- Nói về công tác chống cúm gia cầm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự chủ động của các địa phương, không nhất thiết phải họp nhiều vì "họp nhiều rất khổ".
Sáng 23/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và phát động chiến dịch tiêm vắc xin sởi” tại điểm cầu Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại UBND tỉnh/thành phố trong cả nước dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
H7N9 là mối nguy cơ với Việt Nam
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 3/2013 đến nay đã ghi nhận 360 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), 67 trường hợp tử vong. Các ca mắc ghi nhận tại 14 tỉnh/thành phố của Trung Quốc (không kể Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia).
|
Hiện chưa có vắc xin phòng cúm A/H7N9 |
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong 2 tháng đầu năm 2014, số mắc cúm A/H7N9 ghi nhận tại Trung Quốc cao hơn số mắc 2013 với 208 người mắc, 20 ca tử vong. Các tỉnh có ca bệnh liền nhau, 60% số ca mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, tỷ lệ tử vong cao. Tất cả các độ tuổi đều có thể mắc bệnh.
“Nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. Từ trước đến nay Trung Quốc có dịch gì thì Việt Nam có dịch đấy”, ông Phu cho hay.
Các tỉnh biên giới tiếp giáp Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh … tỏ ra lo lắng với tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện có 14 chốt trực 24/24, nhưng do tuyến biên giới rộng trong đó có 8 cửa khẩu vì vậy việc kiểm soát gia cầm nhập lậu dù được triển khai nhưng vẫn còn những vụ nhỏ lẻ chưa phát hiện.
Còn tại Đồng Tháp – tỉnh đã có người tử vong vì ăn gia cầm và nhiễm cúm A/H5N1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái cho biết kiến thức và ý thức người dân chưa cao, thấy gia cầm chết nhưng vẫn tiếc nên mổ ăn rồi nhiễm bệnh.
TS. Takeshi Kasai - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhận định: Cho đến nay chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm tại Việt Nam nhưng dịch cúm gia cầm A/H7N9 là “mối nguy cơ với Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông cũng đánh giá đây là “một cơ hội để ngành Y tế Việt Nam thể hiện năng lực ứng phó”.
Địa phương phải chủ động phòng chống dịch
Trước tình hình này, ông Trần Đắc Phu đề nghị Thủ tướng cho thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Trong khi đó, lo ngại dịch bệnh có thể “lọt” qua các tỉnh biên giới để vào lãnh thổ Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị lập 5 đoàn kiểm tra trung ương, tập trung vào những tỉnh có biên giới đường bộ, đường không và đường sắt vốn có nhiều khả năng nhập gia cầm và nhiều người giao lưu, qua lại, còn các tỉnh có thể thành lập đoàn liên ngành địa phương để kiểm tra.
|
Người dân vẫn vô tư thịt và mua bán gia cầm không kiểm dịch tại các chợ dân sinh (Ảnh: C.Q) |
Trước những thông tin mà Bộ Y tế cùng các địa phương trình bày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hiện cúm A/H7N9 chưa vào Việt Nam nhưng cần tuyên truyền làm sao để nhân dân không được hoang mang, tuy nhiên cũng phải cảnh giác cao độ.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần cung cấp thông tin tuyên truyền, truyền thông một cách cụ thể, dễ hiểu và có trách nhiệm.
Ông đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm chủ động của các địa phương, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc phối hợp với nhau nhịp nhàng, kịp thời mới có hiệu quả, không nhất thiết phải họp nhiều vì họp nhiều cũng rất khổ.
Phó Thủ tướng cho rằng không thể tổ chức quá nhiều đoàn kiểm tra đi các nơi vì khi xuống địa phương không làm được.
Về việc lập Ban chỉ đạo Quốc gia như đề xuất của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Phó Thủ tướng nói hiện chúng ta đã có rất nhiều ban chỉ đạo (ví dụ Ban chỉ đạo dịch cúm trên gia cầm và trên người), việc lập hay không lập sẽ được xem xét song điều quan trọng nhất vẫn là phải có sự phối hợp tốt thì mới có hiệu quả.
Bộ Y tế đề xuất lập tổ tiêm chủng di động vắc xin sởi
Ngoài hình thức tiêm vắcxin tập trung tại xã, các địa phương, Bộ Y tế đề xuất lập tổ tiêm chủng di động vắc xin sởi nhất là ở những vùng núi, vùng sâu vùng xa. Nhờ cách này mà nước ta đã thành công trong việc thanh toán bệnh bại liệt.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên nhân năm nay dịch sởi bùng phát là theo chu kỳ 3-5 năm, kể cả nước tiêm chủng cao thì vẫn rải rác quay lại. Nguyên nhân thứ 2 là người dân không đi tiêm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành kế hoạch tiêm vắcxin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắcxin sởi. Mục tiêu đặt là ra đạt tỷ lệ tiêm sởi trên 95%. Thời gian tiêm từ tháng 2 đến tháng 4, cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ. Dự kiến sẽ tiêm cho khoảng 200.000 trẻ.
|
Cẩm Quyên