Ông Trần Xuân Giá từng nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT ACB nhưng trên thực tế không có quyền chi phối nhiều đến hoạt động của ngân hàng này mà mọi hoạt động đều do bầu Kiên thao túng.
Hoãn phiên xử bầu Kiên và đồng phạm Chiều nay (16/4), HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử bầu Kiên và đồng phạm với lý do tình trạng sức khỏe của ông Trần Xuân Giá, không thể đến tòa. |
Ngày 16/4, ông Trần Xuân Giá không có mặt tại phiên tòa xử bầu Kiên và đồng phạm vì lý do sức khỏe nên HĐXX đã ra quyết định tạm hoãn phiên tòa.
Việc ông Giá vướng vào vòng lao lý khiến nhiều người tiếc nuối, ngỡ ngàng. Bởi không ai nghĩ một người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Luật Doanh nghiệp, từng tham gia giúp việc cho Thủ tướng... mà cuối đời lại mắc sai lầm.
Ông Trần Xuân Giá. Ảnh: Petrotimes |
Ông Giá cùng với 5 người khác bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng" khi đồng ý chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào 26 ngân hàng, thu lãi trên 4.000 tỷ đồng.
Ông Giá từng giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, nhưng trong lời khai của mình với cơ quan điều tra, ông Giá đã nói khá chi tiết về vai trò của mình cũng như sự thao túng của bầu Kiên tại nhà băng này.
Cụ thể, ông Giá khai, từ năm 2008, mặc dù Nguyễn Đức Kiên không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng do là cổ đông lớn, nên vẫn là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của ngân hàng này trong thời gian dài.
Cũng từ 2008, ông Trần Xuân Giá được bầu làm Chủ tịch HĐQT ACB nhiệm kỳ 2008- 2012 nhưng ông không phải là người có cổ phần lớn. Ông tham gia với tư cách thành viên HĐQT độc lập.
Do đó, tiếng là Chủ tịch HĐQT, nhưng ông Trần Xuân Giá không có quyền định đoạt mọi việc mà Nguyễn Đức Kiên mới là người có ảnh hưởng, chỉ đạo mọi hoạt động của ACB.
Ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB có họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền và USD của ngân hàng gửi vào các tổ chức tín dụng khác để lấy lãi.
Tại cuộc họp này có một số ý kiến, trong đó có ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy động của dân, vì ở thời điểm đó Ngân hàng ACB đã huy động được nhiều tiền của dân nhưng không cho vay được mà lại phải trả lãi.
Tuy nhiên Nguyễn Đức Kiên không đồng ý với phương án này mà tuyên bố: “Làm gì thì làm nhưng không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB”.
Sau đó, Lý Xuân Hải (Tổng Giám đốc ACB) đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền và USD vào các tổ chức tín dụng. Đề xuất này được Nguyễn Đức Kiên đồng tình.
Thường trực HĐQT khi đó là ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ và Lý Xuân Hải cũng nhất trí ký biên bản thông qua, giao cho Lý Xuân Hải tổ chức thực hiện.
Theo Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011) thì đây là việc làm trái quy định.
Nói về việc mình không có mặt tại phiên tòa, trao đổi với Một thế giới, ông Giá khẳng định mình không cáo ốm để trốn tránh. Ông khẳng định khi đủ sức khỏe sẽ có mặt tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ông Giá cho rằng những cáo buộc của VKS là không có cơ sở. Vì thời điểm ký biên bản họp là 22/3/2010, nhưng Luật các tổ chức tín dụng trong đó có Điều 106 đến tận 16/6/2010 mới được Quốc Hội thông qua và đến 1/1/2011 mới có hiệu lực.
“Chính cơ quan điều tra Bộ Công an cũng khẳng định việc ủy thác trước ngày 1/1/2011 Luật tổ chức tín dụng không cấm. Tóm lại, tập thể Thường trực HĐQT ACB trong đó có tôi ký vào biên bản ra nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết trong năm 2010 hoàn toàn không vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng”, ông Giá nhấn mạnh trên Một thế giới.
Đ.Tâm (tổng hợp)