- Sáng 10/11, hàng ngàn hộ dân các vùng ven biển Thanh Hóa đã khẩn trương gia cố nhà cửa, sơ tán những vật dụng cần thiết để đối phó với cơn bão số 14.
Theo nghi nhận của VietNamNet, đến 11 giờ trưa nay ở các vùng ven biển như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Sầm Sơn, Tĩnh Gia… trời vẫn hửng nắng, một số nơi chỉ mưa lác đác.
Tuy nhiên, người dân đã khẩn trương thu dọn tất cả đồ đạc cần thiết để sơ tán khi có lệnh.
Ông Vũ Văn Trung, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) cho biết, thấy hướng đi của bão phức tạp. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần di dời khi có lệnh.
“Mới cách đây mấy hôm nghe dự báo thời tiết bão sẽ đổ bộ vào khu vực đất liền nên người dân vùng biển chúng tôi có phần chủ quan. Nay tâm bão đổ thẳng vào ven biển, chúng tôi không thể chủ quan được nữa”, ông Trung cho biết.
Di dời hơn 10 nghìn hộ dân vùng biển
Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương sơ tán 10.023 hộ với 44.620 nhân khẩu thuộc 6 huyện thị ven biển.
Theo đó, 6 huyện, thị ven biển tổ chức sơ tán dân, cách mép nước 200m, phải xong trước 18h, ngày 10/11. Đảm bảo tuyệt đối tính mạng của nhân dân, ưu tiên sơ tán người già và trẻ em trước.
Vị trí sơ tán đến là các trường học, các công sở, các nhà cao tầng kiên cố và các địa điểm khác theo phương án đã được duyệt. Yêu cầu nhân dân khi sơ tán phải mang theo lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết đủ dùng trong 3 ngày.
Ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào địa bàn huyện Hậu Lộc vào đêm nay và rạng sáng mai với sức gió cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, 13 kèm theo mưa to, nước biển dâng cao 4 -6m.
Do vậy các xã ven biển gồm: Đa Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc và Hòa Lộc tập trung sơ tán triệt để các hộ dân trong phạm vi 200m tính từ mép nước. Kế hoạch di dân phải hoàn thành trước 17h30’ ngày 10/11.
Trước đó, ngày 9/11, tỉnh Thanh Hóa cũng đã công điện yêu cầu di dân tại 11 huyện miền núi trước 17h ngày 10/11.
Cũng trong sáng nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập thêm 5 đoàn công tác (trước đó là 13 đoàn) xuống các huyện ven biển chỉ đạo việc sơ tán dân.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến 6h ngày 10/11 toàn bộ 7.501 phương tiện nghề cá/24.733 lao động đang hoạt động trên biển đã về nơi tránh trú bão an toàn.
Hiện toàn tỉnh có 103 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, hiện tại không tích nước hoặc chỉ tích nước một phần. Vì vậy, yêu cầu các huyện rà soát hồ đập, bố trí lực lượng thường trực triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ chứa.
Những hồ đập chứa nước đã đầy, nhất là hồ lớn như Yên Mỹ, Cửa Đạt chủ động xả nước, có thể mở thêm cửa khi xảy ra mưa lớn bảo đảm dung tích đón lũ.
VietNamNet ghi lại một số hình ảnh người dân hối hả chống bão:
Lê Anh