cán bộ xác minh theo đúng quy trình.

Tuy nhiên, thời điểm sau đó, bản án phúc thẩm bị hủy để xem xét lại phần bồi thường dân sự của Nguyễn Thanh Chấn nên hồ sơ vụ án được chuyển lại cấp sơ thẩm.

Đến tháng 3/2005, có bản án về bồi thường dân sự.

Đến năm 2006, ông Chấn tiếp tục có đơn kêu oan từ trong trại và bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) có đơn gửi nhưng đơn lại không chuyển tới VKSND TC hay TANDTC– những nơi xem xét thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm mà gửi đến cơ quan khác.

Đó là lý do mà 10 năm, đơn của ông Chấn mới được giải quyết. Sau khi nhận được đơn, chỉ sau 1 tuần, cơ quan chức năng đã ra được các quyết định tố tụng.

Đối với vấn đề ép cung, bức cung, ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Điều tra VKSND TC cho hay, sẽ làm rõ có hay không việc xâm phạm tư pháp.

Cũng theo lời ông Khoa, CQĐT – VKSNDTC sẽ chuyển hồ sơ đến CQĐT, Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.

Ngày hôm nay (6/11), Tòa án nhân dân tối cao sẽ mở phiên tòa xét xử tái thẩm.

Tuyết Nhung

Hoàng Sang