- Mới đây nhất, VKSND Tối cao đã có văn bản đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (Vụ 3, VKNSD Tối cao) xem xét lại “Kỳ án vườn mít”.

Ông Lê Minh Long, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa có văn bản gửi Vụ 3 đề nghị giải quyết theo thẩm quyền đối với đơn kêu oan của ông Lê Bá Triệu (xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) - bố của Lê Bá Mai trong “kỳ án vườn mít”.

Theo văn bản này, trước đó ông Lê Bá Triệu đã có đơn kêu cứu gửi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng để kêu oan cho con trai của mình là Lê Bá Mai.

{keywords}
Bị cáo Lê Bá Mai (Ảnh: VietNamNet)

Trong đơn kêu cứu, ông Triệu cho rằng Lê Bá Mai không phạm tội. Việc Mai nhận tội trước đây là do bị điều tra viên ép cung, dụ cung….

Vụ án đã trải qua 6 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, trong đó có lần tuyên tử hình, có lần tuyên chung thân, có lần tuyên không phạm tội. Trong lần xét xử gần nhất, ngày 30/8/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 66/2013 của TAND tỉnh Bình Phước, phạt Lê Bá Mai chung thân về tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”.

“Quá trình giải quyết nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì chuyển Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật”- văn bản nêu rõ.

Liên quan đến vụ việc này, mới đây nhất, ngày 9/3, ông Triệu đã lặn lội ra Hà Nội để gửi đơn thư lên VKSND Tối cao. Theo ông Triệu thì vụ án này có quá nhiều dấu hiệu bất thường trong hồ sơ vụ án không được giải quyết; hàng loạt các chuyên gia pháp lý đã lên tiếng phản đối bản án chung thân của Lê Bá Mai.

Trong đơn gửi tới VKSND Tối cao, ông Triệu cho biết, phiên tòa phúc thẩm xét xử Lê Bá Mai diễn ra ngày 30/8/2013 thì tới ngày 4/9/2013 ông đã có đơn kêu oan khẩn cấp gửi nhiều cơ quan, trong đó có Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

“Đến ngày 5/9/2013, con trai của tôi cũng có đơn kêu oan khẩn cấp. Nhưng hai lá đơn kêu oan của hai cha con tôi đến giờ vẫn chưa nhận được hồi âm nào. Thế mà vừa hôm 11/2, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao khi chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2014 của Viện phúc thẩm 3 tại TPHCM đã nói rằng Viện 3 đã có nhiều cố gắng và đã chấm dứt vụ án Lê Bá Mai. Việc này đã làm cho gia đình tôi rất bức xúc. Tại sao ông ấy lại nói vụ án đã kết thúc khi chính gia đình tôi và Lê Bá Mai vẫn đang kêu oan” -  ông Triệu nói.

Luật sư Nguyễn Việt Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Những chứng cứ trong hồ sơ vụ án không đủ sức nặng, căn cứ để kết tội Lê Bá Mai. Quá trình  tiếp cận hồ sơ vụ án, tôi thấy quá nhiều tình tiết trong đó mâu thuẫn; có nhiều dấu hiệu cho thấy Lê Bá Mai vô tội nên tôi đã giúp đỡ tư vấn pháp lý để kêu oan trong thời gian ở Hà Nội. Tôi đã nhiều đêm đọc lại toàn bộ hồ sơ vụ việc và thấy thật khó hiểu khi kết tội Lê Bá Mai.

Cũng liên quan đến vụ án gây nhiều tranh cãi này, mới đây, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: từ những năm 2005 bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI đã có thư gửi Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị xem xét về tính hợp pháp, xác thực và liên quan giữa những chứng cứ được nêu trong vụ án, sự mâu thuẫn giữa các lời khai và giữa các vật chứng thu thập được để buộc tội bị cáo Lê Bá Mai theo quy định của pháp luật hiện hành. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội tháng 11/2013 vừa qua, chính ông Hùng đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao về vụ án Lê Bá Mai có nhiều dấu hiệu oan sai.

“Chánh án đã nói sẽ rất thận trọng, khách quan trong việc xem xét lại vụ án này, với một tinh thần, trách nhiệm cao nhất”- ông Hùng nói.

Hoàng Sang