7h30 sáng qua (4/4), tại khu vực Tháp Rùa - địa điểm được xác định là nơi chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm - Hội đồng chẩn trị chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm đã tiến hành những công việc đầu tiên trong nỗ lực chữa bệnh cho rùa.

Thông tin ban đầu cho thấy, cá thể rùa này có chiều dài mai là 117cm, rộng 83cm. So với hình ảnh mai rùa mốc trắng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cách đây một tháng, đến nay những vết này đã không còn.
 
Cá thể rùa lớn này vẫn còn đủ 3 móng mỗi bên chân chứ không phải mất móng như lời đồn đại. Kết quả sơ khám cho thấy, rùa bị loét mãn tính ngoài da ở hai chi trước và không có dấu hiệu bề ngoài của những bệnh do nhiễm trùng máu, virus gây nên.
 
Cụ rùa bệnh nhân - Ảnh: Hoàng Long
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã lấy mẫu bệnh phẩm và đưa về phòng thí nghiệm để tìm nguyên nhân gây nên những vết lở loét trên mai, hai chi trước của rùa.
 
Dự kiến, sau 5-7 ngày sẽ có kết quả và đây sẽ là căn cứ để xây dựng phác đồ điều trị, quyết định chủng loại thuốc.

Ngoài chiếc bể đường kính 5m dùng trong quá trình chữa bệnh, hôm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hạ thủy thêm chiếc bể chăm sóc có đường kính 15m. Bể này dùng để chăm sóc rùa sau khi chữa bệnh với môi trường nước sạch, không gian rộng và nguồn thức ăn nhiều hơn, bảo đảm môi trường sống cho rùa.

PGS Hà Đình Đức - người được giao trọng trách chính với tư cách là chuyên gia trong Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm cũng cho biết, qua kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết, Hội đồng chữa trị cho rùa Hồ Gươm đã đánh giá sức khỏe của cụ tốt hơn nhiều so với lo ngại ban đầu.

Cụ rùa khi chưa bị 'bắt' - Ảnh: Hoàng Long
Những vết thương trên cổ, mai là những vết thương hay nhìn thấy nhất khi cụ rùa nổi mà nhiều người cho rằng cụ bị vật sắc nhọn đâm vào thực ra là bị nấm. Nấm "ăn" sâu nhất ở những phần này trên người cụ. Hiện các bác sĩ thú y đã tiến hành bôi thuốc vào những vết thương này. Các thành viên trong Hội đồng chữa trị cũng đưa ra đánh giá, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, cụ rùa sẽ khỏi bệnh và được "xuất viện" sớm hơn dự kiến.

 
Về việc trước đây, mỗi lần cụ rùa nổi, trên mai có một vệt nham nhở, lốm đốm trắng nhưng khi Đội lai dắt "bắt" được cụ vào chiều 3-4, nhiều người không thấy những vệt trắng đó nữa, một thành viên Hội đồng chữa trị cho biết, vết thương này đã tự khỏi. Trong thời gian qua, việc nạo vét lòng hồ, bắt rùa tai đỏ, bổ cập nước sạch...khiến môi trường nước của Hồ Gươm đã được cải thiện đáng kể vì thế đã góp phần vào việc chữa lành vết thương của cụ rùa.

Trong khi đó, dư luận cũng đang rất "sốt" với nhiều ý kiến cho rằng có thể có 2 cụ rùa Hồ Gươm. Và cụ rùa hiện đang là "bệnh nhân" chỉ là cụ rùa ít bị thương hơn.