– Trong khi dịch sởi đã có dấu hiệu chững lại rõ rệt thì dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp với 7 ca tử vong.
Bộ Y tế cho biết trong ngày 19/5 cả nước ghi nhận 31 ca mắc sởi. Trong những ngày trước đó, con số bệnh nhân mắc sởi cũng dao động trên 30 trường hợp. Số ca mắc sởi đã giảm rõ rệt so với thời kỳ cao điểm vào giữa tháng 4.
Số mắc sởi giảm nhưng số ca nặng vẫn còn nhiều (Ảnh: V.Đ.T) |
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết vào thời điểm giữa tháng 4/2014 số bệnh nhi mắc sởi nhập viện trung bình 30-40 ca song từ đầu tháng 5 tới nay, mỗi ngày BV tiếp nhận 10 - 15 ca. Tuy số ca mắc mới có xu hướng giảm nhưng số ca mắc sởi nặng lại tăng.
Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.633 trường hợp mắc sởi xác định trong số 22.146 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố với 140 trường hợp tử vong.
Cục Y tế dự phòng cho biết tính đến ngày 19/5/2014, tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt tỉ lệ 95,3%. Các tỉnh tiếp tục thực hiện tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi, 11 tỉnh, thành phố trọng điểm triển khai tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ từ 2 đến 10 tuổi.
7 ca tử vong vì sốt xuất huyết, tay chân miệng
Trong khi dịch sởi có dấu hiệu chững lại rõ rệt thì dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng lại đang diễn biến phức tạp với 7 ca tử vong (5 ca sốt xuất huyết, 2 ca tay chân miệng).
Bệnh tay chân miệng đã khiến 2 trẻ tử vong |
Với sốt xuất huyết, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 9.011 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh/thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh.
Số mắc tập trung tại khu vực miền Nam (83,8%) sau đó đến khu vực miền Trung (12,9%). Mặc dù số mắc cả nước giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên số mắc có tăng cục bộ tại một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 36,7%, TP. Hồ Chí Minh tăng 32,2%, Bình Dương tăng 28,8%, Bình Thuận tăng 5,7%, Đồng Nai 2,5%.
Trong các tháng tới do bước vào thời điểm mùa mưa cùng với thói quen tích lũy dụng cụ chứa nước, ý thức của cộng đồng trong việc chủ động diệt bọ gậy/lăng quăng ngay trong hộ gia đình chưa cao, mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh dẫn đến khó kiểm soát bệnh dịch.
Với tay chân miệng, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận 20.500 trường hợp mắc tại 62 tỉnh /thành phố, ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Số mắc bệnh tay chân miệng cao và tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam (chiếm 80,4%).
Bộ Y tế nhận định trong các tháng tới bước vào thời điểm mùa hè với thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh, thêm vào đó bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ dịch gia tăng trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
52% bệnh nhân tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh Đây là con số được GS.TS Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý Dự án phòng, chống tăng huyết áp đưa ra tại lễ phát động “Ngày phòng chống tăng huyết áp Thế giới”. Theo điều tra của Viện tim mạch, 52% người dân VN đã bị tăng huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh, Trong những người đã tăng huyết áp thì chỉ có 30% được điều trị bệnh. Trong số đã được điều trị bệnh tăng huyết áp thì có đến 64% chưa đạt được huyết áp mục tiêu. Theo GS Nguyễn Lân Việt, VN hiện có khoảng gần 11 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp. Căn bệnh này có thể gây ra 5 biến chứng đối với tim, mắt, não, thận, mạch máu lớn (phình tách động mạch chủ). Với tim, bệnh có thể gây ra các cơn đau thắt ngực, nặng hơn là nhồi máu cơ tim, nếu tăng huyết áp lâu ngày gây suy tim trái hoặc các rối loạn về nhịp tim. |
C.Quyên