HTML clipboard

– Ít người biết rằng, chuyện “bắt hụt” rùa Hồ Gươm hôm 8/3 không phải là lần duy nhất…


Hơn một lần “bắt hụt” rùa Hồ Gươm?

Sự kiện các sở, ngành của Hà Nội tiến hành vây bắt, lai dẫn công khai rùa hồ Gươm ngày 08/3/2011 và để rùa hồ Gươm thoát lưới vào phút chót không chỉ là lần duy nhất.

Một nguồn tin riêng của VietNamNet cho hay, ngay sau lần “bắt hụt” đó, việc bắt rùa hồ Gươm cũng đã được tiến hành và “suýt thành công”, nhưng vào buổi đêm.

Ngay sau khi vây bắt rùa hồ Gươm bất thành ngày 08/3, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp khẩn cấp để thống nhất phương án tiếp theo. Cũng trong cuộc họp này, lãnh đạo TP Hà Nội đã đưa ra phương án tiếp tục bắt dẫn rùa hồ Gươm, nhưng tiến hành vào ban đêm.

Bắt rùa thành công vào chiều 3/4
Nguồn tin này cho hay: thời điểm “suýt bắt được” rùa hồ Gươm khoảng 2h sáng. Nhưng cũng đến phút chót thì “cụ” bị đánh động và đã tút xuống lòng hồ.

Xác minh lại nguồn tin này, một nguồn tin khác cho VietNamNet biết: thời điểm lai dẫn cụ rùa hồ Gươm được tiến hành vào đêm ngày 21, sáng ngày 22/3 vừa qua. Tuy nhiên, hình thức này không phải là vây bắt cưỡng chế, mà là lai dắt tự nhiên.

Theo đó, việc tiến hành lai dẫn rùa hồ Gươm đêm ngày 21 rạng ngày 22/3 được tiến hành bằng hình thức dẫn dụ. Lực lượng chức năng đã tiến hành dùng thức ăn làm mồi nhử để “dụ” cụ rùa tự bò lên chân tháp.

Lần bắt hụt hôm 8/3
Thức ăn dẫn dụ gồm nhiều thứ: cá, và có cả thịt bò… được rải lên mặt hồ đến chân Tháp, để hở một lối lên.

Rùa hồ Gươm đã theo đường dẫn dụ bằng thức ăn này đã lên gần đến chân Tháp. Thế nhưng, khi rùa hồ Gươm chuẩn bị lên chân Tháp thì một chiếc thuyền từ đền Ngọc Sơn đã tiến ra chân Tháp. Sự việc này đã làm “động” và cụ rùa ngay sau đó đã tụt xuống lòng hồ. Lúc đó khoảng 2h sáng ngày 22/3.

Nếu như cụ rùa đêm hôm đó tự bò lên chân Tháp, cửa thép sẽ được đóng lại và không cần đến phương án lai dẫn cưỡng bức bằng lưới như hiện tại.

Cụ rùa đã có bao nhiêu nhà chữa trị?

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã hoàn thành bốn “nhà chữa trị” để phục vụ công tác lai dẫn, chữa trị rùa hồ Gươm.

Chiếc bể thông minh được “hạ thủy” đêm 03 rạng ngày 04/3 có kích thước đường kình 5m; trọng lượng 2,5 tấn; cao 0,6m là chiếc bể đầu tiên phục vụ công tác này.

Chiếc bể này được sử dụng vào mục đích “tắm rửa, vệ sinh, sát trùng” ban đầu cho rùa hồ Gươm, khi đã lai dẫn thành công để sau đó mới chữa trị.

Hạ thủy bể thông minh chữa trị cụ rùa
Một chiếc bể khổng lồ thứ hai hoàn thành vào ngày 29/3 sẽ là “khu điều dưỡng” cho rùa hồ Gươm sau khi trị thương. Vì chiếc bể này có kích thước quá lớn, các công nhân đã phải thao tác lắp ghép chiếc bể này, và hiện vẫn chưa được hạ thủy.

Một chiếc bể “tự nhiên” khác là khu vực hồ giáp chân Tháp theo hướng Hàng Khay có diện tích chừng hơn 100m2. Chiếc bể này được quây bằng cọc thép và lưới thép mắt cao, có phủ bạt xanh xung quanh, thông với đáy hồ. Nơi này sẽ là nơi rùa hồ Gươm “cư trú” trong chừng hai năm theo như “phác đồ chữa trị rùa hồ Gươm” đã được Ban chỉ đạo khẩn cấp thông qua đầu tháng 3.

Chiếc “bể” thứ tư là chiếc lồng sắt có gắn phao ở đáy. Chiếc “bể” này là phương tiện “bắt” rùa hồ Gươm từ khu vực lưới quây để đưa vào chân Tháp phục vụ công tác chữa trị. 

Tính từ mốc 15/2/2011 khi lần đầu tiên Hội thảo Quốc tế về bảo vệ, chữa trị rùa hồ Gươm được tổ chức do Sở KHCN Hà Nội chủ trì, gần hai tháng trôi qua, Hà Nội vẫn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chữa trị rùa hồ Gươm.

Khi VietNamNet tổ chức chuyên đề “Hiến kế cứu cụ rùa hồ Gươm”, hàng ngàn ý kiến góp ý đã được bạn đọc trong và ngoài nước gửi tới VietNamNet. Trong đó, một ý kiến khá khả thi của một chuyên gia thú y người Việt Nam hiện đang công tác tại Úc đã được VietNamNet đăng tải.

Theo bạn đọc này: việc lai dẫn cưỡng chế rùa hồ Gươm là việc không nên. Có chăng, nên quây lưới để thu hẹp phạm vi hoạt động của rùa hồ Gươm, sau đó mở một lối lên duy nhất thông với chân Tháp để rùa hồ Gươm tự bò lên.

Thời gian để “thuần dưỡng” và “làm quen” với rùa hồ Gươm trong môi trường mới này có thể kéo dài vài tháng đến một năm. Khi rùa đã quen với người và tự lên chân Tháp, việc chữa trị rùa hồ Gươm sẽ được tiến hành. Như thế sẽ tự nhiên hơn và hiệu quả hơn.

Kiên Trung