- Chiếc máy bay của Malaysia Airlines chở 239 người trên đường tới Bắc Kinh đã mất tích vào rạng sáng 8/3 tại khu vực cách mũi Cà Mau 230km. Sau 30 giờ, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về số phận chiếc máy bay này.

0h41 ngày 8/3 (giờ địa phương), chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 của hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines cất cánh rời Kuala Lumpur và dự kiến tới Bắc Kinh lúc 6h30 cùng ngày.

Chuyến bay này chở 239 người thuộc 14 quốc gia trên thế giới. Trong đó có 153 công dân Trung Quốc, 38 người Malaysia, 12 người Indonesia, 7 từ Úc, 3 Pháp, 4 Mỹ, 2 New Zealand, 2 Canada, 2 Ukraine, 1 người Nga, 1 Italia, 1 Đài Loan (TQ), 1 Hà Lan... cùng 12 nhân viên phi hành đoàn là người Malaysia.

Hãng hàng không quốc gia Malaysia là một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Á với lưu lượng khoảng 37.000 khách mỗi ngày đến 80 điểm trên toàn thế giới.

Cơ trưởng của chuyến bay là Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi. Ông làm việc cho hãng hàng không Malaysia từ năm 1981 và đã có trên 18.000 giờ bay.

2h40 ngày 8/3 (giờ Malaysia), chiếc máy bay đột nhiên mất liên lạc khi bay ở độ cao 10,7km, trước khi vào vùng kiểm soát không lưu của Việt Nam khoảng 1 phút (chưa vào không phận Việt Nam).

Khu vực máy bay mất tín hiệu lần cuối cùng được xác định cách mũi Cà Mau khoảng 230km về phía Tây Nam.

Sau khi nhận được thông tin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Malaysia để xác minh thông tin, triển khai lực lượng và phương tiện để tìm kiếm và cứu hộ.

{keywords}
Máy bay của Việt Nam đã phát hiện một vệt màu lạ dài 20km nghi là vệt dầu loang trên biển. Ảnh: Reuters

Các ngư dân Việt Nam gần khu vực cũng đã được yêu cầu báo cáo các dấu hiệu nghi ngờ của chiếc máy bay mất tích.

Để phục vụ công tác tìm kiếm, Trung Quốc cũng đã cử 2 tàu cứu hộ hàng hải; Philippines cử các tàu tuần tra biển và máy bay trinh sát; Malaysia đã điều 1 máy bay, 2 trực thăng và 4 tàu cứu hộ cứu nạn ra khơi.

Có 2 khả năng được các chuyên gia đưa ra, máy bay bị tai nạn hoặc bị khủng bố.

12h trưa (8/3, giờ VN), Malaysia, Singapore và Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam lên phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữ vùng FIR TP.HCM và khu vực máy bay mất tích.

Khu vực tìm kiếm được khoanh vùng trong bánh kính 100km2.

15h chiều 8/3, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã điều máy bay AN 26 thứ hai cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất để tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn.

{keywords}
Chiếc AN 26 tại sân bay Tân Sơn Nhất trước giờ cất cánh. Ảnh: Thanh niên

Với lợi thế bay được tầm thấp hơn, loại máy bay này phù hợp cho công tác tìm kiếm, từ đất liền ra.

16h24 ngày 8/3, máy bay của Việt Nam đã phát hiện một vết nghi là dầu loang tại vị trí 0755 N - 103852 EE, cách đảo Thổ Chu 150km và cách Cà Mau 190km.

16h50, Singapore và Malaysia tiếp tục cho 2 trực thăng hạ thấp xuống khu vực phát hiện vết dầu loang. Tuy nhiên, theo Trung tâm cứu nạn, đây là một vệt có màu lạ trên biển chưa xác định chính xác có phải là vết dầu loang hay không.

Trong chiều cùng ngày, 3 tàu cứu hộ của Việt Nam cũng đã được lệnh lên đường tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

17h05, một máy bay của Việt Nam phát hiện có một cụm khói bốc lên từ biển ở vị trí 0707"25 độ vĩ Bắc đến 123"20 độ Đông. Tuy nhiên do máy bay đang bay cao nên chưa thể hạ xuống để kiểm tra.

7h sáng 9/3, 2 chiếc máy bay cứu nạn AN26 của Việt Nam tiếp tục cất cánh từ Sân bay Tân Sơn Nhất cách nhau 30 phút.

Tuy nhiên, để tránh lấn vùng bay, Việt Nam sẽ không cử máy bay tiếp cận vùng nghi vấn có dầu loang mà sẽ do Singapore rà soát.

Ngoài ra, Việt Nam cũng huy động thêm 6 tàu cứu hộ cứu nạn khác sẵn sàng xuất phát khi xác định chính xác vị trí máy bay rơi.

Tính đến 7h sáng nay, tại khu vực máy bay mất tích đã có 13 máy bay, 29 tàu của các quốc gia tham gia tìm kiếm.

9h sáng 9/3, 2 máy bay trực thăng Mi 171 mang số hiệu 02, 04 của Trung đoàn phòng không không quân 917 (Sư đoàn không quân 370) đã hoàn tất việc tiếp nhiên liệu tại Sân bay Cà Mau và có thể nhận lệnh xuất phát cứu nạn bất cứ lúc nào.

Theo phân công, phía Việt Nam sẽ tìm kiếm lệch lên phía Bắc, gần hơn về phía đảo Thổ Chu.

Singapore dự kiến tìm kiếm trên khu vực rộng khoảng 10.000km2 lệch lên phía Bắc, xung quanh khu vực phát hiện nghi vệt dầu loang theo hướng về đảo Thổ Chu.

Còn Malaysia dự kiến mở rộng vùng tìm kiếm trên vùng biển rộng 40.000km2 lệch về phía Tây Nam.

>> THEO DÕI PHẦN TƯỜNG THUẬT NGÀY 8/3

>> THEO DÕI PHẦN TƯỜNG THUẬT NGÀY 9/3

Đ.Tâm