- Sau gần một ngày xét xử, chiều 17/12, khi phiên tòa phúc thẩm dân kiện chính quyền thu hồi cục đá sắp đến hồi kết thúc, chủ tọa phiên tòa bất ngờ “gợi mở” cho phía bị đơn: “Bị đơn có quyền xin tạm dừng phiên tòa để hai bên tự giải quyết”.
Chuyện lạ tịch thu cục đá
Ngày 17/12, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tịch thu cục đá của bà Trần Thị Sắc, trú tại xã Hbông, huyện Chư Sê, Gia Lai.
Đây là vụ án hành chính mà nguyên đơn là bà Sắc khiếu kiện UBND huyện Chư Sê vì bị xử phạt 2 triệu đồng việc vận chuyển cục đá không rõ nguồn gốc.
Tang vật của vụ án được trưng bày tại quảng trường |
Như thông tin VietNamNet đã đưa, ngày 14/3/2012, trong khi bà Sắc đào hồ lấy nước tưới cho vườn cây hồ tiêu được trồng trên thửa đất tại xã Hbông thì phát hiện một cục đá lớn.
Thấy cục đá có màu sắc đẹp, bà Sắc đã thuê xe kéo lên rồi đưa về nhà người quen ở cùng xã để đánh bóng nhằm mục đích chơi đá cảnh trong gia đình. Trong khi chưa kịp thuê người đánh bóng cục đá thì ngày 28/3/2012, Đoàn cán bộ liên ngành huyện Chư Sê đến lập biên bản tịch thu cục đá của bà Sắc và đưa về UBND huyện để chờ xử lý.
Sau khi tịch thu cục đá của bà Sắc, đoàn kiểm tra liên ngành huyện lập còn biên bản thu hồi 2 cục đá tại nhà ông Lê Hùng Dũng ở xã Hbông.
Ông Nguyễn Đình Viên xin tạm dừng phiên tòa để UBND huyện tự giải quyết bà Sắc |
Sau vụ lùm xùm về 3 cục đá, UBND tỉnh Gia Lai đã ra công văn chỉ đạo siết chặt công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Theo công văn chỉ đạo: đối với khoáng sản thường không rõ nguồn gốc thì vận động người dân giao nộp cho cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng phải chi trả các khoản chi phí vận chuyển, đào bới... cho người dân.
Mặc dù UBND tỉnh có chỉ đạo, nhưng UBND huyện Chư Chư Sê vẫn ra quyết định tịch thu cục đá của bà Sắc, đồng thời phạt hành chính 2 triều đồng vì vi phạm việc vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Không chấp nhận quyết định phạt hành chính của UBND huyện, ngày 8/6/2012, bà Sắc gửi đơn khiếu kiện UBND huyện ra tòa.
Ly kỳ phiên tòa phúc thẩm
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/08/2013, HĐXX TAND huyện Chư Sê đã bác đơn khởi kiện của bà Sắc và cho rằng UBND huyện Chư Sê ký quyết định xử phạt bà Trần Thị Sắc vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là hoàn toàn đúng. Bà Sắc tiếp tục kháng cáo lên tòa án tỉnh.
Diễn biến phiên tòa phúc thẩm ngày 17/12, đại diện VKSND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Cục đá là tang vật của vụ án thì phải nên giữ lại tại địa bàn. Việc đoàn liên ngành huyện tịch thu cục đá là trái với quy định của pháp luật, trái về mặt đạo lý...”
Cục đá tịch thu của bà Sắc từng bị nhốt trong lồng sắt. |
Chủ tọa phiên tòa cũng phân tích: Sau khi lấy mẫu đi kiểm định, cục đá của bà Sắc không phải là quý hiếm (đá bán quý) thì UBND huyện nên áp dụng theo chỉ đạo của UBND tỉnh là vận động bà Sắc giao nộp, đồng thời trả chi phí cho bà Sắc.
Ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê, người được ủy quyền bên bị đơn cho biết, UBND huyện cũng đã có buổi làm việc với bà Sắc theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng không có kết quả. Tuy nhiên buổi làm việc này không được ghi biên bản?
Chủ tọa phiên tòa cho rằng, việc bà Sắc khiếu kiện đòi UBND huyện trả lại cục đá là rất khó vì hiện nay, cục đá đang đặt tại quảng trường Đại Đoàn Kết, một địa điểm du lịch của tỉnh Gia Lai để cho nhiều người chiêm ngưỡng...
Sau gần một ngày xét xử, chiều 17/12, chủ tọa phiên tòa “gợi mở” cho phía bị đơn: Bị đơn có quyền xin tạm dừng phiên tòa để hai bên tự giải quyết. Nếu hai bên không tự giải quyết được thì tòa tiếp tục xét xử.
Sau một cuộc điện thoại cho lãnh đạo UBND huyện, ông Nguyễn Đình Viên xin tạm dừng phiên tòa để UBND huyện tự giải quyết với bên nguyên đơn trong vòng 15 ngày. Bà Sắc cũng đã chấp thuận yêu cầu của bị đơn.
Chủ tọa phiên tòa đồng ý với đề nghị của bị đơn và yều cầu phía bị đơn phải báo cáo kết quả vụ việc cho tòa án tỉnh trước ngày 3/1/2014.
Tiến Thành