- Chiều 23/4, phiên tòa phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm được tiếp tục với phần luận tội các bị cáo của Viện kiểm sát và phần tranh tụng. Sáng cùng ngày, các luật sư đã tiến hành thẩm vấn bị cáo xung quanh khoản tiền “bôi trơn” 1,66 triệu USD trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M.

XEM DIỄN BIẾN PHIÊN TÒA SÁNG 23/4:

Phúc thẩm Vinalines: Truy hỏi về vali tiền tỷ

Bị các luật sư dồn hỏi, có lúc nguyên Tổng giám đốc Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines đã phải thốt lên rằng: “Tôi không nhớ được. Khổ quá !”.

14h: HĐXX bắt đầu phiên làm việc buổi chiều. Chủ tọa phiên tòa công bố kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát kết luận vụ án.

VKS cho rằng: Đủ cơ sở xác định Tổng Công ty hàng hải VN, Dương Chí Dũng và đồng phạm đã Cố ý làm trái trong việc mua ụ nổi, gây thiệt hại 367 tỷ đồng.

Trong đó, 4 bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều đã tham ô 1,666 triệu USD.

Theo VKS, Mai Văn Phúc đã ký tờ trình phê duyệt dự án, Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt xây dựng Nhà máy sửa chữa biển phía Nam.

Các bị cáo đã làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình phê duyệt mua ụ nổi đã không đúng quy định của Nhà nước. Ụ nổi được xác định là tàu biển, việc sử dụng vốn của Nhà nước mua ụ nổi phải đảm bảo chào hàng cạnh tranh và được đăng kiểm chấp nhận, có quyết định mua bán tàu biển của cấp có thẩm quyền.

{keywords}
Phiên xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm chiều 23/4. (Ảnh: Nam Phong)

Nhưng Vinalines đã không làm những điều trên, vi phạm luật đấu thầu và chào hàng cạnh tranh.

Trong việc khảo sát mua ụ nổi, các thành viên trong đoàn khảo sát đều biết chủ sở hữu là Công ty của Nga, Công ty AP chỉ là nhà môi giới. Hơn nữa ụ nổi đã ngừng phân cấp, nhưng Sơn thông báo cho thành viên trong đoàn việc Dũng chỉ đạo phải mua bằng được ụ nổi qua Công ty AP.

Sơn đã lập báo cáo không đúng với tình trạng của ụ nổi.

Hành vi làm trái trong việc giải ngân mua ụ nổi: Kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan biết Công ty AP không cung cấp đầy đủ giấy tờ như hợp đồng, nhưng Loan đã ký ủy nhiệm chi, Phúc ký chỉ dẫn thanh toán, giải ngân khoản ký quỹ cho Công ty AP.

Khi phát hiện sai phạm, Loan đã không báo cáo. Như vậy là vi phạm Luật kế toán.

Qua kiểm tra thực tế, biết ụ nổi đã quá tuổi nhưng các cán bộ hải quan vẫn làm thủ tục hải quan để nhập khẩu ụ 83M. Việc này đã tạo điều kiện cho Dũng, Phúc nhập khẩu ụ nổi, gây thiệt hại tiền nhà nước.

Theo VKS, dù không bàn bạc với nhau nhưng Dũng và Phúc đã tiếp nhận ý chí của nhau trong việc làm trái.

VKS cho rằng bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kháng cáo kêu oan của các bị cáo là không được chấp nhận.

Hành vi của Dũng, Phúc cùng đồng phạm là mua bằng được ụ 83 M bằng mọi giá. Sau đó thông qua Công ty Phú Hà nhận số tiền “lại quả”.

Cả Dũng, Phúc đều công nhận chỉ hai người này mới có quyền quyết định mua hay không mua ụ nổi quá tuổi này.

Phải có sự thỏa thuận của Dũng và Phúc với ông Goh mới có số tiền 1,666 triệu USD. Sơn không thể nhận và chiếm hưởng một mình số tiền 1,666 triệu USD.

Lời khai của Trần Hải Sơn về việc mua bán ụ nổi: Ông Goh thông báo với Sơn về việc ông Dũng thống nhất để Sơn nhận số tiền “lại quả”.

Sơn đã nhờ tài khoản của Cty Phú Hà để nhận số tiền 1,666 triệu USD từ Cty AP.

VKS cho rằng, số tiền này Sơn đã đưa cho Dũng, Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, còn lại chia cho người khác và giữ lại.

Theo VKS, lời khai của Sơn phù hợp với lời khai của các nhân chứng khác, phù hợp với các chứng từ của ngân hàng...

Đồng thời Chiều cũng nhận đã nhận tiền “lại quả” do Sơn đưa cho.

Cấp sơ thẩm truy tố 4 bị cáo tội Tham ô là có căn cứ, đúng người đúng tội, không oan. Nên kháng cáo kêu oan của các bị cáo là không có cơ sở.

Theo VKS, bị cáo Dũng chịu 18 năm tù tội Cố ý làm trái là đúng quy định. Cần xem xét tăng mức bồi thường đối với bị cáo. Ghi nhận việc gia đình bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả.

Đối với bị cáo Phúc: Vai trò của bị cáo này thấp hơn nên mức bồi thường 100 tỷ đồng là phù hợp.

Kháng cáo giảm hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự của bị cáo Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn là không có cơ sở.

Đối với kháng cáo của bị cáo Khang: Bị xử phạt 7 năm tù, buộc bồi thường 12 tỷ đồng là phù hợp. Kháng cáo của bị cáo không có cơ sở, không chấp nhận.

VKS cho rằng bị cáo Lê Văn Dương bị cấp sơ thẩm xử phạt 7 năm tù là có cơ sở, xong buộc bồi thường 15 tỷ là cao. Đề nghị giảm một phần hình phạt và một phần bồi thường cho các bị cáo.

Bị cáo Lê Văn Lừng, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện bị cấp sơ thẩm tuyên 8 năm tù, buộc đền bù 9 tỷ đồng là quá nghiêm khắc. VKS đề nghị giảm hình phạt và tiền bồi thường cho các bị cáo.

Dương Chí Dũng được tâm sự với vợ ít phút

Chiều 23/4, khi phiên tòa chưa bắt đầu, ông Dương Chí Dũng có được ít phút tâm sự với vợ.

Theo VKS mức án tử hình cho tội Tham ô dành cho bị cáo Dũng mà tòa sơ thẩm đã tuyên là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật. Các bị cáo không nhận tội. Vậy nên không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Sơn thành khẩn khai nhận, gia đình bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, tuy nhiên theo VKS hình phạt cấp sơ thẩm dành cho bị cáo là nhẹ.

Trần Hữu Chiều: Chiều không tham gia bàn bạc, nhưng phạm tội tham ô với vai trò đồng phạm. Bị cáo ăn năn hối cải, đã nộp tiền tham ô. Bị cáo bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù là đúng tội.

Đối với kháng cáo “đòi” nhà: Căn nhà đứng tên chị Thảo do Dũng mua cho chị Thảo, chị này khai có góp 600 triệu đồng, Dũng cũng đã thừa nhận.

Căn nhà còn lại chị Thảo cho biết, toàn bộ tiền mua nhà là của Dũng.

Căn nhà ở Nguyên Hồng của vợ chồng Dũng, chưa sang tên. Khi Dũng phạm tội, bị kê biên 3 căn nhà để đảm bảo thi hành án là đúng quy định.

Tuy nhiên án sơ thẩm chưa đề cập đến quyền lợi của người liên quan.

Xét kháng cáo về căn nhà mà Phúc bị kê kiên, án sơ thẩm kê biên là có cơ sở. Vì vậy kháng cáo của bà Vân không có cơ sở chấp nhận.

Từ những phân tích nêu trên, VKS đề nghị sửa án sơ thẩm. Giảm một phần hình phạt và khoản bồi thường cho các bị cáo nguyên cán bộ hải quan.

VKS đề nghị không chấp nhận các kháng cáo khác, đồng thời cần ghi nhận quyền lợi của những người có quyền lợi liên quan là chị Thảo và vợ ông Dũng.

Cần tăng mức bồi thường cho các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều.

14h45: Phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng.

Các luật sư của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng: cơ quan điều tra không cung cấp được chứng cứ gì cho thấy các bị cáo bàn bạc với nhau về khoản tiền 1,666 triệu USD. Hoàn toàn chỉ dựa vào lời khai đơn phương từ một phía bị cáo Sơn.

Ngoài ra, bị cáo Sơn và các nhân chứng có quan hệ ruột thịt. Trước tình huống người thân đang đứng trước bản án nghiêm khắc, có lẽ tâm lý bình thường là khai báo có lợi cho người thân của mình.

Những nhân chứng đã khai báo khi được tự do, họ hoàn toàn có thể trao đổi với nhau. Vậy nên việc sử dụng lời khai nhân chứng là phải thận trọng.

{keywords}
Các luật sư Trần Đại Thắng, Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển (từ trái sang) trong phần tranh tụng chiều 23/4. (Ảnh: Nam Phong)

Theo ông Thủy, để kết tội tham ô, cần làm rõ mối quan hệ giữa ông Dũng, Phúc, ông Goh. Ai là người đàm phán trong suốt quá trình diễn ra thương vụ 83M?

Luật sư Thủy đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.

Cùng bào chữa cho Dương Chí Dũng, luật sư Trần Đại Thắng cho rằng: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và chỉ nên truy cứu bị cáo Dũng tội Cố ý làm trái, bởi có sự mâu thuẫn về lời khai của bị cáo Sơn trong việc bị cáo này nói đã đưa 10 tỷ đồng cho Dương Chí Dũng.

Ông Thắng đồng tình với quan điểm hủy án sơ thẩm, điều tra lại vụ án.

Một luật sư khác bào chữa cho Dương Chí Dũng là ông Trần Đình Triển thể hiện quan điểm: Cả quá trình điều tra truy tố đã có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Các nước ASEAN đã có hiệp định hỗ trợ tư pháp nhưng cơ quan điều tra đã bỏ qua.

Ngay lời buộc tội của đại diện VKS hôm nay đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Chúng ta đã có hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước, trong đó có Nga và các nước ASEAN, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết quả tương trợ tư pháp, đặc biệt từ phía Nga”, lời ông Triển.

Luật sư Triển trình bầy thêm: “Tại phiên tòa hôm nay, đại diện VKS đề nghị nâng mức bồi thường của thân chủ tôi và một số bị cáo khác. Vậy VKS căn cứ vào đâu để đề nghị nâng mức hình phạt đối với thân chủ tôi trong khi VKS không có kháng nghị?”.

Luật sư Triển công bố bản lời khai của ông Goh mà ông và luật sư Thắng đang sang Singapore để thu thập.

Luật sư Triển cũng đề nghị hủy án sơ thẩm phần tham ô.

Bào chữa cho ông Mai Văn Phúc, luật sư Hoàng Hữu Được trình bầy: Ông Phúc đã viết rất nhiều đơn gửi tới nhiều nơi, trong đó ghi rõ ông phúc không hề tiếp xúc với ông Goh.

Nhưng trong các lời khai của Sơn đều cho rằng ông Phúc đã chỉ đạo những người trong đoàn làm sao mua bằng được ụ nổi và chia số tiền 1,666 triệu USD. Nhưng những gì mà luật sư Triển và Thắng thu thập được nêu rõ lời khai của ông Goh- chỉ gặp ông Phúc chừng 5 phút. Như vậy cần xem xét lại lời khai của ông Sơn.

{keywords}

Luật sư tranh tụng chiều 23/4. (Ảnh: T.Nhung)

Theo luật sư Được: Khi đánh giá chứng cứ, phải đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ. Lời khai của Sơn một chiều, phiến diện, đầy mâu thuẫn.

Đối với hành vi Cố ý làm trái mà ông Phúc bị cáo buộc, luật sư Được cho rằng: Ông Phúc chỉ thực hiện theo chỉ đạo của HĐQT. Việc quyết định mua ụ nổi đã được HĐQT phê duyệt.

Còn hành vi ông Phúc bị quy buộc chỉ đạo thanh toán 9 triệu USD, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện ngân hàng Citybank đã khẳng định, việc thanh toán này là đúng.

Luật sư Được cho rằng, lời khai của ông Sơn về việc đưa tiền cho thân chủ của ông không những mâu thuẫn với lời khai của ông Phúc mà còn mâu thuẫn với chính lời khai của ông Sơn.

Lời khai mâu thuẫn như vậy mà lại sử dụng để cáo buộc ông Phúc là không phù hợp”, lời ông Được.

Ông Được trình bầy: VKS cho rằng vai trò của ông Phúc thấp hơn của ông Dũng, nhưng lại chịu mức án như nhau là vô lý. Việc kháng cáo của bà Vân về tài sản kê biên bị VKS đề nghị bác cũng chưa thỏa đáng.

Theo luật sư Được: Có đủ cơ sở vững chắc để đề nghị hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc trình bầy bổ sung quan điểm bào chữa của luật sư Được: Tinh thần cải cách và yêu cầu cải cách tư pháp đã không được quán triệt. Quan điểm của VKS phát biểu không có bổ sung theo diễn biến phiên tòa phúc thẩm.

Với những hồ sơ chứng cứ mà luật sư Triển đã nêu cho rằng có những hồ sơ bị bỏ ngoài vụ án, nhưng VKS không nhắc đến, vẫn bác kháng cáo là chưa hợp lý.

Tất cả các tài liệu chứng cứ bổ sung mà các luật sư chúng tôi nộp tại tòa đã không được xem xét”, lời ông Thiệp.

Lời khai của ông Goh cho thấy, ông ta chỉ là người chuyển số tiền 1,666 triệu USD theo yêu cầu của  Công ty Global Success (GS). Vậy quan hệ của Vinalines với GS là như thế nào? Nội dung thương thảo như thế nào? Lời khai mới của ông Goh cho thấy quy kết của bản án sơ thẩm, đề nghị của VKS tại phiên phúc thẩm là sai đối tượng.

Dẫn đến oan sai. Có dấu hiệu bị cáo không thực hiện hành vi mà vẫn phải chịu tội. “Tôi thiết tha, trân trọng, mong HĐXX thận trọng, không để oan sai”, ông Thiệp nói.

Cũng theo luật sư Thiệp: Do sự chuẩn bị trước và không cập nhật nội dung diễn biến phiên tòa nên đại diện VKS đã không có thay đổi gì. Phiên tòa này, bị cáo Phúc đã nhận thức bị cáo không cố ý thực hiện việc sai. Theo nhận thức của bị cáo cố ý là không phải và mong được Tòa xem xét lại.

Đồng thời bị cáo đã cố gắng khắc phục hậu quả, vậy nhưng VKS không tính đến, không cập nhật điều chỉnh.

Luật sư Thiệp cho rằng: Đối với tội Cố ý làm trái, động cơ mục đích của bị cáo bị quy kết cho thấy, bị cáo có động cơ tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện Nghị quyết của HĐQT, mới về nhận chức 2 tháng, bị cáo không đủ thời gian, điều kiện cập nhật tất cả các nội dung. Vì vậy bị cáo đã tích cực thực hiện dự án, dẫn đến sai phạm.

Về tội Tham ô, án sơ thẩm xác định ông Phúc được hưởng 10 tỷ, Dũng 10 tỷ, còn lại là ông Sơn được hưởng. Vậy vấn đề mấu chốt, từ thỏa thuận nào đi đến việc chia tiền này. Phải xác định ai là người đàn phán với GS, để sau đó ông Goh lại chuyển tiền cho Cty Phú Hà.

Theo luật sư: Bản án sơ thẩm có xác định rằng, phải có thỏa thuận trước của Dũng và Phúc thì mới có số tiền 1,666 triệu USD. Về vấn đề này, cần xác định quan hệ giữa phía Nga và Vinalines.

Án sơ thẩm nêu ông Sơn không có quyền quyết việc mua ụ nổi nên không có chuyện ông Sơn thỏa thuận khoản tiền 1,666 triệu USD. Khẳng định ông Sơn không có quyền gì, nhưng sau khi nhận tiền, sau đó 8 tháng ông Sơn mới đưa cho các sếp là vô lý.

Rất mong HĐXX xem xét lời khai của ông Sơn có hợp logic không, có phù hợp với quan hệ trên dưới không? Nếu lời khai của Sơn là đúng, thì Dũng không chỉ đạo đưa tiền cho anh Chiều. Nhưng ông Sơn tự ý đưa tiền cho ông Chiều. Thể hiện quyền của ông Sơn thể hiện là chủ sở hữu số tiền này?”, luật sư Thiệp trình bầy.

Luật sư Thiệp cũng nhất trí đề nghị hủy bản án sơ thẩm điều tra lại.

17h30: Tòa nghỉ. Sáng mai tòa tiếp tục lúc 8h.

VietNamNet tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa trong các bản tin tiếp theo.

Các mức án trong phiên tòa sơ thẩm:
 

1. Dương Chí Dũng (SN 1957) – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: tử hình.
 
 2. Mai Văn Phúc (SN 1957) – nguyên TGĐ Vinalines: tử hình.
 
 3. Trần Hải Sơn (SN1960) – nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines: 22 năm tù.
 
 4. Trần Hữu Chiều (SN 1952) – nguyên Phó TGĐ Vinalines: 19 năm tù.
 
 5. Bùi Thị Bích Loan (SN 1963) – nguyên Kế toán trưởng Vinalines: 4 năm tù. 
 
 6. Mai Văn Khang (SN 1958) – nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam): 7 năm tù. 
 
 7. Lê Văn Dương (SN 1970) – Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6 – Cục Đăng kiểm Việt Nam: 7 năm tù.
 
 8. Huỳnh Hữu Đức (SN 1965) – nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù.
 
 9. Lê Ngọc Triện (SN 1964) – Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù.
 
 10.  Lê Văn Lừng (SN 1959) – cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù.

Tuyết Nhung - P.Thủy