- “Siết chặt tải trọng phương tiện là cuộc chiến cam go cần có thời gian và sự bền bỉ. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện lâu dài”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Trở lại 'điểm nóng' Bộ trưởng Thăng bắt xe quá tải

Sau sự phản ánh liên tục của báo VietNamNet, tình trạng xe quá tải ở Kỳ Anh - "lãnh địa" xe quá tải - đã có chiều hướng giảm.  

Sau khi VietNamNet đăng tải loạt bài về tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động tàn phá nhiều tuyến đường tại nhiều địa phương trên cả nước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường  đã có cuộc trao đổi với VietNamNet xung quanh vấn đề này.

Siết xe quá tải, chưa đạt yêu cầu đề ra 

Sau hơn một năm thực hiện siết chặt tải trọng phương tiện, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả của chủ trương này?

- Nhìn chung công tác kiểm soát trọng tải xe vẫn chưa đạt được kết quả như yêu cầu đề ra, hiện vẫn còn một số lái xe, chủ xe, chủ hàng còn chở hàng quá tải hoạt động lén lút vào ban đêm để trốn, né trạm cân. Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, so với thời gian đầu lượng xe quá tải đã giảm hẳn, nhất là xe chở hàng đường dài.

Bộ GTVT luôn xác định, siết chặt tải trọng phương tiện là cuộc chiến cam go cần có thời gian và sự bền bỉ. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện lâu dài.

Việc siết chặt tải trọng phương tiện đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc và được nhân dân đồng thuận ủng hộ. Tuy nhiên, hiện tại nhiều địa phương xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động. Xin ông cho biết nguyên nhân chủ yếu là do đâu?

- Thứ nhất, do ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải và các chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém. Vì chạy theo lợi nhuận mà chủ phương tiện bất chấp để xe chở quá tải, thậm chí khoán khối lượng vận chuyển, để lái xe tự tung tự tác chở hàng quá tải trọng.

{keywords}
Địa phương để xe quá tải lộng hành, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm?

Tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng chủ phương tiện còn tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải. Và khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra tải trọng thì có chuyện lái xe không chấp hành như: Không dừng xe kiểm soát, không công nhận kết quả cân, không ký biên bản, cố tình cho xe chạy nhanh làm hư hỏng cân; thậm chí chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tại một số địa phương sự vào cuộc xử lý xe quá tải chưa mạnh mẽ, chậm đưa trạm kiểm tra tải trọng xe vào hoạt động. Công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên chưa xử lý triệt để được xe quá tải.

Vì sao xe quá tải qua nhiều địa phương không bị phát hiện?

Năm 2014 được Ủy ban ATGT Quốc gia đặt ra là năm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ về đảm bảo TTATGT. Nhưng tại một số địa phương, đâu đó vẫn còn tình trạng buông lỏng, thậm chí có hiện tượng người thực thi công vụ “bảo kê” cho những đoàn “xe vua” chở quá tải. Thứ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Thời gian qua, qua báo chí và đường dây nóng có phản ánh về một số hiện tượng như: một số lái xe, chủ xe, chủ hàng vẫn chạy quá tải lén lút, hoạt động vào ban đêm, trốn, né trạm kiểm tra. Cá biệt có hiện tượng xe quá tải đi qua nhiều trạm kiểm tra tải trọng xe, qua nhiều địa phương nhưng vẫn không bị xử lý….

Qua công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi tại sao một xe quá tải chạy qua rất nhiều trạm kiểm tra tải trọng xe và qua nhiều địa phương nhưng vẫn không bị phát hiện và xử lý vi phạm?

Đây là vấn đề cần được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để phòng ngừa trong thực hiện kiểm tra tải trọng xe; đồng thời gây dựng lòng tin trong quần chúng nhân dân.

{keywords}
Nhiều tuyến đường mới đưa vào khai thác được thời gian chưa lâu đã bị xe quá tải tàn phá xuống cấp trầm trọng.

Vậy trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện kiểm tra tải trọng xe, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục có những giải pháp gì để xử lý dứt điểm xe quá tải?

- Như trên tôi đã nói, việc kiểm soát tải trọng phương tiện là cuộc chiến cam go cần có thời gian dài và sự bền bỉ và cần có nhiều giải pháp mới có thể giải quyết triệt để.

Thời gian tới, cùng với việc cân tải trọng phương tiện, Bộ GTVT sẽ tập trung tiếp tục rà soát, cắm đầy đủ các biển báo tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông biết thực hiện và làm căn cứ xử lý vi phạm quá tải trọng.

Ngoài ra Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm bố trí đủ nhân lực kiên quyết không đăng kiểm những phương tiện cơi nới kích thước thùng xe trái quy định.

Cùng với đó, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý kho cảng, bến bãi, nhà ga, các doanh nghiệp, chủ xe, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay tại gốc, đảm bảo đúng trọng tải mới cho xe xuất phát. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay từ nơi xếp hàng hóa trước khi xe tham gia giao thông.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện ký cam kết đối với các đơn vị chưa thực hiện và mở rộng đối tượng như bến, cảng thủy nội địa, ga, cảng hàng không và các đơn vị thi công các công trình lớn.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, thủy nội địa và hàng không để giảm áp lực cho vận tải đường bộ; thiết lập môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh, có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có nói chống xe quá tải là cuộc chiến cam go giữa các “nhóm lợi ích”. Và thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, những đoàn “xe vua” vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Thứ trưởng đánh giá thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương này?

- Xe quá tải hoạt động trên địa bàn địa phương nào thì UBND các cấp địa phương đó phải chịu trách nhiệm và người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm về việc này.

Trong thời gian tới để thực hiện một cách triệt để, quyết liệt Bộ GTVT sẽ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Trưởng ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động trên địa bàn mình quản lý.

Tương tự cấp tỉnh giao nhiệm vụ cấp huyện, xã cũng gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương đó để triển khai thực hiện.

Sau khi đọc loạt bài của VietNamNet có rất nhiều ý kiến của độc giả cho rằng, ngoài xe quá tải, thì chất lượng công trình đường cũng được nhắc tới. Vậy xin ông cho biết, Bộ sẽ có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng nhiều tuyến đường đưa vào khai thác chỉ được một thời gian ngắn lại xuống cấp?

- Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng, tập trung đẩy mạnh triển khai thi công các công trình, dự án; tăng cường thanh tra, kiểm tra, lựa chọn đơn vị từ khâu tư vấn thiết kế, đến khâu thi công và quản lý khai thác.

Kiên quyết loại bỏ các nhà thầu chậm tiến độ, không đảm bảo về chất lượng; đối với công trình đưa vào sử dụng mà sau một thời gian ngắn đã bị hỏng thì kiên quyết tìm ra nguyên nhân và xử lý nghiêm trách nhiêm đối với tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật.

Xin cám ơn ông!

Vũ Điệp (thực hiện)