- Bị kẻ xấu xúi giục, nhóm công nhân quá khích đã xông vào đập phá tài sản, xô xát gây thương tích cho lực lượng công an đang làm nhiệm vụ. Ra tòa, những gương mặt cúi gằm khi được hỏi về hành vi phạm tội.
Tin bài khác:
Ngày 4/7, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án "gây rối trật tự công cộng" xảy ra tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM) hồi giữa tháng 5 vừa qua.
Kích động phá phách
Trong vụ án, 10 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Văn Mại (SN 1988, Nghệ An), Phạm Thanh Tùng (SN 1985, Hà Tĩnh), Lê Hoàng Châu (SN 1985, Bạc Liêu), Nguyễn Tấn Hùng (SN 1993, Sóc Trăng), Huỳnh Âu Dương (SN 1997, Sóc Trăng), Lê Trọng Hiếu (SN 1993, Đồng Tháp), Phạm Thanh Tân (SN 1989, Quảng Bình), Huỳnh Ngọc Hiệng (SN 1994, Bến Tre), Lê Văn Huy (SN 1988, Thái Bình), Nguyễn Duy Phương (SN 1984, Đồng Nai).
|
Các bị cáo đứng nghe tòa tuyên án. |
Theo cáo trạng, khoảng 13h30 ngày 13/5/2014, khoảng 1.500 công nhân và một số người lợi dụng cuộc biểu tình ở khu vực thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương mang theo cờ Tổ quốc tuần hành biểu tình chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên vùng biển của Việt Nam.
Sau đó, đoàn người trên kéo sang các Khu chế xuất (KCX) Linh Trung I và Linh Trung II, Khu công nghiệp Bình Chiểu trên địa bàn quận Thủ Đức, TP.HCM.
Lúc này, các doanh nghiệp bị áp lực từ đám đông quá khích, sợ bị thiệt hại tài sản nên đã cho công nhân nghỉ việc.
Thấy vậy, Nguyễn Văn Mại, Phạm Thanh Tùng cùng các bị cáo trên và một số công nhân bị kích động không về nhà mà đã gia nhập đám đông biểu tình, tách nhóm tiếp tục tuần hành đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc, yêu cầu cho công nhân nghỉ việc, đập phá tài sản gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Đến 14h30p cùng ngày, các lực lượng chức năng có mặt thực thi nhiệm vụ, giữ gìn trật tự tại các KCX-KCN trên. Khoảng 15h cùng ngày, các đối tượng quá khích trên điều khiển xe mô tô tụ tập thành từng nhóm cầm cờ chạy lòng vòng trước KCX Linh Trung II la hét, đốt xe, đòi xông vào bên trong đập phá tài sản của những công ty có vốn do người Trung Quốc đầu tư.
Khi lực lượng công an dẹp trật tự, nhiều công nhân đã xô xát với lực lượng công an, dùng gạch, đá, bom xăng ném và dùng xe mô tô đâm thẳng vào lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ.
Hành vi của các bị cáo làm 16 cán bộ, chiến sỹ công an bị thương với tổng tỷ lệ thương tích 78%, làm hỏng nhiều xe đặc chủng, công cụ hỗ trợ của lực lượng thực thi công vụ gây thiệt hại 138,7 triệu đồng, gây thiệt hại hơn 24 triệu đồng khu vực cổng KCX.
"Thấy có lỗi, rất ân hận"
Tại tòa, các bị cáo cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Được tòa gọi lên thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Văn Mại khai do lên mạng đọc thông tin thấy hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương - 981 nên bị cáo rất tức giận.
Sau đó, thấy đám người kéo đi biểu tình chống Trung Quốc nên bị cáo đi theo. Có một người lạ (chưa rõ lai lịch) đã xúi giục, kích động bị cáo ném đá, bị cáo thiếu suy nghĩ, không lường trước hậu quả nên đã làm theo.
"Bị cáo thấy hành động của bị cáo có phải yêu nước không? Đó thực ra là sự kích động, lợi dụng tình hình mất trật tự để ném đá các đồng chí cảnh sát thôi, đúng không? Bị cáo có suy nghĩ gì về hành động của mình?" - "Dạ, bị cáo rất ân hận, thấy mình có lỗi", Mại cúi gằm thừa nhận.
|
Các bị cáo trước giờ làm thủ tục phiên tòa. |
Tương tự, các bị cáo còn lại cũng thừa nhận hành vi như bản cáo trạng quy kết và cho rằng do tức giận trước hành động ngang ngược của Trung Quốc nên mới hành động như vậy.
Câu nói "bị cáo thấy có lỗi, bị cáo rất ân hận" được các bị cáo lặp lại nhiều lần.
Trước câu trả lời của bị cáo, chủ tọa phiên tòa bức xúc: "Việc yêu tổ quốc là đúng nhưng hành động của các bị cáo có thể hiện được điều đó không? Biểu lộ suy nghĩ của mình có nhiều cách nhưng phải đúng pháp luật. Yêu nước khi mình là công nhân thì mình phải tích cực sản xuất ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân, gia đình mình".
Nghe những lời phân tích thêm của vị Hội thẩm nhân dân, những gương mặt cúi gằm trước vành móng ngựa. Được nói lời nói sau cùng, có bị cáo bật khóc, khẩn thiết xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi xem xét, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, vì thiếu suy nghĩ, ảnh hưởng do bị kích động từ đám đông các bị cáo đã xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, hành hung những người thi hành công vụ nên cần phải xử lý nghiêm.
Tuy nhiên khi xem xét quyết định hình phạt cũng cần xem xét các bị cáo như nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, phạm tội mang tính thụ động...để xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt ba bị cáo Nguyễn Văn Mại, Phạm Thanh Tùng, Nguyễn Duy Phương cùng mức án 9 tháng tù; tuyên phạt bị cáo Huỳnh Âu Dương mức án 4 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; các bị cáo còn lại cùng mức án 6 tháng tù cùng về tội "gây rối trật tự công cộng". Về phần trách nhiệm dân sự do đã được tách ra để xử lý bằng một vụ án khác nên HĐXX không xem xét.
M.Phượng