- Từ khi có tin Thượng sĩ Nguyễn Đình Bình (SN 1991), hy sinh trong vụ rơi máy bay Mi 171 ở Hòa Lạc (Hà Nội), không khí tại quê nhà trĩu nặng đau thương.
Nghẹn ngào tiễn biệt 18 chiến sỹ Sau lễ viếng, lễ truy điệu 18 chiến sĩ hy sinh trong vụ máy bay rơi diễn ra nghẹn ngào, dưới cơn mưa tầm tã.... |
Chúng tôi tìm về nhà Nguyễn Đình Bình, ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát (Bình Định).
Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông Nguyễn Đình Trọng (SN 1968) - cha của Thượng sĩ Bình, chị Phạm Thị Tuân (SN 1985, dì ruột Bình) nấc nghẹn khi kể về đứa cháu vừa hy sinh anh dũng.
Chiến sĩ Nguyễn Đình Bình (đứng thứ 2 từ trái sang) - Ảnh do gia đình cung cấp. |
Câu chuyện thỉnh thoảng dừng lại bởi dòng nước mắt người kể cứ thế tuôn rơi. Trong lời kể nghẹn ngào, đắng ngắt ấy, chân dung chiến sĩ Bình hiện ra rõ ràng, thân thương.
Nguyễn Đình Bình sinh ra tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; là con trai duy nhất của ông Trọng, bà Nga (ngoài Bình, ông Trọng và bà Nga còn người con gái đang học lớp 10). Không lâu sau khi ra đời, Bình theo ba mẹ vào xã Cát Tân định cư, sinh sống, học tập.
Học hết cấp 3 tại Trường THPT Phù Cát 1 (thị trấn Ngô Mây, Phù Cát), Bình thi và trúng tuyển phi công vào năm 2011, tại Trường Sĩ quan không quân Nha Trang (Khánh Hòa).
Đến tháng 3/2014, Bình chuyển sang đơn vị sĩ quan dù tại Trung đoàn không quân 961 cho đến ngày hi sinh.
Chiến sĩ Nguyễn Đình Bình trong một lần tham gia huấn luyện bay tại Trường Sĩ quan không quân Nha Trang (Khánh Hòa). |
“Hơn 20 năm qua, Bình luôn là đứa con chăm chỉ, chịu khó, ham học và đặc biệt rất hiếu thảo với bố mẹ…”, chị Tuân nghẹn ngào.
Không khí trong nhà trở nên trĩu nặng hơn, khi chị Tuân hướng mắt về góc tường, nơi treo những tấm ảnh ngăn nắp, chỉn chu về chân dung người chiến sĩ trẻ.
Chị Tuân tiếp lời trong xót xa: “Vào tối trước ngày cháu hi sinh (tối 6/7 - PV), cháu còn gọi điện về nhà, tâm sự với mẹ chuyện học tập, công việc đang đảm trách tại đơn vị.
Sau đó, Bình nói mẹ cho gặp em gái (em Nguyễn Thị Phương Mai - PV) để nói chuyện, nhưng con bé đi học thêm chưa về. Đến trưa hôm sau (ngày 7/7), gia đình nhận được tin cháu bị thương nặng trong vụ tai nạn rơi máy bay.
Sau đó dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cháu đã không qua khỏi, vĩnh viễn ra đi ở tuổi 23 vào ngày 8/7”.
Nhắc đến vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào ngày 7/7 tại Thạch Thất (Hà Nội), nhiều bà con lối xóm, bạn bè và thầy cô đang công tác tại Trường Sĩ quan không quân Nha Trang không giấu được xót xa khi Bình ra đi ở tuổi còn quá trẻ.
Chiến sĩ Nguyễn Đình Bình mãi mãi ra đi, để lại bao nỗi đau thương, tiếc nhớ cho gia đình, đồng đội, bạn bè. |
Chàng chiến sĩ còn nhiều mơ ước chưa kịp thực hiện. Tai nạn thảm khốc xảy ra khi chỉ còn vài tháng nữa là Bình tốt nghiệp.
Chia sẻ về nỗi đau quá lớn từ gia đình nạn nhân, ông Hà Văn Sương, Phó Trưởng Công an xã Cát Tân, nghẹn lòng: “Bao nhiêu năm khổ luyện, trau rèn của cháu Bình giờ như đổ xuống sông, xuống biển. Sự ra đi đột ngột của Bình không chỉ bản thân tôi, mà bà con ai cũng đau lòng, tiếc thương”.
Còn Thượng tá Vũ Hồng Điệp, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 925, Sư đoàn không quân 372, bộc bạch: “Khi nhận tin cháu Bình, con đồng chí Nguyễn Đình Trọng đang công tác ở Trung đoàn, hy sinh trong lúc đang diễn tập, đơn vị đã bố trí xe và tạo điều kiện thuận lợi cho đồng chí Trọng toàn tâm, toàn ý để lo chuyện hậu sự cho con”.
Sau khi nhận hung tin con trai hy sinh, vợ chồng ông Nguyễn Đình Trọng, bà Phạm Thị Nga (SN 1971) tức tốc lên đường ra Hà Nội để làm các thủ tục cần thiết. Nguyện vọng của gia đình là đưa Thượng sĩ Nguyễn Đình Bình về quê Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) an táng.
Và trong sáng nay (11/7), Nguyễn Đình Bình cùng 17 cán bộ, chiến sỹ khác đã được tổ chức lễ truy điệu tập thể ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.
|
Huyền Trang