- “Chẳng biết bằng cách nào mà Mai nhảy tót được lên “bờ tường” là tấm tôn dựng cao trên 2m, dày chưa đầy 2cm ngồi vắt vẻo khi lên cơn bệnh. Tấm tôn ấy nó mềm oặt chứ đâu có chắc chắn…” – chị Hạ, nhân viên nhà bếp kể.
Bài 2: Treo cổ tự vẫn dưới... gầm giường
Bài 3: Tự sự nhói lòng từ Vô Hối
LTS: Đông Kinh (huyện Đông Hưng, Thái Bình) là xã thuần nông như bao xã khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, vựa lúa quê hương Năm Tấn. Ở đây có địa danh Vô Hối – Trại Tâm thần kinh đầu tiên dành cho thương bệnh binh, người có công của tỉnh. Đây cũng là cơ sở được thành lập chỉ sau một năm Thông tư số 06 được Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Định ký ngày 18/3/1978 về một số chế độ đối với người bệnh tâm thần mãn tính nặng được nhận vào các khu điều trị tâm thần mãn tính dành cho các thương bệnh binh, người có công với xã hội. Với Thông tư 06 được ban hành, những thương bệnh binh, những đối tượng chính sách bị ảnh hưởng chất độc da cam do cha/mẹ mình tham gia chiến tranh để lại của quê lúa đã có cơ hội được chăm sóc tập trung, không phải lang thang màn trời chiếu đất, và góp phần làm nhẹ gánh nặng cho người thân, gia đình, hàng xóm… mỗi khi họ lên cơn, kích động. Những gì PV được chứng kiến, là những câu “chuyện cười” mà nước mắt ròng ròng, bởi hơn hết, đó là một cuộc sống bi kịch, không hạnh phúc, may mắn như những đồng đội khác, của một số người lính trở về quê hương sau thời quân ngũ |
Màn “làm xiếc” trên bờ tường tôn
Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Định - hai chị em ruột, đối tượng chất độc hóa học, bệnh nhân của Trại tâm thần Vô Hối rơi vào nhóm đối tượng… thích nói.
|
Nguyễn Thị Mai - bệnh nhân "làm xiếc" trên bờ tường tôn. |
Khi tôi có mặt ở trung tâm, Mai bám theo đằng đẵng, và liên tục kể câu chuyện tự hình dung của mình: Nhà báo ạ, em bị hóc xương cá từ năm em 8 tuổi, đau đớn lắm. Cái xương cá to tướng nằm ở trong cổ em, không tài nào lấy ra được, đau đớn lắm. Càng ngày, nó càng to hơn, chắc cổ họng em sắp bị nổ tung rồi anh ạ…
Thấy bác sỹ Duệ, Mai níu áo rất chặt, giọng cầu khẩn, van nài: Bác sỹ, mai bác mổ lấy hộ em cái xương cá ra nhé, em đau lắm…
Mai sinh năm 1980. Em gái Mai, Nguyễn Thị Định sinh năm 1984, quê ở huyện Hưng Hà, Thái Bình. Bố của hai nữ bệnh nhân này tham gia kháng chiến, mẹ là thanh niên xung phong, cả hai đều bị nhiễm chất độc hóa học, để lại di chứng cho hai cô con gái thành ngây dại như bây giờ.
Sau khi bố mẹ mất, hai em còn bà dì ruột, nhưng tuổi cao sức yếu, bà không đủ điều kiện chăm sóc nên đưa hai cháu vào trại tâm thần theo chế độ ưu đãi dành cho người được hưởng chế độ chính sách.
|
Ở Vô Hối, các bệnh nhân hàng ngày không có việc gì để làm. Cả ngày họ túm năm tụm ba để tám chuyện và... hút thuốc vặt. |
Hai tuần trước, chẳng biết bằng cách nào mà Mai nhảy tót được lên “bờ tường” là tấm tôn dựng cao trên 2m - ngăn cách Khu điều trị người có công với Khu bệnh nhân kích động mạnh, ngồi vắt vẻo.
“Bờ tường” ấy dày chưa đầy 2cm, và nó chỉ mềm oặt chứ đâu có chắc chắn. Nó được dựng tạm trong thời gian trung tâm xây dựng hai dãy nhà cấp 4 dành cho bệnh nhân.
Các bệnh nhân khác xúm xít phía dưới vỗ tay hò hét, cổ vũ. Cán bộ vội mang thang ra bắc để đưa Mai xuống. Thế nhưng, chưa kịp trèo lên, anh cán bộ này đã bị Mai đạp một phát đổ cả thang lẫn người xuống nền sân xi măng.
Vẫn câu chuyện của chị Hạ: “Anh có tin được không, song cửa sổ phòng bệnh nhân hẹp là thế, vậy mà chẳng biết bằng cách nào mà cả hai chị em chị ấy lách ra lách vào như người làm xiếc.
Tụi em còn quay lại được bằng điện thoại để xem. Người họ lúc ấy mỏng như chiếc lá, bước ra bước vào như mình đi qua cửa…".
Thời điểm tôi đến, cả hai chị em Mai - Định đều ở trạng thái bình thường, nghĩa là không bị lên cơn – một điều rất hiếm hoi của họ. Trong lúc Mai ỉ ôi với tôi than phiền về chiếc xương cá tưởng tượng hóc trong cổ mỗi ngày một lớn, Định lặng lẽ nằm… tắm nắng bên cạnh chiếc chăn chiên của mình đang phơi trên sân xi-măng, không nói không rằng.
|
Cảnh phát thuốc cho các bệnh nhân vào buổi sáng hằng ngày. |
Khuôn mặt, chiều cao, dáng vẻ, điệu bộ… của hai chị em Mai – Định giống nhau như hệt, tựa như hai chị em sinh đôi. Khuôn mặt không thể đoán tuổi, ánh nhìn ngây dại, những câu chuyện không ai hiểu được đầu cuối, thậm chí, cả hai chị em đều phanh ngực áo, để lộ bộ ngực con gái lép kẹp như… đàn ông, và bầu ngực khô héo như quả chanh ủng.
Dường như, sợ tôi ngại, một nữ y sỹ nhắc: “Mai ơi, cài cúc áo lại, sao lại mặc phanh như thế?”. Đáp lại lời nhắc của nữ y sỹ vẫn là sự dửng dưng của Mai. Hình như, điều duy nhất khiến Mai ám ảnh, đó là chiếc xương cá tưởng tượng mà Mai nghĩ rằng, nó mỗi ngày mỗi lớn, và chiếc cổ họng của Mai sắp bị nó làm cho nổ tung.
Buông màn rồi chui gầm giường ngủ để… đánh lừa muỗi
Câu nói của ông giám đốc Phạm Xuân Vỵ khi tôi bắt đầu bước chân qua cánh cổng để đến với “thế giới người điên” Vô Hối, ông nhắc lại mấy lần: “Ở đây, chẳng có quy tắc nào dành cho họ cả, vì họ là những người… sống trên quy tắc, ngoài quy tắc, họ sống trong thế giới của họ.
Một bệnh nhân hồn nhiên tắm giữa sân của khu điều trị. |
Anh lắp quạt trần, lắp điện thắp sáng trong phòng bệnh nhân, nhưng họ không cần, họ sẽ cho rằng đó là những con quái vật đang tìm cách giết họ, và họ phải giết nó trước… Ban đêm, họ không cần ngủ trên giường, mà nằm la liệt ngoài sân, trên lối đi, muỗi dày như trấu họ cũng chả sợ…”.
“Mỗi bệnh nhân đều có một cái màn để tránh muỗi. Có bệnh nhân mắc màn, gài màn như thật, nhưng lại… chui xuống dưới gầm giường ngủ. Tôi hỏi, sao làm thế, họ lý luận: “Mình đánh lừa, để cho muỗi nó tưởng mình đang nằm… trong màn, thế là nó không đốt…”.
“Nói như thế thì tôi đành cứng lưỡi, không nói lại được câu nào cả” - ông Vỵ cười thành tiếng, sau khi thả hết khói điếu thuốc lào bằng điếu bát, thói quen có lẽ giúp ông cân bằng lại tinh thần sau những ngày tháng “đối phó” với những bệnh nhân sống… ngoài quy tắc!
Cuộc sống của 204 bệnh nhân tâm thần (gồm có 34 đối tượng bệnh nhân nữ, 60 đối tượng là thương bệnh binh – người có công, 6 cán bộ hưu trí, còn lại là những bệnh nhân điên “dân sự” được “quản thúc” bởi 78 cán bộ, y sỹ, điều dưỡng viên, và duy nhất chỉ có một… bác sỹ) đã lúc chậm rãi, lúc “bão táp” trôi đi ngót 40 năm trời.
Như đã nói, trước khi là Trung tâm điều trị bệnh thần kinh cho các thương bệnh binh, người có công, khu vực này là trại nuôi và giết mổ lợn của Ty lương thực Thái Bình từ thời bao cấp. Nó nằm sát con sông Trà Lý, đó là lợi thế để thuận tiện nguồn nước.
Thế nhưng, khi chuyển đổi sang chức năng mới, con sông Trà Lý rộng mênh mông ấy lại trở thành một nỗi đe dọa cho sự an toàn về tính mạng của các bệnh nhân tâm thần nơi đây.
“Bệnh nhân họ nghĩ, đấy không phải là sông, đấy không có nước, họ có thể đi lại, bay nhảy bình thường, hoặc họ nghĩ mình có thể bơi được qua sông để trốn khỏi trại, ra bên ngoài đi lang thang không bị quản thúc.
Bốn năm trước, một bệnh nhân đã nhảy xuống sông, bơi ngược dòng để trốn khỏi trại, rồi bị đuối nước chết. Sau lần ấy, chúng tôi lại phải… làm tờ trình lên Sở LĐTBXH để xin kinh phí làm tường bao, ngăn không cho bệnh nhân ra bên ngoài bằng… đường sông.
Trong số các bệnh nhân của chúng tôi, có những người trước đó là… đặc công nước, họ bơi lội như rái cá. Nhưng, khi họ đã bị bệnh, thì những khả năng đặc biệt ấy, rất có thể lại giết chết chính họ” - Giám đốc Phạm Xuân Vy cho hay.
Đó cũng là câu chuyện về một bệnh nhân hoang tưởng, đã dùng tay… đấm lòi con ngươi khiến mù lòa cả hai mắt, vì nghĩ rằng… có ma bên trong hai con mắt ấy. Tôi bỗng thấy nhói lòng khi nghe kể về câu chuyện buồn ấy…
Thời gian ở Trại tâm thần Vô Hối trôi đi lúc yên ả, lúc ồn ào tùy thuộc vào… bệnh tình của các bệnh nhân nơi đây. 10h30 phút, giờ ăn trưa của các bệnh nhân bắt đầu. Chị Hạ, chị Hiền… - nhân viên trong tổ nấu ăn lục tục chia cơm và thức ăn. Một nhóm các bệnh nhân tỉnh táo hơn được huy động phụ nhà bếp mang thức ăn lên phòng ăn của từng khu riêng biệt.
Lần đầu tiên tôi được chứng kiến những người bị bệnh tâm thần họ ăn như thế nào...
Kiên Trung
(Còn tiếp)