Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị giải đáp nhiều vấn đề nóng cử tri nêu ra, trong đó có sự việc Tòa Hà Nội hoãn xét xử hai vụ án bầu Kiên và TMV Cát Tường.

{keywords}
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị trao đổi với cử tri quận Hai Bà Trưng Hà Nội chiều 22/4

Dừng rồi sẽ tiếp tục

Chiều 22/4, tại buổi tiếp xúc với trưởng đoàn ĐBQH – Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị và các ĐBQH đoàn Hà Nội, nhiều cử tri quận Hai Bà Trưng đề cập đến một số vụ việc nóng xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua, đó là vụ việc gây chết người rồi vứt xác phi tang ở TMV Cát Tường, rồi vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) vừa được đưa ra xét xử.

Bí thư Hà Nội cho rằng, việc dừng xét xử hai vụ án trên là hoàn toàn hợp lý. Bởi theo ông hồ sơ chưa được xem kỹ, cáo trạng còn chung chung, đặc biệt là quy trình khám chữa bệnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc xét xử vụ án ở TMV Cát Tường phải toát lên được mấu chốt vấn đề là mặc dù cấm không được làm, nhưng anh vẫn cứ làm, rồi gây chết người. Đã vậy khi gây ra chết người lại còn đi ném xác phi tang.

Như vậy “việc dừng xét xử là hết sức cần thiết” – Bí thư Hà Nội nêu quan điểm với đông đảo cử tri.

Tương tự đối với vụ xét xử bầu Kiên, có thể khi nhận được giấy triệu tập, nguyên Chủ tịch ACB Trần Xuân Giá bệnh càng thêm nặng, phải điều trị nên vắng mặt tại tòa.

Trước thực tế đó, tòa phải cho dừng phiên xét xử. Nhưng Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, tòa rồi sẽ lại tiếp tục xét xử chứ không phải dừng hẳn.

“Cuộc đấu tranh giữa cái văn minh và luộm thuộm”


Hà Nội năm 2014 được xác định là năm trật tự và văn minh đô thị. Tại buổi tiếp xúc cử tri này, nhiều ý kiến đã phản ánh lên đoàn ĐBQH cũng như lãnh đạo TP Hà Nội xoay quanh vấn đề trật tự và văn minh đô thị.

Giải đáp những băn khoăn của cử tri liên quan đến việc quản lý lòng đường, vỉa hè, Bí thư Hà Nội cho biết, không biết bao nhiêu lần họp hành, hội thảo đã đề cập đến vấn đề này. 

Đầu tiên lòng đường, vỉa hè được giao cho cấp thành phố quản lý. Giờ lại giao cho quận, phường, nhưng cũng rất phức tạp chứ không hề đơn giản. Rồi xuất hiện tình trạng người kinh doanh buôn bán, và nhiều dịch vụ mở ra dưới lòng đường, vỉa hè.

Để giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, Hà Nội đã có chủ trương cấm bán hàng rong ở vỉa hè trên một số tuyến phố chính. Nhưng Bí thư Hà Nội nói, đã có biết bao nhiêu ý kiến không đồng tình phản đối chủ trương này.

Tất cả cũng xoay quanh chuyện “miếng cơm, manh áo” của người lao động. Thậm chí còn có ý kiến nói đó là “văn hóa vỉa hè”. Ngô luộc, khoai nướng, bia hơi vỉa hè mới ngon. Thiếu món ăn vỉa hè sẽ không còn “phong cách Hà Nội”.

“Đây là cuộc đấu tranh giữa cái văn minh và cái luộm thuộm ở thủ đô. Chúng tôi sẽ vừa lắng nghe, vừa làm từng bước chứ không một chiều. Nhưng tinh thần là phải làm theo hướng ngày càng tiến bộ lên chứ không thể buông xuôi” – ông Nghị nói.

Tình trạng chợ cóc, chợ tạm ở thủ đô cũng là một vấn đề nan giải. Vấn đề đặt ra, theo Bí thư là phải làm sao xử lý cho văn minh, phù hợp. Hà Nội đã xây dựng nhiều khu chợ trong các tòa nhà cao ốc, bên trên là siêu thị kết hợp chợ truyền thống.

Nhưng khi làm xong nhiều người lại thấy bán vỉa hè được, lại tiện lợi mà không phải chịu thuế, cũng có thể người mua muốn dựng xe ở vỉa hè mua cho tiện…nên nhiều người mời cũng không vào.

Một giải pháp có thể chấp nhận được, mà theo Bí thư Phạm Quang Nghị là chợ cóc có thể hoạt động từ 5h – 6h30 rồi kết thúc, vì từ 7h người dân bắt đầu đi làm. Như vậy sẽ giải quyết được nhu cầu thực tế của nhân dân, lại không gây cản trở giao thông.

(Theo Tiền phong)