- Sau khi đi Libya phải về nước trước hạn hơn 3 tháng vẫn chưa được các công ty XKLĐ thanh lý hợp đồng (do phải đợi chính sách hỗ trợ của nhà nước), nhiều lao động lo lắng trước khoản nợ trước mắt chưa trả được nên đành phải đi XKLĐ trở lại.

Tin liên quan:
 
Đi lại để có tiền trả nợ

Sau khi đi XKLĐ ở Libya phải về nước trước hạn chờ mãi vẫn không được Công ty cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (Sona) thanh lý hợp đồng, cuối cùng anh Phạm Văn Hiền (26 tuổi) và anh Phạm Văn Thùy (29 tuổi) ở Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đành phải đăng ký, làm thủ tục để đi XKLĐ lại sang Ả rập xê út.

Anh Hiền bảo, sang Libya chưa được 2 tháng thì anh đã phải về nước do tình hình khủng hoảng chính trị. Sau khi về nước, nhiều lần anh Hiền đã liên hệ hỏi công ty về việc thanh lý hợp đồng thì được đại diện công ty trả lời chưa thể thanh lý hợp đồng đối với những lao động như anh, do nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể.
 
Anh Thùy (trái) và anh Hiền (giữa) đang chuẩn bị hành lý từ Công ty Sona ra sân bay để đi lại XKLĐ sang Ả rập xê út. 

Canh cánh với nỗi lo về khoản nợ hơn 30 triệu đồng vay đi Libya chưa biết lấy đâu để trả, suy đi tính lại, không còn cách nào khác anh Hiền đành phải đăng ký đi XKLĐ lại với mong muốn sang làm việc để có tiền gửi về trả nợ.

“Chúng tôi chờ mãi mà chưa thấy nhà nước hỗ trợ, trong khi nợ nần người ta đòi lại không có trả nên khi nghe công ty nói đi Ả rập xê út là đăng ký đi ngay”, anh Thùy vừa nói vừa xách ba lô và cùng anh Hiền lên xe ra sân bay Nội Bài đi Ả rập xê út.

Cũng như anh Thùy và anh Hiền, lao động Nguyễn Văn Hoan, 23 tuổi, ở Phú Xuyên Hà Nội sau khi phải bỏ ra 54 triệu đồng sang Libya làm thợ hàn rồi về nước sớm đến nay vẫn chưa được Công ty CP thương mại Quốc tế Việt thanh lý hợp đồng do phải chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Anh Hoan cũng muốn được đi XKLĐ lại để có tiền trả nợ, và thực tế anh cũng được công ty giới thiệu cho đi làm tại thị trường Dubai, nhưng đợi mãi anh Hoan vẫn chưa được tham gia thi tay nghề.

“Đi Libya rồi phải về nước trước hạn, đến nay ngoài một triệu đồng của nhà nước hỗ trợ ra thì tôi chưa được nhận bất kỳ một đồng nào từ công ty. Khoản nợ bố mẹ vay lúc đi vẫn chưa có trả, chính vì vậy tôi muốn được đi XKLĐ lại để có tiền trả nợ. Thế nhưng, đợi mãi mà chưa được công ty gọi đi thị trường mới”, anh Hoan cho biết.

Lao động bức xúc

Anh Lê Hồng Lực, 34 tuổi, ở Hoàng Khê, Hoàng Hóa (Thanh Hóa), sau khi sang Libya chưa đầy 20 ngày phải về nước cũng lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất với khoản nợ hơn 40 triệu đồng vay khi đi Libya.

Sau khi về nước, anh Lực có nhiều lần gọi điện cho ông Trịnh Xuân Quý, là người giới thiệu anh đi Libya qua Công ty Oleco, thì được ông Quý cho biết: Phải đợi có chính sách hỗ trợ của nhà nước thì công ty mới thanh lý được. Hiện tại có thị trường Oman đang cần lao động, nếu anh muốn đi thì có thể đăng ký rồi làm thủ tục đi ngay.

Sau khi phải về nước trước hạn nhiều lao động vẫn chưa được tiến hành thanh lý hợp đồng.

Thế nhưng, khi anh Lực hỏi về khoản phí xuất cảnh sang Oman qua công ty này thì sẽ được công ty hỗ trợ như thế nào, ông Quý cho hay: Nếu muốn đi, anh Lực phải tự bỏ toàn bộ chi phí ra để làm thủ tục vối số tiền là 18 triệu đồng, chứ công ty không thể hỗ trợ được gì.

Anh Lực bức xúc: “Chúng tôi bỏ ra hơn 40 triệu để đi Libya rồi phải về nước trước hạn, tiền vay lãi chưa biết lấy đâu để trả, nay nếu công ty tạo điều kiện hỗ trợ thì chúng tôi còn đi được, chứ nếu bắt tôi phải lo cả thì tôi biết vay đâu ra tiền mà đi”.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Phú Toản, Trưởng phòng XKLĐ, Công ty Oleco thì được ông Toản cho biết: Công ty Oleco hoàn toàn không hề có thị trường Oman mà chỉ có thị trường mới là Belarut nên nếu lao động có nguyện vọng đi XKLĐ lại thì công ty sẽ tạo mọi điều kiện.

Ông Toản cũng nói rõ, công ty chỉ có 5 lao động đi Libya, và với số lao động này, sẽ được công ty thanh toán trước để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Cụ thể, công ty sẽ trả lại toàn bộ phí dịch vụ và các khoản phí có thể thanh toán trước cho người lao động.

Sau này, nếu nhà nước hỗ trợ như thế nào thì công ty sẽ thanh toán lại với người lao động miễn là không vượt quá số tiền lao động nộp cho công ty.

Còn về việc ông Trịnh Xuân Quý nói với anh Lực, ông Toản cho biết, ông Quý chỉ là người đại diện của trung tâm tư vấn giới thiệu tổng hợp ở Thanh Hóa và giới thiệu cho anh Lực đi Libya qua công ty, chứ hoàn toàn không có quyền giải quyết hợp đồng cho anh Lực.

Gia Văn
Tin liên quan:

“Ngồi trên lửa” giải quyết cho lao động Libya
Sau khi giải cứu lao động khỏi vùng chiến sự Libya, các doanh nghiệp XKLĐ đang đứng trước “thảm cảnh” khó khăn chồng chất khi chờ phương án thanh lý hợp đồng cho người lao động.
 
Tàu chở 1.000 lao động Libya cập cảng Cái Lân
Theo thông tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, vào lúc 7h30 ngày 4/4, tàu chở hơn 1.000 lao động từ Libya sẽ cập cảng Cái Lân (Quảng Ninh) thay vì cập cảng Hải Phòng như dự tính.
 
Lao động Libya bắt đầu được tuyển dụng
Các công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động đã bắt đầu tuyển lao động từ Libya, riêng Tổng Công ty Viglacera đã tuyển được một số lao động bắt đầu vào làm việc từ tuần trước.