- Gần đây trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện. Trước tình trạng này, các bệnh viện có chuyên khoa nhi, sản vội vàng tăng cường rà soát, thắt chặt an ninh.
Khó kiểm soát vì nhiều cổng phụ
Đầu tiên là vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Quận 7, sau đó là vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương. Ngoài ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, một bé gái 6 tuổi lại bị bắt cóc khi đi khám bệnh cùng mẹ.
Vụ Lê Thị Bích Trâm bắt cóc trẻ em ở bệnh viện Q7 từng gây xôn xao dư luận. |
Rất may cả 3 trường hợp trên các em bé đều được cơ quan chức năng tìm thấy, chưa xảy ra điều gì đáng tiếc. Nhưng chừng ấy vụ việc cũng khiến các bệnh viện nhi, sản phải nhanh chóng rà soát, tăng cường lại an ninh tại đơn vị mình.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM cho biết, từ trước tới nay mặc dù bệnh viện chưa xảy ra trường hợp bắt cóc trẻ sơ sinh nào nhưng khi nghe chuyện không hay xảy ra ở các bệnh viện bạn, ban giám đốc cũng rất lo lắng.
“Thật sự chúng tôi rất ái ngại. Hàng ngày, BV Từ Dũ tiếp nhận từ 1.200 – 1.500 ca, cao điểm có thể lên tới 1.800 ca, trong đó, sản chiếm 55 - 60%. Mỗi ngày BV có 150 em bé chào đời và cũng chừng đó bé xuất viện.
Chỉ lo về chuyên môn thôi đã rất căng thẳng và quá tải, nhưng ngoài ra chúng tôi cũng phải đảm bảo về an toàn cho bà mẹ, em bé và thân nhân nữa”, bà Thủy chia sẻ.
Vì đặc thù chuyên khoa sản nên BV Từ Dũ đã áp dụng quy trình an ninh khá chặt chẽ.
Lường trước nhiều kẽ hở trong việc gom bé tắm tập trung, nên BV đã bỏ cách làm như vậy từ hơn chục năm nay. Hiện tại các em bé được tắm ngay trong phòng. Khi tắm bé, gia đình sản phụ sẽ được thông báo trước để chuẩn bị. Do đó, việc nhầm lẫn em bé trong lúc tắm không thể xảy ra.
BV Từ Dũ có 2 lực lượng bảo vệ. Lực lượng chính thức của bệnh viện có 32 nhân viên. Ngoài ra còn có 29 nhân viên bảo vệ do bệnh viện ký hợp đồng với công ty bên ngoài.
Khi em bé xuất viện, phải trình giấy tờ. Bảo vệ tại cổng sẽ ghi tên sản phụ, tên tài xế, số xe vào sổ lưu. Bên cạnh đó, giấy xuất viện cũng sẽ được bấm lỗ để tránh việc kẻ gian tái sử dụng.
Anh Vũ Thanh Long, Đội phó Đội bảo vệ cho biết, bệnh viện có 3 cổng phụ và triển khai cho xuất viện ở tất cả các cổng.
Sau vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra, đội bảo vệ đã đề xuất lãnh đạo bệnh viện cho đóng bớt cửa phụ đi ngang qua bãi xe. Đồng thời, lắp thêm camera tại các cổng phụ để tăng cường an ninh.
Chặn kịp thời nhiều vụ mua bán sơ sinh
Chưa xảy ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh nào nhưng BV Từ Dũ từng phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều màn mua bán trẻ sơ sinh.
Bệnh viện Từ Dũ tăng cường kiểm tra an ninh sau hàng loạt vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn. Ảnh: Thanh Huyền. |
“Một trường hợp thai phụ giao dịch mua bán ở bên ngoài rồi vào bệnh viện đẻ. Lúc nói tên để làm hồ sơ nhập viện chị ta khai tên người mình đã cho (bán) con để sau này trong giấy chứng sinh của em bé sẽ mang tên người mẹ khác.
Nhân viên của bệnh viện thấy nghi ngờ vì thai phụ chỉ khoảng 25 tuổi nhưng lại bảo mình 40, lúc hỏi tên và nghề nghiệp của chồng chị ta cứ ấp úng”, bà Thủy kể.
Sau một hồi được nhân viên bệnh viện làm công tác tâm lý, hỏi han, động viên người phụ nữ mới khai thật. Lúc này bệnh viện đã khuyên răn, lập biên bản sự việc, trả lại em bé về đúng cho mẹ.
Từ đó, dược sĩ Thủy nhắn nhủ: “Bệnh viện luôn cố gắng về vấn đề an ninh, liên tục cảnh báo qua loa mỗi ngày 4 lần, dặn dò sản phụ và gia đình không đưa em bé cho người lạ.
Nếu có nhân viên y tế mặc áo bệnh viện tới bế em bé đi chích ngừa thì luôn phải có một người nhà đi kèm để tránh kẻ gian giả mạo. Tuy vậy, một khi các đối tượng xấu đã cố ý thì dù an ninh bệnh viện chặt tới đâu cũng có kẽ hở.
Để đảm bảo an toàn cho con em mình, gia đình cần phối hợp với bệnh viện, luôn nâng cao cảnh giác.”
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho hay, để đảm bảo an ninh trong bệnh viện phải có sự phối hợp nhiều mặt như trách nhiệm của bệnh viện, gia đình bệnh nhi và công an phường.
Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 có cổng cách biệt giữa khu nội trú và ngoại trú. Ở cổng này, bảo vệ canh 24/24. Mỗi lần bệnh nhi ra viện phải có giấy xuất viện, nếu đưa bệnh nhi ra làm xét nghiệm cũng phải có nhân viên đưa đi. Ngoài ra, những vị trí trọng yếu bệnh viện cũng đã gắn camera theo dõi.
“Lãnh đạo bệnh viện cũng luôn nhắc nhở người nhà nâng cao ý thức tự bảo vệ. Không chỉ thế, số điện thoại đường dây nóng cũng được dán khắp các khoa phòng để người dân có việc thì gọi phản ánh”, bác sĩ Hùng nói.
Sau vụ bị mất trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương đã ra sức lấp đầy lỗ hổng về an ninh. Các camera được bố trí thêm ở những góc khuất, gia cố lại cổng rào. Những túi xách có chiều dài từ 30cm đều được thông báo để kiểm tra. Các em bé muốn xuất viện người nhà phải xuất trình giấy tờ cần thiết.
Thanh Huyền