- Một trong những nỗi ám ảnh khiếp sợ với người dân trong những dịp nghỉ lễ lớn chính là chuyện tàu xe, đi lại. Tình trạng phải đi xe nhồi nhét khách, bị đối xử thậm tệ trên những chuyến đi đã không còn xa lạ với nhiều người.

Vùi dập "thượng đế"

Khách hàng là thượng đế, nhưng trong chuyện đi lại, xe cộ các dịp nghỉ, lễ thì Thượng đế bị vùi dập không thương tiếc là chuyện… thường.

Vào những ngày cao điểm như 30/ 4, 1/ 5 này thì về quê là cả một hành trình hành xác với nhiều người. Chen chúc để có được một vé xe đã khó, “trụ” được một chỗ ngồi yên vị lại càng khó hơn.

Tại Hà Nội, hơn 10km đường vành đai 3, từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu cạn Pháp Vân, dòng người xe chết cứng. Hàng ngàn người với túi xách, hành lý dạc dài đứng chờ xe để dời thành phố. Tất cả các ngả đường từ nội thành đổ về cửa ngõ phía Nam đều như nêm.


Đông nghẹt tại các bến xe

Sân ga Huế chưa đến 5g sáng nhưng từng dòng người với tư trang, hành lý nườm nượp đổ về, đứng ken kín khắp nơi. Đến 6g30 chuyến tàu ĐH 42 (Huế - Đồng Hới) mới bắt đầu xuất phát, hành khách, chủ yếu là sinh viên, đã ngồi chật chỗ từ trước. Mỗi hàng ghế phải nhồi nhét 4-5 người trong khi ngày thường chỉ 2-3 người.

Đó dường như đã là thực trạng chung của tàu xe ngày lễ.

Anh Sầm Tuấn- quê Buôn Đôn- Đắc Lắc bức xúc kể: Để có được một vé xe về quê, anh đã phải đặt vé từ trước đó 10 ngày. Nhưng vì có việc bận, cuối cùng anh đã không kịp đến lấy vé như đã hẹn, đành phải đi xe bến. Quãng đường từ Sài Gòn về Đắc Lắc của anh trầy trật không khác gì tra tấn.
“Suốt quãng đường, hành khách chúng tôi bị nhồi nhét đến nghẹt thở. Tôi sức thanh niên mà còn mệt lả. Đã vậy, xe lại thả khách giữa đường, cách điểm xuống hơn một trăm cây số giữa đêm hôm.”- anh nói.

Không những phải chịu đựng điều kiện cực khổ trên xe, nhiều hành khách còn mếu mặt vì bị nhà xe đối xử chẳng ra gì.

”Đêm tối, chiếc xe khách tấp vào một cây xăng ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khiến hàng chục hành khách ngã chúi đầu về phía trước. Người phụ xe liên tục quát tháo hành khách bước xuống, còn tài xế thì vừa ôm cứng vôlăng vừa đảo mắt liên tục để “canh” cảnh sát”- một độc giả chia sẻ trên báo Tuổi trẻ.

Ngậm bồ hòn làm ngọt?

Mặc dù phải chịu đựng tất cả những nỗi khốn khổ vì tàu xe như vậy nhưng hầu hết các hành khách đều phải âm thầm “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Tất cả các phương tiện chen chân nhau, khó phân biệt được đâu là đường và vỉa hè vì dòng xe máy lũ lượt “bốc” lên hè và đoàn người chờ xe đổ cả xuống lòng đường. 

Gương mặt người nào cũng ngao ngán chờ đợi trong cảnh khói bụi, tiếng động cơ ầm ầm, ù ù, hoảng hồn vì những cú vượt hè đánh vèo trước mặt, sau lưng. Nhiều khách chờ xe đã ngả cả vali, hành lý làm thành chỗ ngồi tạm để chờ đợi. Những quán nước vỉa hè ken người trên ghế gỗ, ghế nhựa và cả gạch, đá bọc sơ nilon, giấy báo làm ghế…

Đối mặt với cảnh ùn tắc ngày lễ, khốn nhích từng bước trong cảnh khói bụi song hầu hết người dân cũng chỉ biết cam chịu trong mệt mỏi. Bởi lẽ, chẳng còn cách khắc phục nào khác hơn là chờ đợi.

Hành khách mệt mỏi chờ đợi trong phòng vé bến xe Giáp Bát (Ảnh: Vietnamnet)

“Không chịu đựng thì cũng chẳng có cách nào khác. Tình trạng chung rồi, lần nào nghỉ lễ dài, về quê mà chẳng phải chịu cảnh này.”- Minh Trang- SV ĐH Quốc Gia Hà Nội, quê ở Phú Thọ chia sẻ.
Quãng đường từ Phú Thọ xuống Hà Nội của cô sinh viên này cũng bị hét giá vé tằng gần gấp đôi so với ngày thường nhưng Trang cũng chỉ biết ngậm ngùi rút ví vì thái độ hung hăng của những phụ xe. Ai cự nự lại đều bị họ chửi bới đòi đuổi xuống giữa đường và đòi tiền đi lại dù xe di chuyển chưa được vài km.

Kể về những phút kinh hoàng trên chuyến tàu về quê trên báo Tuổi trẻ, một SV ĐH Khoa học Huế chưa hết hãi hùng: “Nhiều người chịu không nổi không khí bức bối, ngột ngạt trên tàu, nhảy xuống ngồi la liệt dưới bóng cây, trên đường sắt. Cứ hơn 10 phút là có một người bị ngất xỉu được nhân viên đường sắt đưa xuống tàu, ngồi quạt mát.”

Những chuyến đi hãi hùng như vậy chắc chắn vẫn còn tiếp diễn khi cơ quan chức năng chưa có một biện pháp xử lý, khắc phục hiệu quả. Và cuối cùng, chỉ có người dân là hứng trọn hậu quả và chỉ biết gồng mình chịu đựng.

HTML clipboard XEM TIẾP TẠI ĐÂY

  • Quỳnh Anh