Hiện 2 khối nhà còn lại của căn biệt thự cổ chênh vênh có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Có mặt ngay sau khi xảy ra vụ sập nhà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã yêu cầu các lực lượng chức năng khoanh vùng và hạn chế, cấm đi lại trong tầm ảnh hưởng của biệt thự bị đổ, do kết cấu ngôi nhà đã bị thay đổi, hiện còn hai khối nhà chênh vênh có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

{keywords}

Hiện trường xung quanh khu vực nhà cổ sập. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng quan điểm, các chuyên gia xây dựng cũng cảnh báo tình trạng nguy hiểm ở hai khối nhà còn lại tại căn biệt thự cổ này.

Do căn nhà qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, cộng với thời tiết mưa liên tục những ngày qua khiến cho các bức tường bị thấm nước, làm giảm khả năng chịu lực.

Tình trạng này cảnh báo hai khối nhà còn lại có thể đổ sập bất cứ lúc nào, cần di tản các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Theo nhận định ban đầu, trước thời điểm ngôi nhà bị sụp trời mưa lâu ngày do nhà quá cũ nên đã bị thấm nước dẫn đến sập mái và tường tầng 2.

Trận mưa liên tiếp mấy ngày qua nước thấm vào. Cả dãy nhà cơi nới xung quanh không có móng chỉ xây tạm bợ cấy lên khiến tòa nhà bị nặng.

“Người ta chủ yếu gá vào rồi xây lên gặp mấy hôm mưa vừa rồi ngấm nước bở ra, nặng quá nên sập. Vì không có móng nên khi sập toàn bộ chỗ gá vào bay hết”. Anh Phong, một người dân ở ngõ Tức Mạc cho biết.

Ông Dương Trọng Liêm, người dân sống cạnh căn biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa bị sập, vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết: "Vụ đổ sập quá bất ngờ và đau thương. Gia đình tôi và các hộ dân liền kề căn nhà bị sập đang rất lo lắng cho cuộc sống sắp tới. Đường vào nhà chen kín gạch đá và bêtông, nguy hiểm hơn là không biết khi nào khối nhà còn lại đổ sập. Rất mong các cấp chính quyền nhanh chóng có giải pháp giúp đỡ người dân chúng tôi tránh nguy hiểm, an cư, sớm ổn định cuộc sống".

Bà Thu ở ngõ Tức Mạc cho biết, đây trước là hội trường của ngành đường sắt, có thời gian cho thuê làm phòng khám của bệnh viện nhưng họ đã đi từ năm 2007. Bây giờ chỉ có một nhóm người của Ban quản lý đường sắt đến đây làm việc. Người chết và bị thương không phải là người ở bên trong mà là những người ở nơi khác đến bán hàng chợ. Phía cạnh tòa nhà người ta lấn chiếm để làm bếp… sau đó có nhu cầu chợ cóc thì cho bà con thuê đi chợ để bán hàng đến nay thì xảy ra tai nạn.

{keywords}
Tòa nhà cổ ngay sát một cao ốc cao tầng

Một người dân khác cùng trong ngõ Tức Mạc phỏng đoán: Có thể do tòa nhà cao tầng bên cạnh (PV – tòa nhà Capitak Tower) xây cách đây khoảng 5-7 năm đào móng sâu quá đã tác động đến hạ tầng ở dưới gây nứt lún âm móng ở dưới của tòa nhà cổ nên chắc chắn phải ảnh hưởng.

Căn biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam). Nhà được xây dựng từ thời Pháp có 3 khối gồm: khối 1 (mặt tiền) 2 tầng, khối 2 bị sập là hội trường được xây dựng kiểu kính mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300m2, 2 bên phía hội trường có hành lang lửng bố trí nơi làm việc của cán bộ, nhân viên và khối 3 là khu phía trong có 2 tầng.

Theo những người dân ở khu phố Trần Hưng Đạo: Khu vực nhà 107 Trần Hưng Đạo, dự kiến là ga số 12, tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội.(tuyến số 3) đoạn Nhổn- Ga Hà Nội. Có lẽ vì thế tòa nhà mặc dù xuống cấp và có một chợ tạm tạm bợ nhưng không được duy tu, bao trì.

Giáp 2 bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Khi xảy ra sập, ngôi nhà đã sập theo phương thẳng đứng và một phần gạch vỡ của công trình đã đổ tràn sang 2 bên lối đi, dẫn đến nhiều người bị thương vong và hư hỏng tài sản.

Những người dân sống ở khu vực này cũng cho biết, trước đó mấy hôm nhân viên của Ban quản lý dự án đường sắt đã chuyển đi nơi khác. Những nạn nhân thương vong phần lớn là những người buôn bán ở chợ tạm trong ngõ đường sắt số nhà 107 Trần Hưng Đạo.

Sự cố sập nhà này đã lấy đi sinh mạng của 2 người và làm 6 người khác bị thương.

(Theo Vietnam+/VOV)