- Tiệm vàng Hoàng Mai là cơ sở kinh doanh đồng thời cũng là nơi ở. Do vậy, hành vi liên kết cả việc khám xét nơi ở khi phát hiện sự vi phạm tại nơi kinh doanh là chưa đúng…

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công - Đoàn luật sư TP.HCM phân tích. 

Thứ nhất, với Quyết định số 2446 ban hành ngày 23/4/2014 của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh về việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trên là một quyết định "bất thường".

{keywords}
Chủ tiệm vàng Hoàng Mai thông báo ngừng kinh doanh vì khủng hoảng tinh thần sau vụ khám xét của công an Bình Thạnh

Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, quyết định khám xét ban hành theo hình thức đã có vi phạm pháp luật xảy ra nên thực hiện biện pháp “khám nơi cất giấy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, quyết định khám xét được ban hành vào ngày 23/4/2014 trong khi mãi đến 13h ngày 24/4/2014 mới “phát hiện ra một người đàn ông đến đổi 100 USD sang tiền Việt Nam". Như vậy, tại thời điểm quyết định khám xét trên được ban hành thì tiệm vàng Hoàng Mai chưa có vi phạm.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 123,129 Luật xử lý vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND quận chỉ có thẩm quyền khám xét nơi ở của người vi phạm, không có quyền khám xét địa điểm kinh doanh.

Do đặc thù của tiệm vàng Hoàng Mai là cơ sở kinh doanh đồng thời cũng là nơi ở. Do vậy, hành vi liên kết cả việc khám xét nơi ở khi phát hiện sự vi phạm tại nơi kinh doanh là chưa đúng.

Thứ ba, về việc niêm phong 559 lượng vàng, luật sư Công đánh giá việc làm trên của cơ quan công an là không đúng. Do vậy nên biện pháp niêm phong đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, việc tạm giữ 14.000 USD cũng không đúng

Căn cứ theo Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 “tạm giữ tang vật, phương tiện phạm pháp…” thì việc tạm giữ số ngoại tệ vi phạm là đúng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phát hiện vi phạm của tiệm vàng Hoàng Mai thu đổi 100USD nên chỉ được giới hạn xử lý hành chính trong số ngoại tệ là 100USD này mà thôi.

Việc công an thu giữ toàn bộ số ngoại tệ gồm cả USD và ngoại tệ khác là không sai nếu thời điểm đó số ngoại tệ này thuộc khu vực kinh doanh của tiệm vàng. 

Thế nhưng muốn xử lý được số ngoại tệ này phải có đủ căn cứ xác định tiệm vàng Hoàng Mai đã kinh doanh trái phép. Nếu không chứng minh được thì phải hoàn trả. Thời gian tạm giữ và ra quyết định cuối cùng tối đa là 60 ngày kể từ ngày tạm giữ thực tế.

Có quyền khởi kiện

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định việc làm trên của công an quận Bình Thạnh đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Thứ nhất, thời gian ban hành quyết định không phù hợp. Về thẩm quyền ban hành quyết định cũng chưa đúng bởi theo quy định Chủ tịch UBND quận chỉ có thẩm quyền khám xét nơi ở của người vi phạm, không có quyền khám xét địa điểm kinh doanh.

Ngoài ra, khi khám xét, tịch thu tang vật thì cơ quan chức năng chỉ được tịch thu tang vật liên quan đến hành vi vi phạm. 

Căn cứ vào thông tin báo chí phản ánh cho thấy tiệm vàng Hoàng Mai đã bị bắt quả tang việc mua bán trái phép 100 USD. Như vậy, công an chỉ được thu giữ tang vật là 100 USD, việc thu giữ toàn bộ số ngoại tệ còn lại là không đúng. Bởi hiện nay pháp luật cho phép người dân được cất giữ ngoại tệ, nữ trang, vàng.

Liên quan đến thông tin bà Nguyễn Thị Thanh Mai - chủ tiệm vàng Hoàng Mai đưa ra thông tin tiệm vàng sẽ tạm dừng kinh doanh, hiện tinh thần của bà đang bị suy sụp, luật sư Vũ Quang Đức cho biết bà Mai hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu công an quận Bình Thạnh xin lỗi.

Bởi lẽ, sự "quá tay" trong khi thực thi pháp luật của công an quận đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín cũng như danh dự của bà cũng như của tiệm vàng Hoàng Mai.

Mai Phượng (ghi)