- Anh gục đầu rất lâu trước bàn vong người vợ. Tiếng khóc uất nghẹn cứ chốc chốc lại vang lên. Bên ngoài, đứa con anh - cháu bé được cứu sống một cách kỳ diệu sau khi văng ra khỏi bụng mẹ - đang chìm sâu vào giấc ngủ…

Nước mắt của đàn ông

12g trưa ngày 18/11, chiếc xe cứu thương dừng lại trước căn nhà bên dòng Kênh Đào (xã Phú Thuận, H. Thoại Sơn, An Giang). Cửa mở, trên xe, một phụ nữ bế đứa bé sơ sinh bước xuống.

Chị cẩn thận che đậy cho bé bằng tấm khăn để tránh ánh nắng mặt trời buổi trưa…

{keywords}
Hai bà cháu chuẩn bị đón bé Út về nhà.

Tiếp đó, một người đàn ông được 2 người dìu xuống xe. Cặp nạng trên tay anh. Vết thương ở chân vẫn còn quấn băng trắng toát.

Anh là Nguyễn Văn Nam (33 tuổi), người thoát chết trong tai nạn xảy ra trên quốc lộ 91 vào ngày 25/10 khi trên đường đưa vợ là chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (28 tuổi) đang chuyển dạ đến bệnh viện để sinh đứa con thứ 2.

Anh chị bị một xe trộn xi măng từ phía sau húc tới. Hai vợ chồng ngã xuống đường. Chị Ngọc bị xe bồn cán qua người tử vong, thai nhi bị băng ra ngoài.

Anh Nam và cả bé sơ sinh đều bị cán qua chân. Một người đàn ông có mặt gần đó nhanh chóng bế cháu bé đến ngay bệnh viện cấp cứu...

Tiếp sau đó anh và cháu điều trị tại bệnh viện An Giang rồi chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 và Chợ Rẫy. Sau gần 1 tháng điều trị, anh và cháu đã khả quan. Bệnh viện cho xuất viện.

Trong suốt thời gian dài đó, vừa điều trị vết thương, trong lòng anh nặng trĩu muộn phiền vì người vợ thân yêu không còn nữa. Ngày an táng chị, anh vẫn còn trong bệnh viện…

{keywords}
Chờ đợi xe bệnh viện đưa cha con anh Nam về nhà.   

 

{keywords}
Mộ phần của chị Ngọc được xây ở phía sau nhà.

Được tin anh và cháu xuất viện về nhà, cả ấp Kênh Đào như thở phào nhẹ nhõm. Một người hàng xóm cho biết, từ khi xảy ra tai nạn bà con trong xóm ai nấy cũng nơm nớp lo lắng.

Nhưng chẳng ai dám nói với ai một lời nào. Mỗi người đều cố gắng đóng góp chút công sức nhỏ bé chăm lo cho cháu Huyền - đứa con gái lớn của anh - cũng như những công việc vườn tược để gia đình anh toàn tâm chăm sóc.

... Anh đi vào nhà trên đôi nạng gỗ. Bước chân anh nặng nề và phải có người dìu. Anh Nam đi thẳng đến bàn vong nơi có di ảnh chị Ngọc.

Đốt cây nhang, anh vái: “Ngọc ơi, anh và con đã về”.

Chỉ bấy nhiêu thôi, anh đã gục đầu quỵ xuống. Những tiếng khóc uất nghẹn vang lên xé nát tâm can những người có mặt.

Anh ngồi trước bàn vong rất lâu, và vẫn khóc. Không nói với ai một lời nào. Quang cảnh chung quanh như chùng lại. Ai nấy ngoảnh mặt đi để tránh nhìn cảnh tượng quá đỗi đau lòng này.

{keywords}
Trở về nhà...

Anh Nam vẫn khóc. Một khi nước mắt người đàn ông đã tuôn ra chắc chắn trong lòng đang quặn thắt.

Còn nỗi đau nào hơn trước cảnh tan đàn xẻ nghé?

Người mất đã yên mồ đẹp mả, nhưng người sống bị tật nguyền. Và còn gì xót xa hơn đứa bé vừa mới chào đời đã mất mẹ và mất cả một chân. Tương lai rồi sẽ ra sao ?

'Vợ tôi cố nhúc nhích, nhìn con rồi trút hơi thở cuối'

“Tôi đã gào lên, xin mọi người cứu nhưng chẳng ai dừng lại cả. Con tôi văng ra xa cả 7 mét, vợ tôi cố nhúc nhích,nhìn về phía con rồi trút hơi thở cuối cùng…”.

Ấm tình người trong cơn hoạn nạn

Đón 2 cha con trở về cả nhà vui hẳn lên. Bà Thái Thanh Nga (54 tuổi) mẹ chị Ngọc cho biết, cha con nó được tai qua nạn khỏi là mừng rồi. Bây giờ là lúc phải nghĩ đến những ngày sắp tới.

Theo bà Nga, anh Nam và chị Ngọc lấy nhau được bà giao cho 11 công đất ở xã Mỹ Hiệp Sơn (H. Hòn Đất, Kiên Giang) để canh tác trong đó có 3 công 2 vợ chồng toàn quyền sử dụng.

“Giờ đây vợ nó chết rồi, nó bị tật nguyền làm sao còn đủ khả năng lao động ? Hiện gia đình chưa biết phải tính thế nào đây” - bà nói.

{keywords}
Anh Nam được xe của bệnh viện chở về
 
{keywords}
 
 
{keywords}
Khóc thành tiếng bên bàn thờ vợ... 

Được biết, sau khi tai nạn xảy ra, chủ xe đã nhiều lần ứng tiền để chôn cất chị Ngọc và phần nào viện phí cho hai cha con anh Nam.

Bà Nga cho biết thêm, có người góp ý khuyên gia đình nên bãi nại cho tài xế nhưng, người cha của tài xế đã không thừa nhận lỗi về phần con mình nên bà đành phó mặc cho cơ quan điều tra xử lý.

Hỏi thăm anh Nam về những đóng góp của bà con khắp nơi, anh bày tỏ: “Tôi hết sức biết ơn những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân và nhiều cá nhân trong và ngoài nước đã giúp đỡ tôi lúc hoạn nạn. Toàn bộ số tiền tôi đã chuyển vào tài khoản tiết kiệm để dùng vào việc nuôi dạy 2 cháu thành người.

Sắp tới chưa biết phải làm gì vì tôi và con còn phải tiếp tục điều trị vết thương, nhưng tôi sẽ cố gắng sử dụng những đồng tiền đó một cách hữu ích để không phụ lòng bà con khắp nơi đã thương yêu đùm bọc”.

{keywords}
Cha con (con gái lớn) đoàn tụ 

 

{keywords}
...nhưng cuộc sống trước mắt còn rất nhiều gian nan

Anh bày tỏ: “Chiếc xe tải bất chấp sinh mạng người đi đường, húc tôi từ phía sau. Lúc ấy thì giận thật nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mọi việc cũng đã qua rồi giờ có làm gì đi nữa thì cũng không trở lại được như xưa.

Tôi đang nghĩ đến việc khoan dung tha thứ, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào thái độ của tài xế. Nếu anh ta còn ngoan cố, buộc tôi phải chờ phán xét của cơ quan thực thi luật pháp”.

Rời căn nhà của 3 cha con anh Nam, điều đọng lại trong chúng tôi là hơi ấm tình người. Con số những người quyên góp trong đó có bạn đọc VietNamNet vẫn còn tiếp tục.

Ngay trong lúc chờ đón cha con anh Nam về nhà, một người đại diện cho ngân hàng Sacombank đã đem đến cho gia đình 100 CAD của một người từ Canada gửi về.

Mất mát lớn của một đời người không gì có thể bù đắp được. Nhưng nghĩa cử của tha nhân, một lần nữa cho thấy những mảnh đời nghiệt ngã không bao giờ bị lãng quên.  

Trần Chánh Nghĩa