- Thông tin 11 cháu bé nghi bị mất tích tại chùa Bồ Đề đã được Công an quận Long Biên xác minh rõ. 10 cháu trong số này đã được bố mẹ đẻ đón về, cháu còn lại được nhận làm con nuôi chứ không có hiện tượng mua bán người.

Chiều 12/8, ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, tối nay hoặc sáng mai sẽ có kết quả thanh tra tại chùa Bồ Đề, kết luận thanh tra dự kiến sẽ được công bố vào ngày 14/8 tới đây tại UBND quận Long Biên.

Cũng theo ông Long: "Theo kết quả ban đầu, đối tượng chủ mưu trong vụ án buôn bán trẻ em vẫn là Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang. Hiện chưa có kết luận về sự liên quan của sư Thích Đàm Lan”.

{keywords}
Khuôn viên chùa Bồ Đề trong ngày lễ Vu lan. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Các lời khai của các đối tượng cho tới thời điểm hiện tại cũng cho thấy, việc mua bán trẻ em hoàn toàn là ý của hai người này.

Ông Long cho biết, đây là một sự việc rất đáng tiếc. Bản thân sư Thích Đàm Lan cũng như chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm ở mức độ nhất định trong việc quản lý không quán xuyến, tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động.

Trên cơ sở sự việc đã xảy ra, ông Long cho rằng cần siết chặt hơn nữa các quy định đối với tất cả các cơ quan, tổ chức tôn giáo, các cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm trong việc tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn hiện nay.

Sau việc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại việc tổ chức các mô hình, tổ chức xã hội làm các việc nhân đạo,” ông Long chia sẻ.

Liên quan đến việc chuyển những trẻ em bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại chùa sang các Trung tâm bảo trợ xã hội, ông Phan Đăng Long cho rằng, việc này rất khó thực hiện, bởi hiện tại, các trung tâm bảo trợ xã hội cũng đã quá tải.

Trước đó, chiều 11/8, UBND quận Long Biên đã họp bàn với các cơ quan chức năng để thống nhất “số phận” của các cháu bé hiện đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề. Theo đó, đại diện các ban ngành tham dự cuộc họp đã nêu ra hai phương án.

Thứ nhất, nếu tiếp tục xuất hiện các trường hợp trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn thì đề nghị nhà chùa thông báo với chính quyền địa phương để làm thủ tục tìm kiếm tổ chức chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

Đối với những trẻ đang nương nhờ cửa chùa Bồ Đề thì rà soát, lập kế hoạch để tìm kiếm các thông tin gia đình của trẻ, nếu còn người thân thì chuyển trẻ về với gia đình. Trường hợp không còn người thân thì chuyển về các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận chăm sóc nuôi dưỡng.

Hai là thành lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ ngay tại chùa Bồ Đề và đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quản lý, chung tay chăm sóc những đứa trẻ này.

Hoàng Sang