- Khẳng định cam kết làm hài lòng người bệnh là nhiệm vụ chính trị tuy nhiên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, nhiều lúc ông không khỏi xót cán bộ của mình khi chỉ kịp uống chai nước, gặm mẩu bánh mỳ trong cường độ làm việc lúc nào cũng căng thẳng.
Là một trong 4 bệnh viện lớn đầu tiên ký cam kết làm hài lòng người bệnh, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh những hoài nghi của dư luận về mục tiêu ký kết, nhất là khi bệnh viện vẫn đang trong tình trạng quá tải như hiện nay.
Quá tải hay không quá tải cũng phải làm
- Tình trạng nằm ghép, quá tải tại bệnh viện đang diễn ra, vậy làm sao có thể làm hài lòng người bệnh được?
Hài lòng ở đây có rất nhiều yếu tố chứ không phải chỉ một yếu tố. Những người bệnh từ các tỉnh về, chúng tôi rất cảm ơn vì trước tình hình thực tế rất đông bệnh nhân cần được điều trị, trước thực trạng một số chỗ vẫn phải nằm ghép thì người bệnh cũng rất thông cảm.
Nhiều lãnh đạo khoa cũng ra nói bác thông cảm, trong khi chờ xếp giường thì các bác chịu khó nhưng các bác nói không sao cả, chúng tôi về đây là để chữa bệnh, cho nên các bác sĩ cứ yên tâm, những gì chưa khắc phục được kịp thời chúng tôi sẽ cố gắng chịu đựng để tính mạng được an toàn.
- Khi vẫn đang quá tải liệu ký cam kết có vội vã quá không? Tại sao bệnh viện không đợi đến khi có tòa nhà mới, thưa ông?
Quá tải chỉ là một phần chứ không phải yếu tố quyết định. Cam kết này là phải thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ, thì dù có quá tải hay không quá tải thì lúc nào cũng phải làm chứ không phải chờ đến khi có đầy đủ cơ sở vật chất mới làm.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. |
Đúng là quá tải cũng gây bức xúc cho người bệnh, người nhà và cả nhân viên y tế, rất căng thẳng, mệt mỏi.
Những năm qua, chúng tôi vẫn đang nỗ lực cải tiến, điều chỉnh, sắp xếp lại cơ sở vật chất. Khi tòa nhà mới 21 tầng được đưa vào sử dụng vào cuối năm nay, người bệnh, người nhà sẽ đỡ khổ hơn rất nhiều.
- Khoa khám bệnh vẫn rất đông như vậy, bệnh viện có cách nào để giải quyết không?
Ban giám đốc đã động viên tất cả các đơn vị phải giải quyết tất cả những nguyện vọng của người dân. Các cán bộ phải đi làm, đón tiếp từ sáng, không để bệnh nhân qua đêm mà chưa được khám, phải khám đến bệnh nhân cuối cùng nên khoa khám bệnh thường quy định làm việc đến 6h30-7h tối. Có nhiều trường hợp, hơn 9h tối mới giải quyết xong trường hợp bệnh nhân cuối cùng.
Chúng tôi không để bệnh nhân qua đêm do chờ đợi. Mình phải đáp ứng cho bằng hết, không để tồn đọng đến ngày hôm sau.
'Người bệnh hãy thông cảm'
- Ông có cho rằng khi mình ký cam kết, đồng nghĩa sẽ tạo áp lực rất lớn cho cán bộ y tế?
Điều ấy là chắc chắn nhưng cũng để cho mỗi cán bộ y tế hiểu rằng mình phải cố gắng hơn nữa.
Nhiều lúc tôi rất xót cán bộ của tôi. Ví như ở khoa cấp cứu, trước cường độ làm việc căng thẳng như thế, có khi chỉ có một chai nước, một mẩu bánh mỳ, họ không được ăn một bữa trưa đàng hoàng đâu.
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang trong tình trạng quá tải |
Công việc của ngành y tế không giống các ngành nghề khác. Các ngành nghề khác có khi anh chỉ vất vả đơn thuần trí óc, có khi vất vả đơn thuần sức vóc. Còn áp lực của cán bộ y tế là tính mạng người bệnh, trong họ là đầy căng thẳng, dùng thuốc gì, dùng phương pháp gì để cứu người bệnh trong một bệnh cảnh rất gấp gáp, rất hiểm nghèo.
Vậy nên, cán bộ y tế có cả đôi việc đó, vừa vất vả về sức vóc nhưng lại vừa rất căng thẳng về trí não. Nên mong rằng tất cả mọi người hiểu được công tác đặc thù của ngành y tế.
Có thể đâu đó trách họ không tươi cười, có thể đâu đó trách cứ họ chưa đáp ứng được những câu hỏi nhưng cái đầu tiên là y bác sĩ phải cứu người, nên đôi khi trong lúc tập trung khẩn cấp đó thì những câu hỏi của người nhà nếu họ chưa đáp ứng được vì tập trung để cứu tính mạng thì hãy thông cảm.
Chúng tôi chỉ biết động viên nhau để làm hết sức mình thôi chứ không có quyền từ chối để người bệnh đến đây mà không được cứu chữa.
- Với một sức ép lớn như vậy, theo ông làm sao để cam kết này thực hiện một cách triệt để chứ không phải hình thức?
Khi người bệnh đến với chúng tôi, cái đầu tiên chúng tôi quan tâm lo lắng, đó là tính mạng của họ. Song song đó, chúng tôi thấy rằng cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về tinh thần, thái độ phục vụ. Vì giữa biết bao thành công cứu sống người bệnh, nhưng đôi khi chỉ thiếu một chút tinh thần, thái độ, đôi khi là gắt gỏng cũng gây ra biết bao bức xúc.
Sau ký kết, cái chúng tôi muốn hướng đến chính là nhận thức. Thông qua các phong trào, tập huấn, chúng tôi muốn từng cán bộ, nhân viên y tế phải nhận thức được sâu sắc về việc này.
Khi đó việc khen thưởng cũng như áp dụng những chế tài xử phạt thật nghiêm minh phải kịp thời qua đó động viên kịp thời và ngăn chặn được những thái độ không đúng.
Lâu nay chúng tôi đã làm thí điểm, thông qua lấy ý kiến trực tiếp từ người bệnh. Chúng tôi vẫn đánh giá thường xuyên, thông qua định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm để tổng kết rút kinh nghiệm và cũng đánh giá qua khen chê hàng ngày.
Không thể thay đổi ngay ngày mai Từ trước đến nay chúng ta vẫn đang làm những điều để hướng tới sự hài lòng người bệnh, nay chỉ là đồng bộ hơn, quan tâm đến nhiều mảng hơn, làm tốt hơn nữa Hài lòng của người bệnh có nhiều vấn đề: Hài lòng về hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, hài lòng về tác phong, thái độ... Tuy nhiên thay đổi phải là cả một quá trình, không phải là ngay ngày mai, ngay sau khi ký kết mà sẽ dần dần. Để người bệnh hài lòng, người thầy thuốc phải thực sự quan tâm đến người bệnh, bắt đầu từ khi tiếp xúc với người bệnh. Nhân viên y tế làm thế nào để sẻ chia với người bệnh, khi sẻ chia sẽ đồng hành với người bệnh trong cả hành trình dài. Chế tài là điều cần thiết nhưng hơn bao giờ từ trái tim người thầy thuốc cần sẻ chia với người bệnh và từ trái tim của người bệnh sẻ chia với những gì chưa tốt của nhân viên y tế. PGS.TS Bùi Diệu - Giám đốc Bệnh viện K |
Thúy Hạnh