- Cơ sở vật chất khang trang, kỹ thuật cao nhưng nhân viên y tế thái độ ứng xử kém, thủ tục hành chính rườm rà, thời gian chờ đợi lâu thì bệnh nhân vẫn…quay lưng với bệnh viện.


Muốn thu hút bệnh nhân, phải nâng cao chất lượng

Đó là tiêu điểm được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh trong Hội nghị triển khai kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM ngày 3/8.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tiến cho biết, việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ giúp cho đời sống, thu nhập của nhân viên y tế tăng lên. Khi đó, giá dịch vụ của các bệnh viện công, bệnh viện tư sẽ tương đương nhau. Lúc ấy, bệnh viện công muốn thu hút bệnh nhân tới khám chữa bệnh thì buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng về thái độ ứng xử của nhân viên y tế trong môi trường bệnh viện. Ảnh: Thanh Huyền.

Thời gian qua, cơ sở hạ tầng của y tế tuyến huyện như khoác màu áo mới. Các bệnh viện vệ tinh phát triển, nhờ đề án 1816 (bác sĩ tuyến trên xuống chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ bệnh viện tuyến dưới) mà nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã mổ được cả ca chấn thương sọ não, cấp cứu nhi, sản khoa…

“Nhìn chung về khoa học kỹ thuật, đào tạo con người của ngành y đều có tiến bộ, thế nhưng tại sao bệnh nhân vẫn quay lưng với một số bệnh viện? Có nhà cửa, tiền bạc, kỹ thuật, thuốc men, bác sĩ giỏi nhưng thái độ ứng xử kém, thủ tục hành chính rườm rà, thời gian chờ đợi lâu thì vẫn chưa đủ. Ta không tử tế với bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ quay lưng với ta.”, Bộ trưởng Tiến nói.

Bộ trưởng Tiến còn dẫn chứng những bức xúc, góp ý của người dân trên trang fanpage của mình: “các đồng chí hãy vào trang facebook botruongboyte.com.vn mà đọc xem người dân họ nói gì. Nhà vệ sinh trong bệnh viện chưa sạch sẽ, thời gian khám chờ đợi lâu, thủ tục rườm rà, thái độ nhân viên chưa thân thiện. Có phòng khám tư nhân nào mà bác sĩ không yêu quý bệnh nhân đâu? Còn đây, khi tới bệnh viện, ngay từ nhân viên bảo vệ, trông xe mặt lạnh như tiền. Thử nghĩ nếu người nhà chúng ta đi khám bệnh thì sẽ thế nào?”

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện cần phải sáng tạo, linh động để cải tạo, nâng cấp giảm sự bất tiện, phiền hà cho người bệnh dù không gian bệnh viện chật hẹp. Trên thực tế, vẫn còn nhiều lãnh đạo vì bận làm công tác chuyên môn chưa để ý tới chuyện này, mà nhà vệ sinh, khu khám bệnh lại chính là bộ mặt của bệnh viện đó.

Chứng minh chỉ cần lãnh đạo bệnh viện có tâm sẽ có cách khắc phục tình trạng quá tải, Bộ trưởng Y tế nói: “Tại sao Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quá tải khủng khiếp như thế, chật hẹp như thế, tưởng chừng không còn một tấc để cơi nới. Vậy mà họ vẫn dựng lên được 10 phòng khám bệnh ở khu vực sân gần vườn hoa? Nếu chúng ta cứ đuổi bệnh nhân đi, để người dân chán thì còn gì là hạnh phúc, niềm vui của nghề nghiệp?”

Đưa ứng xử giao tiếp thành môn học trong trường y?

Tại buổi Hội Nghị, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã phổ biến kế hoạch về nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế.

{keywords}
Lễ ký kết về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ giữa Bộ Y tế và bệnh viện.

Ông Tác cho biết tất cả cán bộ y tế sẽ được yêu cầu vận dụng các từ ngữ trong giao tiếp với bệnh nhân như: “Xin chào, thưa bác, xin lỗi cháu tiêm cho bác có thể hơi đau bác thông cảm, cảm ơn bác, cảm ơn anh/chị…”

Bên cạnh đó, theo TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bênh, Bộ Y tế, màu áo của nhân viên y tế sẽ được thay đổi. Qua đó, giúp bệnh nhân dễ dàng nhận biết ai đang chăm sóc mình. Trang phục của nhân viên y tế đẹp, lịch sự, gần gũi sẽ giúp thân bệnh nhân tôn trọng cán bộ y tế hơn.

PSG – TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã và đang áp dụng quy tắc ứng xử cho hơn 3.600 cán bộ viên chức của bệnh viện mình, từ những cán bộ ở bộ phận quản lý cho tới nhân viên bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh, cũng như các đối tượng mới tuyển dụng.

Các nhân viên y tế, điều dưỡng được tập huấn theo mô thức giao tiếp có sẵn, với cấp trên cấp dưới phải giao tiếp thế nào, với thân bệnh nhân nói chuyện ra làm sao.

Bệnh viện đã tổ chức được 22 đợt tập huấn về ứng xử giao tiếp, triển khai bàn hướng dẫn ở mỗi khoa từ 3 năm nay. Qua đó, có 22 cá nhân là cán bộ y tế đã được khen thưởng vì có cách ứng xử tốt.

Tuy nhiên, để việc thay đổi cách ứng xử giao tiếp giữa nhân viên y tế với thân bệnh nhân được bài bản, hiệu quả hơn, TS Sơn kiến nghị nên đưa luôn giao tiếp ứng xử thành một chương trình học ở các trung tâm đào tạo y tế. Từ đó, người bác sĩ, điều dưỡng ngay từ khi ra trường đã có kỹ năng về hành xử, giao tiếp với bệnh nhân.

Thanh Huyền