- Dự báo chiều 18 và sáng 19/7 bão đã ảnh hưởng đến bờ. Phó Thủ tướng chỉ đạo, trước 16 giờ chiều 18/7, người dân vùng xung yếu phải được sơ tán xong.

Khẩn trương sơ tán dân vùng xung yếu

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát có 3 đề xuất: Theo dõi và giữ liên lạc để ứng cứu kịp thời các tàu đang trên đường vào bờ tránh bão; Hơn 10.000 dân ở các chòi canh tại tất cả các tỉnh ven biển nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão phải được sơ tán toàn bộ vào bờ trước 16 giờ ngày 18/7. Toàn bộ dân cư trong khu vực xung yếu cũng phải được sơ tán xong trước thời điểm trên.

Ngoài ra, ông Phát đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cập nhật thông tin cho người dân như cập nhật cho ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ (1 giờ cung cấp thông tin 1 lần).

{keywords}
Sơ tán tàu thuyền tránh bão (Ảnh minh họa: VietNamNet)

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất với các ý kiến của ông Phát và chỉ đạo: Đây là cơn bão đầu mùa, lại rất mạnh, diễn biến khó lường, tuyệt đối không được chủ quan.

Dự báo chiều 18 và sáng 19/7 bão đã ảnh hưởng đến bờ, khi bão cách 120km thì cũng có nghĩa là bão đã vào bờ rồi (vì bán kính bão lớn). Vì thế, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải kêu gọi bằng được 35 tàu ở Hoàng Sa vào bờ, các địa phương chủ động cấm biển, đặc biệt lưu ý khu vực miền núi phía Bắc vì có thể xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất,… Trước 16 giờ chiều mai, người dân vùng xung yếu phải được sơ tán hết.

Phó Thủ tướng lưu ý, đảm bảo an toàn cho các cột điện, cột ăng ten phát sóng, biển quảng cáo trên đường phố,... vì thực tế trong các cơn bão trước cho thấy khi bão vào đã có cột bị đổ gây nguy hiểm cho người dân.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ NN&PTNT sẽ có 2 đoàn kiểm tra chống bão đi Hải Phòng - Quảng Ninh. Lực lượng công an sẽ đảm bảo phân luồng, cấm lưu thông ở khu vực nguy hiểm. Bộ Công thương phải đảm bảo an toàn cho gần 60 dự án thăm dò khai thác trên biển Đông.

Gấp rút chuẩn bị chống bão

Tại cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh - địa phương được xác định nằm trong tâm bão - cho biết để tránh bão, các tàu du lịch trưa nay sẽ được kêu gọi hết vào bờ. Lồng bè đã có phương án di chuyển, 300 hộ khai thác thủy sản được đưa vào bờ. Riêng tại đảo Cô Tô sẽ tăng cường trang thiết bị 4 tại chỗ (vì xa đất liền).

Ngoài bão còn mưa lớn, ngành than có biện pháp khẩn trương gia cố các khu vực nguy hiểm, trực hoặc sơ tán dân ở một số khu vực, có phương án phòng chống khi mưa nhiều làm nước tràn vào mỏ, hầm lò. Nếu cần sẽ phải xả nước các hồ đập để đảm bảo an toàn.

Tỉnh Quảng Ninh cũng lập 3 tổ công tác kiểm tra từ Quảng Yên tới Hàm Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái và các điểm xung yếu khác.

Chiều 16/7, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra tình hình sạt lở đất tại tổ 2, khu 10, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) và chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng do sự cố sụt lún đất tại khu vực này.

Ông Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, để đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân khu vực sạt lở, thành phố đã Ban hành quyết định về việc di dời khẩn cấp 6 hộ dân và phá dỡ các công trình có dấu hiệu nguy hiểm bị ảnh hưởng bởi sự cố sụt lún, nứt nhà và đất tại khu vực trên.

Còn tại Hải Phòng, lãnh đạo UBND TP cho biết, đã điều động tàu ra Cát Bà, Cát Hải trực để ứng phó với bão. Hôm nay, TP tổ chức 6 đoàn đi địa phương, kiểm tra tại chỗ. Căn cứ tình hình thực tế Hải Phòng sẽ ban hành lệnh cấm biển trong chiều nay hoặc sáng mai.

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra khi bão đổ bộ vào bờ, Chủ tịch TP. Hải Phòng yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương thông báo, kêu gọi, di chuyển tàu thuyền, sơ tán lồng bè, tổ chức sơ tán người ở các khu vực xung yếu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản về nơi trú tránh an toàn và phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 18/7.

Đặc biệt, các phương tiện khai thác thuỷ sản hiện đang neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vỹ phải được di chuyển về đất liền tránh bão ngay trong sáng 17/7. Mọi hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thuỷ nội địa cũng phải dừng từ 18 giờ ngày 18/7.

Tỉnh Nam Định cũng sẽ hoàn tất kêu gọi tàu thuyền vào bờ xong trong ngày 17/7 và cấm tuyệt đối ra khơi từ 17/7, ngừng cấy lúa.

Hà Nội cũng sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 2 (Rammasun). UBND TP Hà Nội cho biết, nguy cơ hiện xảy ra với các nhà ở đã xuống cấp chưa di chuyển, cây xanh chưa được cắt tỉa,…

Hà Nội đã hạ mực nước hồ nội thành, phía công an đã chỉ đạo phân luồng giao thông nếu mưa ngập. Bộ tư lệnh Thủ đô bố trí lực lượng phương tiện để ứng cứu khi cần thiết.

Còn 35 tàu tại Hoàng Sa chưa vào bờ, cấm biển từ hôm nay

Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng hiện vẫn còn 35 tàu hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa (giảm 10 tàu so với hôm qua vì đã vão bờ) và đề nghị các địa phương kiên quyết kêu gọi các tàu này vào bờ muộn nhất lúc 16 giờ chiều nay để đảm bảo an toàn.

Tính đến sáng 17/7 đã có 58.685 tàu thuyền, lồng bè, chòi canh với 205.035 lao động được thông báo về cơn bão. Hiện ngư dân Khánh Hòa mất tích vẫn chưa tìm thấy.

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ đề nghị các địa phương từ Quảng Ninh tới Quảng Bình thực hiện cấm biển từ hôm nay (17/7).

 

Cẩm Quyên - Kiên Trung