- Khi được nhân viên bảo vệ cho biết tàu đang tạm ngưng hoạt động, chưa biết ngày nào hoạt động trở lại, một số người tỏ ra ngạc nhiên.

Sau vụ việc tàu cánh ngầm của Công ty Cổ phần tàu cao tốc Vina cháy, chiều qua (21/1) UBND TP.HCM đã ban hành lệnh tạm đình chỉ hoạt động đối với tàu cao tốc cánh ngầm vận tải hành khách tuyến cố định từ TP.HCM đi Vũng Tàu từ ngày 22/1 để kiểm tra, rà soát các điều kiện về an toàn kỹ thuật.

{keywords}

{keywords} 

Tất cả phòng vé vắng lặng

 

Chấp hành lệnh cấm của UBND TP.HCM, ngay từ sáng nay (22/1) tại phòng vé của ba hãng Công ty Greenlines, Công ty tàu cao tốc Vina, Công ty TNHH Quang Hưng tại bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) đều dán bảng thông báo tạm ngưng hoạt động từ ngày 22/01/2014 và sẽ bán vé lại khi có thông báo mới.

Hiện trên địa bàn thành phố có 21 tàu cánh ngầm trong số có 10 tàu cánh ngầm đang hoạt động.

Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: theo tính toán, lệnh tạm đình chỉ tất cả tàu cánh ngầm trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu sẽ ảnh hưởng đến khoảng 12.000 hành khách. Những người này sẽ phải chuyển sang đi đường bộ.

"Chúng tôi đánh giá vận tải đường bộ hoàn toàn đủ sức để gánh thêm lượng hành khách này. Hơn nữa, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã khánh thành 20 km nên từ TP HCM đi Vũng Tàu cũng chỉ còn 1 giờ 40 phút, xấp xỉ với thời gian đi tàu cánh ngầm", ông Cang nói.

Ngay cùng thời điểm chúng tôi ghi nhận, có khá đông khách du lịch nước ngoài đến mua vé đi tàu.

Khi được nhân viên bảo vệ cho biết tàu đang tạm ngưng hoạt động, chưa biết ngày nào hoạt động trở lại, một số người tỏ ra ngạc nhiên. Số khác lo lắng không biết mình sẽ di chuyển xuống Vũng Tàu bằng cách nào.

Anh Vladimir Morozov người Nga chia sẻ: “Đoàn chúng tôi có 8 người, vì không thuê hướng dẫn viên du lịch nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi qua Việt Nam. Bây giờ không đi được bằng tàu thì phải bắt taxi xuống Vũng Tàu, sẽ mất thời gian hơn nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, nhân viên bán vé hãng Petro Express chia sẻ: “Nếu như mọi năm cùng thời điểm này phòng vé lúc nào cũng nhộn nhịp. Thường thì ngày nghỉ của người dân là ngày làm của chúng tôi. Trước mắt chúng tôi đã nhìn thấy thiệt hại, do đã bán vé trước cho khách hàng, giờ tàu không được chạy nên phải trả lại tiền cho khách. Sắp Tết, nhu cầu đi lại rất cao, ai nghĩ là phải dừng hoạt động như thế này…Sáng giờ phòng vé chỉ tiếp nhận hành khách đến để hoàn lại tiền”.

{keywords}

Rất nhiều du khách phải quay ra bắt taxi

Tại khu vực bến Bạch Đằng, có rất nhiều tài xế taxi của các hãng tập trung để mong tìm được “mối” đi Vũng Tàu.

Với nhiều khách du lịch nước ngoài, việc thay thế tàu cánh ngầm bằng taxi cũng là lựa chọn tốt nhất.

Anh Khoa (tài xế taxi) vui vẻ cho biết: “Tôi vừa trả khách ở Vũng Tàu xong là lập tức quay lại đây để đón khách. Hôm nay, anh em tài xế “bận rộn” hơn hẳn ngày thường. Đúng là xui của người khác, đôi khi lại là may mắn cho chúng tôi”.

Tàu cánh ngầm bị cháy từng được kiểm định trong 4 ngày liền

Được biết, Chi cục đăng kiểm số 6 chính là đơn vị chịu trách nhiệm đăng kiểm tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM – Vũng Tàu.

Ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục đăng kiểm số 6, Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 21 chiếc trong số đó có 10 chiếc tàu cánh ngầm đang hoạt động (thuộc sở hữu của Công ty Greenlines, Công ty tàu cao tốc Vina, Công ty TNHH Quang Hưng).

Các tàu cánh ngầm hoàn toàn nhập khẩu từ nước ngoài, niên hạn rất cao, thấp nhất là 19 năm, cao nhất là 25 năm. Do đó rất cần quy định về niên hạn sử dụng để đảm bảo an toàn, ngoài ra đơn vị chủ tàu cần tích cực duy tu, bảo dưỡng cũng như thống kê các sự cố liên quan đến tàu cánh ngầm, gửi về Chi cục đăng kiểm để có những phân tích và dự báo cảnh báo kịp thời.

Chi cục đã tiến hành đăng kiểm theo định kỳ, trung bình 1 năm 1 lần, riêng đối với tàu trên 20 tuổi kiểm tra 6 tháng/lần. Đối với tàu bị cháy trưa ngày 20/1, mang số hiệu Vina Express 01 (số đăng ký SG 3837) thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần tàu cao tốc Vina, Chi cục bắt đầu kiểm tra ngày 14/1, kết thúc ngày 17/1.

Sau khi kiểm định, công tác phòng chống cháy nổ, điều kiện môi trường, trang thiết bị của tàu….đều đạt yêu cầu.

“Sau khi cấp giấy tờ chứng nhận đạt kiểm định, chúng tôi không còn trách nhiệm nữa; còn việc kiểm tra trước khi xuất bến thuộc về trách nhiệm của Cảng vụ trong việc cấp phép rời bến” – ông Ninh nhận định.

Theo ông Ninh, sau khi sự cố xảy ra, Chi cục đã có giải trình lên Cục đăng kiểm Việt Nam và chờ Bộ GTVT thanh tra, kiểm tra.

Ông Ninh khẳng định: “Vì chưa xác định được nguyên nhân nên chưa thể nói trách nhiệm liên quan của công tác đăng kiểm. Là đơn vị từng kiểm định tàu bị cháy, khi xảy ra vụ việc, tâm lý chung là rất buồn. Trước đây từng xảy ra một vụ cháy tàu do trong quá trình giao nhận nhiên liệu, dầu xì ra gặp lúc máy đang nóng, lại không ai coi chừng nên dẫn đến cháy.”

Thạch Thảo